Nông dân Sa Pa sơ tán trâu xuống vùng thấp tránh rét hại
Từ ngày 3-12 đến nay, nhiệt độ tại Sa Pa (Lào Cai) luôn ở mức dưới 10 độ C. Để bảo vệ nguồn sức kéo, đồng thời là tài sản có giá trị lớn của gia đình, nhiều hộ nông dân ở các xã Sa Pả, Tả Phìn, Trung Chải… (Sa Pa) đã di chuyển đàn trâu xuống vùng thấp, ở sát huyện Bát Xát và TP Lào Cai để tránh rét hại, hạn chế gia súc bị chết do giá rét và thiếu cỏ.
Sáng 7-12, nhiệt độ tại Sa Pa xuống thấp ở mức dưới 8 độ C, mưa nhỏ kèm theo gió thổi mạnh khiến rét buốt chân, tay. Đợt rét này đã kéo dài trong gần một tuần qua, làm cho đàn trâu của nhiều gia đình nông dân ở các xã vùng cao của huyện Sa Pa, như Tả Phìn, Hầu Thào, Trung Chải, Bản Khoang, Tả Giàng Phình… phải chống đỡ vất vả với cái rét đầu mùa đông, rồi sẽ kéo dài cho đến tận tháng ba năm sau, với cường độ ngày càng khắc nghiệt hơn.
Dự báo rét hại kéo dài, trong khi nguồn cỏ tự nhiên cạn kiệt, anh Mã A Phó, dân tộc Mông ở thôn Má Tra, xã Sa Pả, huyện Sa Pa quyết định “sơ tán” đàn trâu năm con của gia đình xuống vùng thấp tránh rét. Anh rủ thêm hai người nữa ở cùng thôn là anh Mã A Xóa và anh Mã A Do cùng nhau di chuyển đàn trâu gần 20 con đi tránh rét. Trong khi có xe ô-tô chở thuê trâu đi sơ tán, với giá 100 nghìn đồng/con, thì các anh quyết định lùa trâu “đi bộ” theo quốc lộ 4D, để tiết kiệm được số tiền vận chuyển, dùng cho việc sinh hoạt trong quá trình chăm sóc, bảo vệ đàn trâu ở nơi di chuyển đến.
Lùa đàn trâu rời chuồng từ lúc tám giờ sáng, vượt quãng đường hơn 20 km, đến khoảng hai giờ chiều cùng ngày, ba ông chủ và đàn trâu đến địa phận xã Toòng Sành, huyện Bát Xát. Thời tiết ở đây ấm hơn, cỏ tự nhiên và những vạt nương ngô vừa bẻ bắp, lá vẫn còn xanh, là nguồn thức ăn tốt cho đàn trâu. Vậy là các anh hạ trại.
Đưa trâu lên những vạt nương với thân ngô và cỏ xanh cho chúng ăn no cái bụng vốn “lép kẹp” chỉ có ít rơm khô dự trữ ( không đủ “kéo” tới hết mùa rét lạnh) trong mấy ngày qua. Còn ba ông chủ xắn tay áo, dùng dao mang theo chặt cây gỗ, thân tre vầu làm khung đỡ, tháo nhanh những tấm bạt dứa lợp mái và quây quanh chắn gió, trải ít rơm khô hoặc tấm chiếu lót nền, thế là thành chiếc lán để ở tạm trong mấy tháng rét. Quần áo, chăn màn, nồi niêu, dụng cụ cá nhân… mang theo đủ dùng, còn lương thực, thực phẩm thì “tiếp tế” hằng tuần từ nhà, bằng chiếc xe máy cà tàng mang theo để ở góc lán.
Cuộc sống “du mục” của một bộ phận nông dân, người Mông ở Sa Pa, vào mùa đông diễn ra như thế. Dù có vất vả, thậm chí khổ cực nhưng cái chính là để bảo vệ được nguồn sức kéo, phục vụ sản xuất, đồng thời cũng là tài sản có giá trị lớn của họ. Đây cũng là một trong những kinh nghiệm dân gian, một phương cách “chung sống” với rét hại, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại do thời tiết khắc nghiệt ở vùng núi cao Sa Pa.
Vừa chuẩn bị bữa trưa, với cơm nấu, rau cải và thức ăn khô mang theo, anh Mã A Phó bộc bạch: “Trong khi chưa có điều kiện thì mình phải “sơ tán” trâu đi trốn rét để tránh thiệt hại. Về lâu dài, tới đây mình sẽ làm chuồng trại và tích trữ rơm, cỏ, thân ngô khô…, theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông xã, để nuôi nhốt trâu ngay tại nhà, không phải đi xa nữa, vất vả lắm”.
Làm lán tạm ở vùng thấp Toòng Sành (Bát Xát) để chăm sóc trâu.
Chuẩn bị bữa trưa của những người đưa trâu đi tránh rét.
Ở vùng thấp, thời tiết ấm và nhiều cỏ cho trâu ăn.
Lùa trâu về bãi tập kết ở vùng thấp tránh rét hại.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()