“Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0”
Ngày 14/10, tại Hà Nội, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Diễn đàn nông nghiệp Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0”.
Đây là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động của Chương trình “Tự hào nông dân Việt Nam” lần thứ 5.
Dự diễn đàn có các đồng chí: Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương và 87 đại biểu là nông dân Việt Nam 30 năm đổi mới.
Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong việc tổ chức Diễn đàn nông dân Việt Nam lần thứ 2 với chủ đề “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0”. Đặc biệt ý nghĩa hơn nữa khi tại Diễn đàn có sự xuất hiện của các cơ quan quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, đặc biệt là 87 nông dân Việt Nam xuất sắc – những người quan trọng quyết định sự thay đổi của bộ mặt ngành nông nghiệp.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu tại Diễn đàn các bộ, ngành có liên quan cần phải giải đáp những thắc mắc rất cụ thể cho người nông dân; giải quyết các vướng mắc về vốn, nhân lực, về thị trường, công nghệ cũng như đề xuất xây dựng các chính sách rõ ràng, cụ thể để hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao; phát triển nông nghiệp 4.0.
Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn cho biết: Tại Diễn đàn, các nhà khoa học, các diễn giả, nhà quản lý, nhà nghiên cứu và các đại biểu nông dân tiêu biểu thảo luận, đối thoại, trao đổi nhận diện về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam, tình trạng hiện nay và xu hướng trong tương lai; Cơ hội, thời cơ, cũng như thách thức, khó khăn từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho phát triển nông nghiệp nước nhà…
Các đại biểu cho rằng, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp cao độ của hệ thống kết nối số hoá – vật lý – sinh học với sự đột phá của Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đang làm thay đổi căn bản nền sản xuất của thế giới. Các thành tựu mới của khoa học – công nghệ được ứng dụng để tối ưu hoá quá trình sản xuất, phân phối, trao đổi, tiêu dùng và quản lý quản trị… tăng trưởng chủ yếu dựa vào động lực công nghệ và đổi mới sáng tạo, thay cho tăng trưởng chủ yếu dựa vào các yếu tố đầu vào truyền thống. Làn sóng đổi mới công nghệ tốc độ cao song hành với hội nhập và tự do hoá thương mại toàn cầu sẽ tạo sức ép cạnh tranh rất lớn đối với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp và chính những người nông dân.
Là người đi khai hoang nổi tiếng ở vùng Nam Bộ, hiện đang canh tác khoảng 1.000ha đất nông nghiệp ở 6 tỉnh khác nhau, ông Võ Quan Huy – Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An (tỉnh Long An) chia sẻ: “Ở trang trại của chúng tôi, việc nuôi bò đều đã được cơ giới hoá, chúng tôi đang tìm cách ứng dụng thêm công nghệ số để tự động hoá thức ăn, nguồn dinh dưỡng cho bò. Với con tôm cũng vậy, toàn bộ các khâu trong sản xuất đều ứng dụng công nghệ máy móc để đo nhiệt độ, sự sinh trưởng, chỉ số hoá lý môi trường nước…
“Qua thực tế, việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ rất nhiều đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe do nước ngoài đề ra” – ông Võ Quan Huy cho hay.
Tuy nhiên, theo ông Huy, điều mà ông đang gặp khó khăn khi ứng dụng công nghệ cao là nhập khẩu các thiết bị rất đắt đỏ. “Tôi đã đi tham quan nhiều mô hình sản xuất ở nước ngoài và đi nhiều hội chợ trưng bày, bán thiết bị. Chẳng hạn, sử dụng máy bay flycam để phun thuốc bảo vệ thực vật, hiệu quả rất cao nhưng giá thành lại đắt đỏ, gần 10.000USD. Thêm nữa là nguồn nhân lực để sử dụng các thiết bị này cũng chưa đáp ứng được.
Cùng chung ý kiến với ông Huy, để tiếp cận được với công nghệ cao, thì đa số người nông dân còn gặp rất nhiều khó khăn như: nguồn vốn, nguồn nhân lực chất lượng cao…
Giải đáp vấn đề này, theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn khẳng định “Có những rào cản về vốn chẳng hạn, cần công cụ hướng dẫn. Ngân hàng sẵn sàng cho nông dân vay, lãi suất ưu đãi. Câu chuyện thị trường phải từ khâu sản xuất, chế biến, tạo chuỗi bài bản, kèm theo những giải pháp tháo gỡ các rào cản và phải tận dụng tính kết nối. Cả nông dân, doanh nghiệp, Nhà nước, ngân hàng cần tích cực vào cuộc, qua đó sẽ giúp được nông dân rất nhiều khi ứng dụng nông nghiệp 4.0”.
Tại Diễn đàn, các nhà khoa học, các diễn giả cũng làm rõ vấn đề về vị trí, vai trò của người nông dân Việt Nam trong xu hướng phát triển nông nghiệp thông minh. Từ đó, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam và các địa phương cần làm gì, hỗ trợ, định hướng, hướng dẫn, đào tạo như thế nào để nông dân chủ động nắm bắt những cơ hội to lớn, đồng thời vượt qua những rủi ro, thách thức không nhỏ mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang tới.
Các đại biểu khẳng định, để bước vào nông nghiệp 4.0, người nông dân không chỉ cần vốn, tìm kiếm thị trường mà còn phải chuẩn bị cho mình cả nhân lực có năng lực để vận hành những thiết bị hiện đại và tìm kiếm cho mình công nghệ phù hợp. Câu chuyện nhân lực ở đây là nông dân phải tham gia các khoá học để nâng cao kỹ năng, tính kỷ luật và tự đào tạo bằng cách học hỏi kinh nghiệm thành công của người khác.
Chia sẻ về việc tiếp cận với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của nông dân Việt, GS,TS Nguyễn Văn Bộ, nguyên Viện trưởng Viện Nông nghiệp Việt Nam cho rằng: có 2 vấn nhà nước và người sản xuất cần quan tâm, trong đó tập trung 3 điều kiện cần và một điều kiện đủ.
Theo ông Bộ, 3 điều kiện cần đó là cần có hành làng pháp lý phục vụ cho người sản xuất chứ không phải dành cho người quản lý, hành lang pháp lý này phải minh bạch và dễ dàng tiếp cận. Thứ 2 là cơ sở hạ tầng phải tương thích với trình độ người sản xuất. Thứ 3: Cơ sở dữ liệu phù hợp với ngành hàng và thị trường.
Một điều kiện đủ quyết định thành công là người sản xuất và doanh nghiệp phải dũng cảm và tâm huyết và nông nghiệp. Sở dĩ, như chúng ta đã biết làm nông nghiệp nhiều rủi ro, nên các doanh nghiệp phải hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp phải có bản lĩnh.
“Chúng ta không nên tiếp cận kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp công nghệ cao 4.0 của các nước theo kiểu phong trào. Cũng không nhất thiết phải áp dụng tất cả các công nghệ của cách mạng nông nghiệp 4.0 này, mà cần phải hài hòa và phù hợp với đặc thù riêng của nước mình. Bên cạnh đó, khi làm nông nghiệp công nghệ cao 4.0, chúng ta cũng cần xác định 3 điều, đó là sản xuất ngành hàng gì, thị trường tiêu thụ, có đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế hay không?”- Ông Bộ chia sẻ.
Diễn đàn “Nông dân sẵn sàng cho nông nghiệp 4.0” là dịp tạo ra nhận thức chung, tạo ra tiếng nói chung để động viên, khích lệ hội viên, nông dân ứng dụng nông nghiệp 4.0, vì đây là xu hướng tất yếu và nông dân Việt Nam không thể đứng ngoài làn sóng này./.
Theo dangcongsan
Ý kiến ()