Nông dân tỉnh thực hiện hiệu quả phong trào thi đua yêu nước
LSO- Nhận thức rõ được ý nghĩa và tầm quan trọng của công tác thi đua- khen thưởng có ảnh hưởng rất lớn trong thực hiện có hiệu quả công tác hội và phong trào nông dân, 5 năm qua. Hội Nông dân tỉnh đã tích cực, chủ động đổi mới công tác thi đua- khen thưởng, tổ chức phát động thi đua theo chuyên đề có nội dung thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của Hội. Đồng thời hội chủ động xây dựng nội dung và ký kết chương trình phối hợp thực hiện công tác thi đua, khen thưởng với Ban thi đua, khen thưởng Sở Nội vụ; phối hợp với Đài PTTH tỉnh và Báo Lạng Sơn tích cực đưa tin về các hoạt động của Hội, về các gương điển hình tiên tiến trong các lĩnh vực hoạt động để nêu gương và nhân rộng.
Vũ Trọng Bắc – Tỉnh ủy viên – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh
Hiện nay, toàn hội có 106.816 hội viên, chiếm 86,14% tổng số hộ nông nghiệp; có 226 cơ sở hội với 2.332 chi hội trong tổng số 2.324 thôn, bản, khối phố; không có thôn, bản “trắng” hội viên; tổ chức cơ sở hội vững mạnh bình quân đạt trên 63%, không có cơ sở hội yếu kém. 5 năm qua, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh đã chủ động chỉ đạo các cấp hội tổ chức thực hiện tốt 3 phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động.
Phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm được Hội Nông dân các cấp tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện góp phần quan trọng trong công tác xây dựng Hội, có sức lan tỏa trong hệ thống Hội. Phong trào đã khích lệ, động viên nông dân vươn lên, đổi mới tư duy, dám nghĩ dám làm, khai thác tiềm năng lợi thế về vốn, lao động, đất đai để đầu tư vào sản xuất, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp trên địa bàn, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Công tác khuyến nông, khuyến lâm, chuyển giao KHKT và phối hợp dạy nghề luôn được các cấp hội chú trọng phối hợp thực hiện. Trong 5 năm, đã tổ chức 5.914 lớp tập huấn với 285.675 lượt hộ tham gia, mở được 290 lớp dạy nghề cho 11.725 lượt người ở khu vực nông thôn, riêng Hội Nông dân tỉnh năm 2014 đã tổ chức được 2 lớp dạy nghề có cấp chứng chỉ cho 70 hội viên nông dân. Phối hợp với Ban Dân tộc, tôn giáo, quốc phòng, an ninh Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức triển khai dự án “Nhân rộng mô hình giảm nghèo phát triển chăn nuôi bò sinh sản” năm 2014 tại xã Hữu Lân, huyện Lộc Bình có 18 hộ hội viên tham gia và hưởng lợi trực tiếp từ dự án… Hội Nông dân các cấp đã đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, dịch vụ, hỗ trợ nông dân trong phát triển sản xuất, mở rộng mô hình sản xuất kinh doanh qua việc cho vay từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân và từ nguồn ủy thác qua Ngân hàng CSXH. Hiện nay, nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân trên địa bàn toàn tỉnh (tính đến quý I/2015) là 21.926,28 triệu đồng cho 1.860 hộ vay. Thực hiện nhận ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, tổ chức Hội đã đứng ra tín chấp cho 19.907 hộ hội viên nghèo, vay với tổng dư nợ 503.837 triệu đồng qua 719 tổ TK&VV…
Mô hình HTX trồng rau an toàn xã Hoàng Đồng, TP Lạng Sơn
Từ các nguồn vốn vay, hội viên nông dân đã áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất kinh doanh vươn lên thoát nghèo, góp phần không nhỏ trong phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Từ năm 2010 đến năm 2014, toàn tỉnh có 13.237 lượt hộ đạt danh hiệu hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, bình quân các hộ sản xuất kinh doanh giỏi có mức thu nhập từ 50-200 triệu đồng trở lên/năm. Cùng với đó, các cấp Hội tiếp tục triển khai thực hiện mô hình kinh tế có hiệu quả, nhiều mô hình đã cho thu nhập cao, điển hình như: hộ ông Hoàng Văn Ty, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng đã được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2014” với mô hình sơ chế gừng, nghệ xuất khẩu, thu nhập bình quân 550 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động; hộ ông Hứa Văn May, xã Đồng Bục, huyện Lộc Bình nhiều năm là hộ sản xuất kinh doanh giỏi với mô hình trồng trọt, chăn nuôi cho thu nhập 200 triệu đồng/năm, được vinh danh là “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2013…
Song song với nhiệm vụ phát triển kinh tế, phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới được Hội Nông dân các cấp chú trọng gắn với phong trào “Lạng Sơn chung sức cùng cả nước xây dựng nông thôn mới”. Hội Nông dân tỉnh đã chủ động xây dựng và ban hành kế hoạch hướng dẫn các cấp hội triển khai, thực hiện mô hình “Thôn bản xanh – sạch – đẹp, thân thiện với môi trường”, mô hình “Thu gom phân loại rác thải, giữ gìn vệ sinh môi trường nông thôn” tại xã Xuân Mai, huyện Văn Quan; mô hình “Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn“ tại xã huyện Chi Lăng và mô hình “Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh” cho 88 hộ hội viên tại xã Thượng Cường, huyện Chi Lăng… Các mô hình này đã góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động xã hội tham gia giữ gìn, bảo vệ môi trường nông thôn. Cùng với đó, Hội Nông dân tỉnh tham gia ký kết chương trình phối hợp cùng với các đơn vị trong cụm thi đua phối hợp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2012- 2015 tại 5 xã điểm của tỉnh. Trong phong trào xây dựng nông thôn mới, từ 2010 đến 2014, cán bộ, hội viên nông dân trong tỉnh đã đóng góp được trên 7 tỷ đồng và 837.875 ngày công, cùng với sự đầu tư của Nhà nước đã tham gia xây dựng được hàng nghìn ki lô mét đường giao thông nông thôn, xây dựng được 50 công trình mang tên Hội. Thực hiện phong trào đã xuất hiện nhiều gương điển hình tham gia xây dựng nông thôn mới, trong đó có 369 hộ hội viên nông dân tham gia hiến 324.485 m2 đất để xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình công cộng như làm đường giao thông nông thôn, xây dựng trụ sở xã, xây dựng nhà văn hóa thôn, xây dựng trường học…
Cán bộ thú y tiêm phòng cho đàn vịt con ở xã Đại Đồng (Tràng Định) Ảnh: THANH SƠN
Cùng với hai phong trào trên, phong trào nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng – an ninh cũng đã được các cấp hội quan tâm thực hiện. Thời gian qua, việc ký kết các chương trình phối hợp với các ngành chức năng (quân đội, công an, bộ đội biên phòng) đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân nêu cao cảnh giác trước âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, nhất là âm mưu lợi dụng tôn giáo, dân tộc, dân chủ để kích động chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc… được thực hiện hiệu quả. Thực hiện Chỉ thị 26-TTg của Chính phủ (nay là Quyết định số 81/2014/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phối hợp giữa các bộ, ngành, ủy ban nhân dân các cấp với các cấp Hội Nông dân Việt Nam trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân), các cấp hội đã thực hiện đạt kết quả tích cực. Cụ thể: đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được 7.723 buổi với 359.610 lượt người tham gia, tham gia hòa giải thành 838 vụ tranh chấp mâu thuẫn của nông dân tại cơ sở, góp phần xây dựng tình làng nghĩa xóm ở khu vực dân cư.
Với thành tích trên, trong 5 năm qua, Hội Nông dân tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ tặng 1 bằng khen; Trung ương Hội tặng 1 cờ thi đua, tặng bằng khen cho 27 cá nhân, 20 tập thể và 605 kỷ niệm chương cho các đồng chí là ủy viên Ban Chấp hành Hội Nông dân từ tỉnh đến cơ sở; Uỷ ban nhân dân tỉnh tặng 2 cờ thi đua, bằng khen cho 12 tập thể, 13 cá nhân, danh hiệu tập thể xuất sắc cho 5 tập thể; Hội Nông dân tỉnh tặng bằng khen cho 147 tập thể, 172 cá nhân.
V.T.B
Ý kiến ()