Nông dân Sa Pa chủ động đưa gia súc đi tránh rét, sương muối
Do không khí lạnh tăng cường, nhiệt độ giảm sâu dưới 0 độ C nên trên đỉnh Fansipan, huyện Sa Pa (Lào Cai) đã xuất hiện sương muối với cường độ nhẹ từ nửa đêm 25/11 đến rạng sáng 26/11. Đây là đợt sương muối thứ 2 tấn công Fansipan tính từ đầu tháng 11 đến nay.
Người dân Sa Pa đã phải đưa địa lan và gia súc xuống vùng thấp tránh thiệt hại do giá rét và sương muối có thể gây ra.
Sương muối bám vào đường đi, cành cây, ngọn cỏ, sàn gỗ nhà ga khu cáp treo Fansipan một lớp trắng mỏng. Đến khoảng 7 giờ sáng 26/11, khi có ánh nắng mặt trời sương muối tan hết.
Ông Lưu Minh Hải, giám đốc Đài khí tượng Thủy văn tỉnh Lào Cai cho biết, tối 25/11, mưa trên khu vực Fansipan chấm dứt. Ban đêm bầu trời chuyển quang mây, khiến bức xạ nhiệt mặt đất lớn, làm lớp không khí sát đất bị lạnh đi nhanh chóng. Hơi nước trong không khí ngưng tụ lại thành các giọt nước nhỏ rất lạnh, khi nhiệt độ mặt đất giảm xuống dưới 0 độ C tạo thành sương muối.
Trước đó, vào ngày 1/11, cũng do ảnh hưởng của không khí lạnh mạnh, Sa Pa trời chuyển rét sâu, sương muối đã xuất hiện và phủ trắng đỉnh Fasipan.
Sương muối là một hiện tượng thời tiết rất nguy hại cho cây trồng, vật nuôi các loại. Do vậy, nhiều hộ dân trồng địa lan thương phẩm Sa Pa đã đưa cây trồng này xuống vùng thấp như Cốc San, Tòng Sành (huyện Bát Xát) để tránh rét và sương muối. Tương tự, dọc tuyến Quốc lộ 4D từ Lào Cai đi Sa Pa, hàng chục đàn trâu của các hộ dân huyện Sa Pa đã được di chuyển về địa phận xã Cốc San để tránh rét hại.
Do đã có kinh nghiệm đưa trâu đi tránh rét, nên người dân không gặp nhiều khó khăn trong việc liên hệ tìm nơi tránh trú cho đàn trâu.
Để phòng tránh và giảm thiểu các thiệt hại do sương muối gây ra trong sản xuất nông nghiệp, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Lào Cai đã khuyến cáo, đối với diện tích rau màu đã đến kỳ thu hoạch cần khẩn trương thu hoạch ngay, cần che bằng nilon trắng các loại rau ăn lá để tránh mưa rét, tưới đủ ẩm theo nhu cầu dinh dưỡng của từng cây trong những ngày rét đậm.
Bón thêm phân kali, phân lân, giảm bón đạm, phun hoặc tưới một số chế phẩm sinh học như KH, PenacP… để cây khỏe mạnh tăng cường khả năng chống rét. Tuyệt đối không chăn thả rông gia súc trong những ngày rét đậm, rét hại, mưa tuyết, không thả đàn gia súc trên núi cao, cần đưa đàn gia súc xuống khu vực thấp hơn, nuôi nhốt trong chuồng kín, tránh gió lùa./.
Theo VietnamPlus
Ý kiến ()