tle=” Nông dân Phú Yên vượt khó, làm giàu”> Mô hình sản xuất chiếu cói giúp gia đình chị Nguyễn Thị Kim Phương thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Từ phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, nhiều nông dân nghèo Phú Yên đã vượt qua khó khăn, bằng sức lao động của mình vươn lên làm giàu. Trong những tấm gương tiêu biểu đó có những người từng đi làm thuê, làm mướn kiếm cơm, nay trở thành những ông chủ giàu có. Khát vọng làm giàu của họ góp phần thúc đẩy nhanh việc xây dựng phát triển nông thôn mới tại Phú Yên.
Những triệu phú chân đất
Xã vùng cao Sơn Định, huyện Sơn Hòa nằm ở độ cao hơn 400 m so với mặt nước biển, khí hậu quanh năm mát mẻ, dễ chịu. Ai có dịp lên thăm vùng đất này, mới thấy hết sự đổi thay đến mức ngỡ ngàng. Quả vậy, trong xanh thẳm trùng điệp của núi rừng, của bạt ngàn sắn, mía, cao-su, cà-phê… hai bên đường nhà cửa mọc lên san sát, nhiều khu dân cư sầm uất, ngã ba Sơn Định đi Trà Kê trở thành thị tứ tấp nập.
Nói đến chuyện làm giàu ở vùng đất này, ai cũng phải thán phục sự nỗ lực vươn lên của hai anh em ông Lê Đức Hán và Lê Đức Huệ ở thôn Hòa Bình, xã Sơn Định. Cơ ngơi của anh em ông nằm ngay cạnh đường ĐT 643, là những ngôi biệt thự sang trọng, mới xây, với những trang thiết bị hiện đại. Mở đầu câu chuyện làm ăn, ông Huệ chỉ tay về chiếc máy xúc mới mua lại hơn năm trăm triệu đồng để trước sân nhà nói với chúng tôi: “Gia đình vừa mua thêm chiếc xe này, để tiện việc làm đất, vừa phục vụ mở đường khai thác các rừng keo đến tuổi thu hoạch, đỡ phải thuê mướn anh ạ”.
Đưa chúng tôi đi dạo trong vườn cao-su xanh tốt ngay sau lưng nhà, ông Huệ tâm sự, hai anh em ông quê ở tận Hoằng Hóa, Thanh Hóa, vào xã Sơn Định lập nghiệp. Ban đầu làm công nhân Nông trường cà-phê Vân Hòa. Sau những năm 90, cây cà-phê mất giá, nông trường giải thể, hai anh em ông lại dắt díu nhau về lại quê. Cảnh ruộng ít, con đông tại quê nhà thật khó thoát ra được cái vòng luẩn quẩn của nghèo đói. Hai ông lại dắt nhau trở lại vùng đất này lập nghiệp. Ban đầu có ít vốn, hai ông đầu tư mua chung miếng đất, sau đó chia ra xây nhà tạm để ở. Từ người đi làm thuê cho người khác, tích lũy dần qua từng năm, hai anh em đầu tư vào mua đất. Ông Huệ cho biết, với đồng vốn ít ỏi ban đầu, anh Huệ trồng vài sào mía, sắn, nuôi bò. Nhờ siêng năng, chịu khó, mỗi năm có nguồn thu cao hơn, lại đầu tư vào mua đất. Đáng chú ý, từ khi có dự án trồng cao-su tiểu điền do tỉnh Phú Yên triển khai có hiệu quả, anh Huệ tập trung vốn sang trồng cây cao-su. Đến nay, anh Huệ đã có hơn 10 ha cao-su đang cho thu hoạch, hàng chục ha rừng trồng và các loại cây ngắn ngày như sắn, mía… Từ đấy mỗi năm gia đình anh có mức thu nhập từ 500 đến 800 triệu đồng…
Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, đông con bên cạnh mặt nước đầm Ô Loan, thuộc xã An Cư, huyện Tuy An, chị Nguyễn Thị Kim Phương (30 tuổi) đã không cam chịu đói nghèo. Lập gia đình năm 2001, được cha mẹ chia cho một sào ruộng (500 m2). Năm 2002, vợ chồng đem toàn bộ số vốn liếng ban đầu vào nuôi tôm. Do ít vốn, thiếu kinh nghiệm cho nên tôm chết liên tục, hai vợ chồng trẻ trắng tay. Năm 2004, Hội Nông dân tỉnh Phú Yên có dự án khôi phục làng chiếu cói truyền thống tại xã An Cư. Ngoài việc mở lớp dạy nghề cho bà con, Hội Nông dân còn hỗ trợ máy chẻ lác, xe sợi và đứng ra tín chấp cho bà con vay vốn giải quyết việc làm. Vốn có tay nghề lại siêng năng, hai vợ chồng chị Phương mỗi ngày dệt được ba đôi chiếu, tính ra mức thu nhập bình quân 900 nghìn đồng mỗi tháng.
Thấy làng chiếu cói quê hương được khôi phục, có nhiều người làm chiếu, nhưng nguồn nguyên liệu và việc tiêu thụ gặp khó khăn, chị Phương bắt đầu đi tiếp cận thị trường, kết nối bạn hàng trong và ngoài tỉnh. Có được thị trường, gia đình chị vừa sản xuất, kết hợp thu mua sản phẩm của bà con đi tiêu thụ và mua nguyên liệu về cung cấp lại cho sản xuất. Cách làm này đã giúp cho gia đình có nguồn thu nhập ổn định và mở rộng nghề dệt chiếu cói. Đến thăm xưởng dệt chiếu cói của gia đình người phụ nữ trẻ tuổi này mới thấy hết nghị lực vượt nghèo đáng trân trọng. Trong nhà xưởng của chị Phương hằng ngày, từ sáng sớm đến tận chiều tối, tiếng máy dệt chiếu vẫn đều đều hoạt động. Mô hình sản xuất chiếu cói của chị không chỉ đem lại nguồn thu nhập ổn định cho 35 lao động tại chỗ, mà còn góp phần khôi phục làng nghề dệt chiếu cói truyền thống có nguy cơ bị mai một. Chị Phương cho biết, từ nguồn vốn vay tín chấp của Hội Nông dân và sự hỗ trợ dạy nghề của hội, gia đình mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị làm chiếu, thành lập tổ hợp, xây dựng nhà xưởng, cơ sở sản xuất. Mỗi năm tổ hợp sản xuất trung bình 54.750 chiếc chiếu, tổng doanh thu 4,38 tỷ đồng; trừ chi phí, lợi nhuận xấp xỉ 390 triệu đồng, năm thành viên tổ hợp được hưởng lợi 75 triệu đồng/người/năm. Tại hội nghị tổng kết thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi tỉnh Phú Yên lần thứ XIV (2010-2012), mô hình dệt chiếu cói của chị được chọn báo cáo điển hình.
Tại Phú Yên còn nhiều và rất nhiều những gia đình với những mô hình làm giàu đáng biểu dương, như mô hình thâm canh, luân canh, xen canh kết hợp chăn nuôi cho thu nhập hàng trăm triệu đồng, như mô hình nuôi tôm hùm lồng của ông Nguyễn Thành Nhơn, thôn Từ Nham, xã Xuân Thịnh, thị xã Sông Cầu trong vòng hai vụ nuôi (2007-2011), gia đình đã thả nuôi 250 lồng tôm thịt, với tổng số 15 nghìn con; xuất bán 12 tấn tôm, sau khi trừ chi phí, ông có lãi 3,7 tỷ đồng.
Ông Kso Ybiêu thường gọi là Ma Việt, dân tộc Ê Đê ở buôn Chao, xã Ea Bá, huyện Sông Hinh đã vươn lên làm giàu từ mô hình trồng trọt và chăn nuôi bò. Từ một đôi bò cày, một ha đất của cha mẹ cho ra riêng, nhờ biết cách làm ăn, tích lũy qua từng năm, đến nay gia đình ông đã có 26 ha đất sản xuất trồng rừng và các loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao; ngoài ra còn chăn nuôi phát triển đàn bò lên hơn 50 con. Mỗi năm gia đình Kso Ybiêu có nguồn thu nhập (sau khi trừ chi phí) lãi khoảng 170 triệu đồng, bình quân thu nhập trong gia đình 24,5 triệu đồng/năm.
Góp phần xây dựng nông thôn mới
Phó Chủ tịch Hội Nông dân Phú Yên Trần Văn Cư cho biết, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi (SXKDG) tại tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng, trên nhiều lĩnh vực ngành nghề. Phong trào này đã khích lệ, động viên nông dân quyết tâm vượt khó vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng. Với tinh thần tự lực, tự cường, nhiều hộ nông dân đã khẳng định được mình, tiên phong, sáng tạo trong sản xuất, đổi mới cách nghĩ, cách làm, khai thác hiệu quả đất đai, lao động, tiền vốn đầu tư vào sản xuất. Từ phong trào này, nông dân ngày càng ứng dụng rộng rãi các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm nông nghiệp, góp phần tích cực vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, ngành nghề nông thôn. Xuất hiện ngày càng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả và nhiều hộ nông dân đạt danh hiệu SXKDG có mức thu nhập hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng, và nhiều hộ SXKDG đã đứng ra thành lập doanh nghiệp, tổ hợp (có 42 doanh nghiệp được thành lập). Hai năm 2010-2012, tỉnh Phú Yên có 52.978 hộ SXKDG các cấp, chiếm 33,29% hộ nông nghiệp và tăng 5,49% so với giai đoạn 2007-2009.
Phong trào SXKDG trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã góp phần tích cực vào công tác xóa đói, giảm nghèo, thúc đẩy nhanh tiến trình xây dựng nông thôn mới. Trong hai năm 2010-2012, các hộ SXKDG đã hỗ trợ hơn 500 triệu đồng; 18.432 con giống; 38.690 cây giống; 384.000 ngày công cho hơn 13.000 hộ nghèo, hộ khó khăn, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh đạt mức 2%/năm, tạo việc làm cho 25.833 lao động; hộ khá giàu ngày càng tăng, nông thôn đổi thay từng ngày. Cùng với những cơ chế, chính sách mới của Đảng và Nhà nước cho xây dựng nông thôn mới, phong trào nông dân SXKDG cũng góp phần quan trọng trong lĩnh vực này. Lực lượng nông dân SXKDG rất tích cực cùng với địa phương tham gia góp công, góp vốn, tiếp cận các chương trình, dự án đầu tư của Nhà nước để xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng, đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới…
Để phong trào SXKDG ngày càng phát huy hiệu quả, tỉnh Phú Yên đề ra các giải pháp, trong đó đặc biệt chú trọng việc thực hiện Nghị quyết số 26 NQ/TW Hội nghị lần thứ 7 BCH T.Ư Đảng (khóa X), Kết luận 61 KL/T.Ư của Ban Bí thư về đề án nâng cao vai trò trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020; chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình, điển hình, nhân tố mới; phát triển ngành nghề truyền thống và dịch vụ ở nông thôn; thúc đẩy quá trình dồn điền, đổi thửa ruộng đất, sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, phát huy lợi thế vùng để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, cây trồng vật nuôi, góp phần ổn định và phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Tăng cường mối quan hệ liên kết kinh tế giữa các nhóm hộ nông dân, phối hợp, hợp tác với các ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp để tạo điều kiện hỗ trợ về vốn, khoa học, kỹ thuật, dịch vụ, cơ chế chính sách và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Đẩy mạnh ba phong trào lớn của Hội Nông dân, lấy phong trào nông dân SXKDG làm trọng tâm. Đặc biệt, vận động nông dân tích cực đẩy mạnh phong trào thi đua “cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; gắn phong trào nông dân SXKDG với kiện toàn, củng cố tổ chức hội ngày càng vững mạnh; tăng cường vận động, xây dựng và phát triển quỹ hỗ trợ nông dân, các hoạt động hỗ trợ và dạy nghề cho nông dân…
Theo Nhandan
Ý kiến ()