Nông dân tham gia chuyển đổi số: Khát vọng đưa hàng nông sản vươn xa
– Thời gian qua, công tác chuyển đổi số (CĐS) được các cấp hội nông dân (HND) tích cực triển khai thực hiện với nhiều hoạt động đa dạng, phong phú. Qua đó, đã góp phần trang bị cho nông dân kiến thức, kỹ năng CĐS, tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử.
Với hơn 111.300 hội viên nông dân (HVND), đạt tỷ lệ 72% so với tổng số hộ nông nghiệp, CĐS trong HVND được xem là giải pháp để khắc phục những tồn tại như: mô hình sản xuất nhỏ lẻ, kém phát triển, hình thức bán hàng truyền thống… trong nông nghiệp của tỉnh những năm trước đây. Nắm bắt được điều đó, các cấp HND trong tỉnh đã chủ động triển khai những việc làm cụ thể, thiết thực, góp phần làm chuyển biến nhận thức của HVND về CĐS và tham gia vào nền kinh tế số.
Giúp người dân tiếp cận kinh tế số
Ông Hoàng Văn Ngôn, Chủ tịch HND tỉnh cho biết: Thời gian qua, HND tỉnh đã chủ động tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng về CĐS và khuyến khích nông dân tham gia kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử nhằm giúp nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Qua đó, một bộ phận nông dân đã có sự thay đổi về nhận thức, xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm của gia đình, trở thành “đầu tàu” trong phát triển kinh tế số.
Đại diện lãnh đạo Bưu điện tỉnh và HND tỉnh ký kết kế hoạch phối hợp hoạt động về hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021-2025
Xác định để nông dân tham gia CĐS thì cần phải có kiến thức, kỹ năng, các cấp HND đã chủ động triển khai công tác tuyên truyền về CĐS bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như phối hợp tổ chức tuyên truyền trực tuyến từ cấp tỉnh đến các cơ sở nhằm thống nhất về nhận thức. Cùng đó, công tác tuyên truyền cũng được thực hiện thông qua các hội nghị, sinh hoạt chi hội, họp khu dân cư… Nội dung tuyên truyền là Nghị quyết số 49-NQ/TU ngày 28/9/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về CĐS đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; những nội dung nông dân cần triển khai trong công cuộc CĐS của tỉnh cũng như tham gia phát triển kinh tế số; kỹ năng mua bán trên các sàn thương mại điện tử… Các cấp hội cũng phối hợp với thành viên tổ công nghệ số cộng đồng, bưu điện huyện trực tiếp hướng dẫn nông dân xây dựng gian hàng trên sàn thương mại điện tử, quảng bá sản phẩm… Cùng đó, các cấp hội còn vận động HVND cài đặt, sử dụng ứng dụng (app) người mua của sàn thương mại điện tử langson.postmart.vn hoặc langson.voso.vn và tài khoản thanh toán điện tử, app Công dân số Xứ Lạng… nhằm lan tỏa mạnh mẽ tinh thần CĐS trong HVND toàn tỉnh.
Anh Đoàn Tuấn Hậu, Chủ tịch HND xã Chi Lăng cho biết: Toàn xã có hơn 1.000 hộ trồng na thì đến nay đã có hơn 70% số hộ biết ứng dụng CĐS, tham gia bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Đây là hình thức mua bán mới hiện đại và có tính quảng bá cao.
Bên cạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nông dân về CĐS và khuyến khích hội viên tham gia sàn thương mại điện tử, HND tỉnh đã ký kết kế hoạch phối hợp với Bưu điện tỉnh về hỗ trợ nông dân CĐS trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa giai đoạn 2021 – 2025 và phát động mua bán hàng hoá trên sàn Postmart. Theo đó, bưu điện các huyện hướng dẫn nông dân viết bài quảng bá về sản phẩm cần bán, đóng gói sản phẩm để giao hàng đi xa, cách rút tiền, nộp tiền vào tài khoản giao dịch tại các điểm bưu điện văn hóa xã, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa đến tay khách hàng trong thời gian ngắn nhất…
Từ tháng 7/2021 đến nay, các cấp hội đã phối hợp tổ chức tuyên truyền được 256 cuộc đến trên 22.400 lượt HVND về các nội dung này; 50% hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đã xây dựng trang thông tin điện tử, gian hàng để quảng bá sản phẩm. Qua đó, toàn tỉnh đã cài đặt được 741.457 tài khoản (tài khoản Công dân số Xứ Lạng; tài khoản thanh toán điện tử; tài khoản mua trên sàn thương mại điện tử), trong đó, hơn 80% số HVND trên toàn tỉnh đã cài đặt các tài khoản trên. Tính đến hết tháng 3/2023, trên địa bàn tỉnh có 20.978 sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, tăng 1.141 sản phẩm so với cùng kỳ năm 2022, đứng thứ 2 toàn quốc; có 48.837 giao dịch thành công, tăng 3.315 giao dịch so với cùng kỳ, đứng thứ 4 toàn quốc.
Bà Hoàng Thị Huệ, Chủ tịch HND huyện Cao Lộc cho biết: Đến nay, toàn huyện đã vận động HVND mở được gần 2.200 tài khoản thanh toán điện tử, app Công dân số – Xứ Lạng. Nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm, tạo điều kiện thuận lợi để người dân đưa sản phẩm đăng bán trên sàn thương mại điện tử, hội đã tổ chức tuyên truyền sâu rộng về sản xuất nông nghiệp tốt, các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu sản phẩm và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến toàn thể cán bộ, hội viên. Đồng thời, tuyên truyền để nông dân từng bước hiểu rõ hơn về kinh tế số.
Đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm
Việc triển khai CĐS kịp thời trên địa bàn tỉnh đã phát huy hiệu quả tích cực, điển hình như vụ na năm 2021, người trồng na trên địa bàn toàn tỉnh vô cùng lo lắng bởi ảnh hưởng của dịch bệnh khiến việc tiêu thụ gặp khó. Lúc này, các cấp chính quyền đã tuyên truyền, hướng dẫn người dân bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Thông qua kênh này, nhiều nông dân đã bán được sản phẩm mà không phải ra chợ. Chị Hoàng Minh Hương, thôn Sơn Đông, xã Yên Vượng, huyện Hữu Lũng cho biết: Vụ na năm 2021 là thời điểm tôi bán được nhiều hàng nhất với hơn 1.000 đơn hàng thông qua sàn thương mại điện tử voso.vn, số na bán ra khoảng 5 tấn. Năm 2022 giao thương thuận lợi, nhờ những bài đăng trên sàn thương mại điện tử, biết được gia đình tôi sản xuất theo hướng thực hành nông nghiệp tốt, quả mẫu mã đẹp, đồng đều, tiểu thương từ các tỉnh, thành lân cận như Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Dương… đã trực tiếp liên hệ và đến tận nơi thu mua na với số lượng lớn. Hiện gia đình tôi vẫn tích cực tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối với khách hàng, đưa sản phẩm của mình đi xa hơn.
Hội viên nông dân đóng gói sản phẩm na để giao cho khách hàng
Không riêng gia đình chị Hương, thời gian qua đã có hàng trăm hộ trên địa bàn xã Yên Thịnh, huyện Hữu Lũng đã đưa sản phẩm na đến người tiêu dùng cả nước thông qua các sàn thương mại điện tử. Từ năm 2022 đến nay, các sản phẩm hàng hóa của nông dân được đưa lên sàn thương mại điện tử nhiều hơn. Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử ngoài mục đích bán hàng theo đơn lẻ, nông dân nhắm đến mục tiêu tiếp cận với những khách hàng lớn. Chính vì vậy, nhiều nông dân đã chú trọng quảng bá như viết bài về quy trình chế biến, sản xuất; làm phim ngắn về quá trình ra hoa, kết quả… của các loại nông sản. Qua những hình ảnh chân thực về quy trình chăm sóc, sản xuất, đã có không ít nông dân nhận được những đơn đặt hàng lớn hoặc được tiểu thương đến tận vườn thu mua sản phẩm.
Những sản phẩm của nông dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu là hoa quả tươi thời gian bảo quản ngắn, khó khăn khi vận chuyển đi xa, nhiều nông dân đã chủ động nghiên cứu, áp dụng công nghệ bảo quản và chế biến để đưa sản phẩm được đi xa, đáp ứng yêu cầu thuận tiện khi sử dụng của người tiêu dùng. Có thể kể đến một số sản phẩm như: trà hoa vàng sấy lạnh; quả, lá mác mật khô; gia vị ướp thịt từ quả mác mật; tương ớt; trà diếp cá; bột thạch đen… điều đó cho thấy sự linh hoạt của nông dân khi tham gia phát triển kinh tế số.
Chị Hàn Thị Hạnh, thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng cho biết, trước đây gia đình tôi chỉ sản xuất sản phẩm xúc xích, lạp sườn tươi, khi ăn phải qua chế biến và khó vận chuyển đi xa. Với mong muốn đưa sản phẩm đi xa hơn, bảo quan được lậu hơn gia đình tôi đã đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất hiện đại trị giá trên 1 tỷ đồng. Cùng với đó, gia đình xây dựng thương hiệu Bích Trâm cho sản phẩm, đăng ký tham gia chương trình OCOP, đến nay sản phẩm của gia đình tôi đã được công nhận đạt OCOP 3 sao. Hiện sản phẩm của gia đình tôi không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn phục vụ người tiêu dùng cả nước khi tham gia bán hàng trên sàn thương mại điện tử.
Việc phát triển kinh tế số đã thay đổi hoàn toàn nhận thức, cách làm truyền thống của người dân trong đó có HVND về tiêu thụ sản phẩm trên sàn thương mại điện tử, mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm từ bó hẹp trong địa bàn, trong huyện, trong tỉnh ra ngoại tỉnh và toàn quốc. Thời gian tới các cấp HND trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục nỗ lực tăng cường tuyên truyền về công tác CĐS trên trang thông tin điện tử HND tỉnh và các ứng dụng xã hội như facebook, zalo của các cấp hội. Đồng thời, tiếp tục giới thiệu, hướng dẫn HVND tiếp cận các ứng dụng Sàn thương mại điện tử Postmart, Vỏ Sò, VietnamPost… , góp phần thực hiện thành công việc CĐS của tỉnh.
Xác định để sản phẩm vươn đến những thị trường khó tính cũng như giữ uy tín của thương hiệu trên thị trường, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đầu tư xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của gia đình. Theo đó, các hộ dân, hợp tác xã đã xây dựng quy trình sản xuất đáp ứng các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, đầu tư tem nhãn, bao bì sản phẩm. Do đó, sản phẩm không chỉ có có chất lượng ổn định mà hình thức còn đẹp mắt thích hợp làm quà, biếu tặng… Đến nay, toàn tỉnh đã có 94 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, 73 sản phẩm đạt 3 sao, 21 sản phẩm đạt 4 sao. |
Ý kiến ()