Nông dân tất bật chuẩn bị vụ đào tết
- Chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, hiện bà con nông dân trồng đào trên địa bàn tỉnh đang tích cực chăm sóc để hoa nở đúng thời vụ, kịp khoe sắc vào dịp tết. Khác với mọi năm, năm nay do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Yagi) một số diện tích đào cảnh đã bị ngập úng gây, ảnh hưởng tới chất lượng và thời gian ra hoa của cây nên việc chăm sóc đào cũng đòi hỏi sự tỉ mỉ hơn.
Những ngày cuối tháng 11/2024, có mặt tại thôn Quảng Hồng, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn, chúng tôi thấy rõ không khí tất bật của người dân trồng đào với các công đoạn tỉa cành, khoanh gốc, khoanh bầu cho đào.
Là người gắn bó với nghề trồng đào cảnh hơn 8 năm nay, chị Hoàng Thị Diệu, thôn Quảng Hồng cho biết: Vụ đào tết năm nay, tôi có 1.500 gốc các loại gồm: đào bích, đào phai, đào thất thốn… để bán ra thị trường. Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 vào tháng 9/2024 nên hơn 200 gốc đào của gia đình tôi đã bị ngập úng, thối rễ. Đối với những cây bị nghiêng đổ nhẹ thì tôi chủ động gia cố lại cho chắc chắn và theo dõi sự sinh trưởng, phát triển của cây để có sự chăm sóc phù hợp. Bên cạnh đó, công đoạn tuốt bỏ lá để cây tập trung dinh dưỡng cho nụ, bảo đảm nụ hoa ra nhiều, đều, cánh hoa to cũng rất quan trọng. Thông thường tôi tuốt lá làm 2 lần, mỗi lần cách nhau khoảng 1 tuần. Việc tuốt lá như vậy sẽ khiến cây ra hoa theo từng đợt gối nhau. Sau khi tuốt lá, tôi sẽ căn cứ vào thời tiết để có cách chăm sóc phù hợp, “thúc” hay “hãm” cây sao cho cây có nhiều nụ, nụ to, sắc thắm, hoa nở đúng dịp tết... Đầu tháng 10 âm lịch, tôi tiếp tục thực hiện công đoạn như: vệ sinh quanh gốc, khoanh gốc và bó bầu cho cây đào. Những tháng cuối năm, thời tiết khá thuận lợi cho sự sinh trưởng, phát triển của hoa đào, dự kiến nụ sẽ ra đều và to hơn.
Không chỉ riêng người dân trồng đào trên địa bàn xã Quảng Lạc, không khí chuẩn bị cho vụ đào tết tại thành phố Lạng Sơn và các huyện khác cũng rất khẩn trương. Bà Nông Thị Huyền Trang, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hữu Lũng cho biết: Hiện nay, toàn huyện có trên 30 ha trồng đào cảnh, được trồng chủ yếu ở các xã: Minh Hòa, Hồ Sơn, Sơn Hà... Thời điểm này, người trồng đào trên địa bàn huyện đang tập trung theo dõi diễn biến thời tiết để có biện pháp chăm sóc kịp thời, đảm bảo hoa đào nở đúng vào dịp tết. Trung bình mỗi năm, phòng phối hợp tổ chức 2 hoặc 3 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây đào cho bà con. Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng cây hoa đào, phòng cũng phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, khuyến khích người dân cải tạo và thay thế một số giống hoa đào chất lượng kém bằng những giống đào có nguồn gốc rõ ràng, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Theo kinh nghiệm của một số hộ dân trồng đào cảnh lâu năm trên địa bàn tỉnh, để cây đào nở đúng dịp, đòi hỏi người trồng đào phải tỉ mỉ trong từng khâu chăm sóc và nhạy bén nắm bắt diễn biến thời tiết, đảm bảo cung cấp đủ độ ẩm, chất dinh dưỡng cho cây để hoa nở đúng dịp tết thì mới cho hiệu quả kinh tế cao. Anh Lương Văn Tuyển, thôn Keo, xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng chia sẻ: Hoa tết là vụ sản xuất quan trọng nhất trong năm đối với nông dân trồng hoa như chúng tôi. Vì vậy, việc chăm sóc đào vụ tết đòi hỏi phải cẩn thận, tỉ mỉ, công phu từ khâu chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nhất là phải làm sao để hoa nở đúng dịp tết nên những ngày này tôi huy động hết nhân lực trong gia đình để làm cỏ, bón phân, tuốt lá, tạo tán, vun đất vào chậu... trên diện tích hơn 2.000 gốc đào. Cùng đó, chúng tôi thường xuyên theo dõi thời tiết để tưới nước, thời tiết như hiện tại thì 3 đến 5 ngày tưới một lần. Đến nay, hơn 50% số cây đào của vườn đã được khách hàng trong và ngoài tỉnh đặt mua, đến giữa tháng 12 âm lịch số đào này sẽ được chuyển đến khách hàng.
Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, tính đến nay, diện tích cây đào toàn tỉnh đạt trên 650 ha. Cây đào được trồng nhiều nhất tại thành phố Lạng Sơn và các huyện như: Bắc Sơn, Hữu Lũng, Văn Quan, Bình Gia, Cao Lộc… Trung bình mỗi năm, cơ quan chuyên môn tại các huyện, thành phố đều tổ chức 2 hoặc 3 lớp tập huấn lồng ghép về kỹ thuật trồng và chăm sóc đào cảnh, đồng thời, vận động các hộ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) trồng đào cảnh. Tiêu biểu như: HTX Hoa đào Bản Cao, xã Quảng Lạc, thành phố Lạng Sơn; HTX Hoa đào cảnh Minh Hòa, xã Minh Hòa, huyện Hữu Lũng...
Những năm gần đây, cây đào cảnh của tỉnh Lạng Sơn không chỉ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong tỉnh mà còn phát triển thị trường rộng rãi ra các tỉnh, thành khác như: Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang… Ngoài ra, để góp phần quảng bá hình ảnh hoa đào Xứ Lạng tới du khách thập phương, vào dịp đầu năm, thành phố Lạng Sơn và một số huyện còn tổ chức lễ hội hoa đào như: Lễ hội hoa đào Xứ Lạng; lễ hội hoa đào xã Quảng Lạc; lễ hội hoa đào xã Chiến Thắng, huyện Bắc Sơn...
Trong mỗi gia đình dịp Tết đến xuân về, hoa đào là loại hoa không thể thiếu. Sau thời gian vất vả chăm sóc, đây là thời điểm người trồng đào trên địa bàn tỉnh tập trung thực hiện các công đoạn cuối trước khi đưa ra thị trường tết. Với kinh nghiệm, sự chuẩn bị từ sớm và chu đáo của các nhà vườn, hy vọng thời tiết sẽ tiếp tục thuận lợi để các hộ trồng đào được mùa, được giá trong dịp tết năm nay.
Ý kiến ()