Nông dân Phú Thọ thua lỗ vì trồng sắn theo phong trào
Người dân xã Đông Cửu (Thanh Sơn, Phú Thọ) thu hoạch sắn. Cách đây vài năm, cây sắn đã trở thành cây xóa đói, giảm nghèo cho người dân tại nhiều địa phương tỉnh Phú Thọ. Nhưng hiện nay, người trồng sắn luôn canh cánh nỗi lo rớt giá và lỗ nặng, hậu quả của tình trạng phát triển không bền vững.Chúng tôi về xã Đông Cửu, một trong những xã nghèo nhất của huyện Thanh Sơn, nhưng lại là xã có diện tích cây sắn lớn nhất tỉnh Phú Thọ đúng vào vụ thu hoạch sắn. Anh Hoàng Văn Quy, ở xóm Nhội, cho biết: Năm nay, nhà anh trồng năm ha sắn cao sản KM94 - một giống sắn do Dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Tam Nông chuyển giao kỹ thuật cách đây hai năm. Sắn được mùa, sản lượng bình quân đạt từ 12 đến 15 tấn/ha; giá sắn đầu vụ dao động từ 1.000 đến 1.200 đồng/kg. Với giá này, nếu thu hoạch hết thì trừ công trồng, chăm sóc, phân bón, thu hoạch thì gia đình anh cũng thu được vài chục triệu đồng tiền lãi. Nhưng nếu để ít bữa...
Người dân xã Đông Cửu (Thanh Sơn, Phú Thọ) thu hoạch sắn. |
Chúng tôi về xã Đông Cửu, một trong những xã nghèo nhất của huyện Thanh Sơn, nhưng lại là xã có diện tích cây sắn lớn nhất tỉnh Phú Thọ đúng vào vụ thu hoạch sắn. Anh Hoàng Văn Quy, ở xóm Nhội, cho biết: Năm nay, nhà anh trồng năm ha sắn cao sản KM94 – một giống sắn do Dự án Sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Tam Nông chuyển giao kỹ thuật cách đây hai năm. Sắn được mùa, sản lượng bình quân đạt từ 12 đến 15 tấn/ha; giá sắn đầu vụ dao động từ 1.000 đến 1.200 đồng/kg. Với giá này, nếu thu hoạch hết thì trừ công trồng, chăm sóc, phân bón, thu hoạch thì gia đình anh cũng thu được vài chục triệu đồng tiền lãi. Nhưng nếu để ít bữa nữa vào chính vụ giá còn có 500 đến 700 đồng/kg thì lỗ nặng.
Không riêng gì gia đình anh Quý, gia đình chị Phan Thị Niên cũng đang cố gắng thu hoạch nhanh hơn ba ha sắn. Vừa mừng, vừa lo, chị Niên cho biết: Giá sắn năm nào cũng lên xuống theo ngày. Vừa hôm qua, giá bán 1.200 đồng/kg nhưng hôm nay lại xuống một nghìn đồng/kg, vào chính vụ có khi chỉ còn vài trăm đồng. Nhà nào trồng càng nhiều thì lỗ càng nặng. Cây sắn những năm trước là cây xóa đói, giảm nghèo của người dân nơi đây, nhưng hiện nay do nhiều nhà trồng nên nông dân luôn thường trực nỗi lo rớt giá – chị Niên nói. Chủ tịch UBND xã Đông Cửu Đinh Văn Điền cho biết: Hiện nay diện tích sắn ở đây quá lớn, khoảng 800 ha. Diện tích tăng theo từng năm, trong khi thị trường bấp bênh, không ổn định. Xã đã nhiều lần khuyến cáo bà con giảm diện tích sắn và định hướng nhân dân chuyển đổi sang trồng các loại cây lâm nghiệp bền vững hơn, nhưng vì chạy theo phong trào nên các hộ đua nhau trồng sắn, khiến cung nhiều hơn cầu như hiện nay.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm 2009, để xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol Tam Nông, dự án đã đưa giống sắn cao sản KM94 vào trồng tại một số địa phương. Người trồng sắn hy vọng khi nhà máy đi vào hoạt động sẽ giải quyết khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, nhưng đến nay các nhà máy trong vùng chỉ tiêu thụ được khoảng 20% sản lượng, khiến người trồng sắn điêu đứng. Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Thanh Sơn Nguyễn Văn Long cho biết: Vì giá cả bấp bênh, thị trường không ổn định, những năm qua, huyện không khuyến khích bà con trồng cây sắn. Thậm chí, huyện cũng đã định hướng đến năm 2015 chuyển toàn bộ diện tích đang trồng sắn sang trồng các loại cây công nghiệp khác. Nếu có trồng sắn thì yêu cầu bà con trồng xen với các loại cây khác để phục vụ phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, do người dân trồng sắn tự phát nên huyện cũng lúng túng và chưa có biện pháp gì để giảm diện tích sắn trong những năm tới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Thọ, năm 2012, toàn tỉnh trồng hơn chín nghìn ha sắn, tăng gần hai nghìn ha so với năm 2011, trong đó diện tích sắn KM94 đạt khoảng 3.000 ha, chiếm 40% tổng diện tích sắn của cả tỉnh. Hai năm trở lại đây, năng suất sắn tăng lên đáng kể do người dân mạnh dạn trồng giống sắn cao sản. Chỉ tính riêng năm 2011, sản lượng sắn đạt hơn 100 nghìn tấn, dự kiến năm 2012 đạt hơn 120 nghìn tấn. Đến thời điểm này, cây sắn đã bắt đầu vào vụ thu hoạch nhưng tại nhiều địa phương vẫn chưa thấy “đầu ra”, hoặc có cũng liên tục bị ép giá, có thời điểm giá sắn chỉ đạt từ 500 đến 600 đồng/kg. Giá quá thấp khiến nhiều hộ dân đã phải bỏ sắn thối trên đồi vì tiền bán sắn không đủ so với đầu tư.
Để từng bước ổn định thị trường và diện tích sắn, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ cần tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến cáo bà con không trồng sắn theo phong trào mà chuyển dần sang trồng các loại cây công nghiệp bền vững, có giá trị kinh tế cao; có biện pháp quyết liệt để duy trì ổn định diện tích sắn từ bốn đến năm nghìn ha. Đồng thời kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đẩy nhanh tiến độ sớm đưa Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học ethanol vào hoạt động để bảo đảm đầu ra cho cây sắn ở Phú Thọ.
Theo Nhandan
Ý kiến ()