Nông dân Quảng Bình trắng tay sau bão
Bão số 10 gây hậu quả nặng nề cho Quảng Bình. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, tài sản và thành quả lao động của người nông dân đã tan theo mưa bão. Chịu thiệt hại nhất là người trồng cao su và ngư dân các làng biển.
– Bão số 10 gây hậu quả nặng nề cho Quảng Bình. Chỉ sau mấy tiếng đồng hồ, tài sản và thành quả lao động của người nông dân đã tan theo mưa bão. Chịu thiệt hại nhất là người trồng cao su và ngư dân các làng biển.
Trắng nhựa, trắng tay
Trong mưa trắng trời, trắng đất ngay sau bão, chúng tôi về Bố Trạch, nơi được xem là “thủ phủ” cao su của tỉnh Quảng Bình. Lúc này giữa các cánh rừng cao su bị bẻ gãy là nước mắt, là nỗi niềm của người nông dân. Họ bỏ nhà cửa đang xác xơ vì bão chạy ra phía rừng cao su, cảnh hoang tàn đổ nát hiện ra: hàng loạt cây cao su mới khai thác bị gãy ngang thân, mủ trắng tứa ra trắng gốc.
Nghẹn ngào, chị Nguyễn Thị Kim Huệ ở đội Quyết Tiến, thị trấn Nông trường Việt Trung nấc lên: “Mất hết rồi chú ơi, tui (tôi) trồng hơn bốn ha cây cao su mới thu hoạch được ít tháng, thu chưa đủ vốn nhưng chừ chỉ còn vài xe cây cao su để bán củi thôi. Trời cho chộ nhưng không cho ăn”.
Cũng như nhiều gia đình khác ở vùng gò đồi huyện Bố Trạch, anh Nguyễn Văn Đoan ở thôn Cồn, xã Tây Trạch chọn cây cao su để phát triển kinh tế. Gần mười năm lam lũ, từ khai hoang đất đến chăm bón 10 ha cao su, vợ chồng anh mới chỉ thu hoạch được hai năm, chưa kịp hoàn vốn thì bị gió bão làm mất trắng. Vợ chồng anh như chết đứng giữa vườn cây.
Vợ chồng anh Nguyễn Văn Lợi và chị Đỗ Thị Bình ở thôn 2, xã Phú Định vừa cưới nhau thì được cha mẹ chia cho hai ha cao su. Họ bỏ công sức, vay vốn đầu tư với hy vọng mang lại nguồn cho cả gia đình, cao su lên nhanh chưa kịp mừng thì giờ đã bị san phẳng. Nghe chúng tôi hỏi chuyện, chị Bình òa khóc: “Rứa là hết, vườn cây gãy sạch, nhà cũng bị tốc mái, sập lúa ướt nhèm biết lấy chi sống đây chú ơi”.
Chủ tịch UBND xã Phú Định Nguyễn Văn Hội ngậm ngùi: “Những tưởng cây cao su mở hướng thoát nghèo và làm giàu cho người dân nhưng bây giờ thì trắng tay rồi. Gần 840 ha cao su của xã đã bị bão tước đôi, bẻ gãy ngang thân, coi như mất trắng. Nhiều hộ vay ngân hàng chưa kịp trả giờ lâm vào nợ nần”. Theo Chủ tịch UBND huyện Bố Trạch Phan Văn Gòn, toàn huyện có gần 7.000/11.000 ha cao su bị đỗ gãy. Toàn tỉnh Quảng Bình có 11.297 ha cao su bị thiệt hại. Tài sản và thành quả lao động trong nhiều năm của người nông dân trong phút chốc tan theo bão tố.
Tàu vỡ, người đau
Chưa bao giờ ngư dân Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch lại chịu sự tổn thất về tài sản lớn đến như vậy. Chỉ mấy giờ đồng hồ gió bão thổi qua kết hợp với triều cường dâng cao, hàng chục chiếc tàu cá vỡ tan, nhiều người dân từ chỗ cuộc sống đàng hoàng nay phải đối mặt với những khó khăn.
Sáng đầu tiên sau khi bão số 10 vừa tan, chúng tôi về Cảnh Dương. Cây cối đỗ gãy, dây điện chằng chéo khiến chúng tôi di chuyển rất khó khăn. Gần như không còn mấy ai ở trong làng mà tất cả tập trung ra cả ngoài bờ sông, thẫn thờ trước cảnh tàu thuyền vỡ nát. Hàng chục tàu cá bị bão đánh tả tơi nằm ngổn ngang. Chiếc bể đôi, gỗ văng tứ tung, chiếc bị chìm toàn bộ, chiếc cắm mũi xuống sông, bánh lái trên bờ. Nhiều con tàu chỉ còn là đống gỗ vụn chìm trong nước.
Anh Nguyễn Tuấn Anh, chủ tàu cá QB 93064 đôi mắt ráo hoảng: “Tui từ khi biết đi biển đến chừ chưa có khi mô chứng kiến có cơn bão to như rứa, triều cường bốc cao 4- 5m. Tàu được chằng buộc rất kỹ, cách bờ cả trăm mét, khi bão quật, tui nổ máy hết công suất để lái tàu ra ngoài, rứa mà bất lực, tàu bị sóng đánh vào bờ, vỏ bể đôi, máy móc cũng bị hư, ngư lưới cụ trôi không còn chi”.
Ông Đồng Thanh Hòa, chủ tàu QB 93842 cùng người thân ngồi bần thần sau đuôi tàu đã bị sóng đánh vào bờ vỡ nát. Ông cho biết, con tàu này mới mua lại gần một tỷ đồng. Hai năm qua đánh bắt không được bao nhiêu, nợ chưa trả xong, giờ tàu chỉ là đóng gỗ vụn.
Chúng tôi gặp lại những ngư dân cừ khôi của Cảnh Dương như Hồ Quang Phượng, Nguyễn Ngọc Phú, Lê Phi Long…mà mới hôm trước họ là điển hình trong phong trào tổ đoàn kết trên biển tỉnh Quảng Bình. Giờ gặp lại, nhưng trên khuôn mặt họ hiện lên những nét bơ phờ, tiếc nuối đến mức không muốn nói thêm điều gì.
Mỗi con tàu lớn vươn khơi xa đều có giá tiền tỷ, giờ vỡ tan coi như tay trắng, chưa kể trong số đó nhiều người chưa trả xong nợ.
Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương Trần Trung Thành nói, Cảnh Dương có 373 tàu cá- là xã có đội tàu xa bờ hùng hậu nhất tỉnh Quảng Bình nhưng sau trận bão, 139 chiếc tàu bị va đập, vỡ chìm, trong đó có 39 chiếc thiệt hại hoàn toàn. Có gia đình hai chiếc tàu đều gặp nạn.
Bão số 10 đi qua, cảnh đổ nát, hoang tàn của Cảnh Dương- quê hương nơi đầu sóng khiến ai cũng xót xa, ngậm ngùi. Song nông dân Quảng Bình đang gượng dậy sau bão.
Nhiều ha cao su bị gãy, đổ.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()