Nông dân tất bật chăm sóc na
– Thời điểm này, người dân trồng na trên địa bàn tỉnh đang tập trung chăm sóc, bón phân, thụ phấn… cho cây na. Việc tập trung chăm sóc cho cây na vào thời điểm này vừa giúp cho cây phục hồi, phát triển tốt vừa tăng tỷ lệ đậu quả, đảm bảo năng suất, chất lượng quả trong mùa vụ tiếp theo.
LIỄU CHANG
Toàn tỉnh hiện có trên 4.300 ha na, trồng tập trung chủ yếu tại các huyện: Hữu Lũng, Chi Lăng; sản lượng na ước đạt trên 32.000 tấn/năm
Sau Tết là thời điểm người dân trồng na trên địa bàn tỉnh bắt đầu với công việc dọn cỏ, tỉa cành, bón phân để dưỡng cây sau thời gian dài nghỉ đông, chuẩn bị cho một vụ na mới
Trước khi bón phân, người dân thị trấn Đồng Mỏ, huyện Chi Lăng tiến hành xới đất quanh gốc, đảm bảo khi bón phân cây sẽ dễ dàng trong hấp thụ chất dinh dưỡng để phát triển
Sau 2 tháng được tỉa cành, bón phân, cây na bắt đầu cho ra hoa. Để kéo dài thời gian thu hoạch quả, vài năm gần đây, ngoài vụ na chính (cho thu hoạch từ tháng 7 đến giữa tháng 8), người dân trồng na trên địa bàn tỉnh còn tập trung trồng, chăm sóc na rải vụ (cho thu hoạch từ tháng 9 đến giữa tháng 11)
Nếu như trước đây, người dân để cây na thụ phấn tự nhiên, tỷ lệ đậu quả chỉ đạt từ 8 – 10% thì từ nhiều năm nay, người dân trồng na đã tiến hành thụ phấn cho cây bằng phương pháp thủ công (chấm na) nên tỷ lệ đậu quả đạt cao hơn (đạt 80 - 90%)
Chấm na là giai đoạn quan trọng và rất vất vả, quyết định đến năng suất, sản lượng na hằng năm. Thường khoảng từ tháng 4 hằng năm là thời điểm na bắt đầu ra hoa thành từng lứa. Lúc này, người dân sẽ tiến hành thu hạt phấn từ những bông hoa đực, sau đó dùng các thiết bị, dụng cụ hỗ trợ để chấm vào từng bông hoa cái
Hoa na sau khi được thụ phấn, nếu gặp thời tiết thuận lợi sẽ đậu thành quả. Lúc này, ngoài tiếp tục thụ phấn những lứa hoa ra sau thì song song với đó, người dân phải thực hiện các biện pháp phòng trừ sâu, bệnh hại như: thán thư, rệp sáp, bọ xít lưng gù, nhện đỏ. Ngoài ra, trên cây na cũng thường xuyên xuất hiện ruồi vàng hại quả nên người dân thường phải treo bẫy bả ruồi vàng
Song song với công đoạn chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh hại, người dân trồng na tại thị trấn Chi Lăng cũng thường xuyên thăm vườn, kiểm tra sự sinh trưởng phát triển của cây
Để hạn chế tối đa sâu, ruồi chích quả na, vài năm gần đây, người dân còn tiến hành bọc kín quả bằng túi nilon sáng màu. Sau khi thu hoạch quả, túi sẽ được người dân thu gom, sử dụng lại trong các vụ sau nhờ đó hạn chế ảnh hưởng đến môi trường
Nhờ chăm sóc tốt và áp dụng đúng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc na, từ nhiều năm nay, nhiều hộ dân trồng na trên địa bàn tỉnh đã có thu nhập cao từ 200 đến 500 triệu đồng/năm, từ đó, góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống.
Ý kiến ()