Nông dân Lạng Sơn vui mùa ớt
LSO-Nếu như năm ngoái, bà con nông dân trong tỉnh Lạng Sơn mất mùa ớt do cây bị bệnh héo xanh, thối rễ thì ngược lại, vụ ớt năm nay, người trồng ớt vui vì được mùa và giá bán cao gấp nhiều lần so với năm ngoái.
Nông dân huyện Chi Lăng thu hoạch ớt
Vào một ngày cuối tháng 5, chúng tôi có mặt tại vườn ớt của gia đình anh Lưu Văn Hon, thôn Khun Thúng, xã Quang Lang, huyện Chi Lăng. Cả vườn ớt 4 sào với vài nghìn gốc mà cây nào cũng xanh tươi, sai quả.
Anh Hon cho biết: Năm nay có những đợt mưa “vàng” cho mùa ớt nên cây nào cũng khỏe mạnh, tốt tươi. Với 4 sào ớt này, gia đình anh ước tổng sản lượng xấp xỉ nửa tấn. Không chỉ được mùa, giá ớt năm nay cũng cao kỷ lục, có ngày lên tới 92.000 đồng/kg loại ớt đổ sô, nếu ớt chọn, quả to, đẹp mã lên tới 105.000 đồng/kg.
Không giấu nổi niềm vui, vừa hái ớt, anh Hon vừa kể: “Từ đầu vụ đến nay, tôi đã bán được khoảng 2/3 tổng sản lượng, thu về 70 triệu đồng rồi; dự tính đến hết vụ sẽ thu được thêm 40 triệu đồng nữa. Phấn khởi lắm, chưa có năm nào ớt cho thu nhập cao như thế”.
Không riêng gia đình anh Hon mà tất cả các hộ trồng ớt năm nay ở huyện Chi Lăng Lạng Sơn đều vui mừng, phấn khởi. Nếu như trong vụ ớt năm ngoái người nông dân khóc dở, mếu dở vì ớt bị chết cây, héo xanh, thối quả do nhiễm vi rút và gặp thời tiết bất lợi, năng suất chưa đạt 113 tạ/ha, tương đương 42 kg/sào; giá bán thấp chỉ từ 6.000 đồng đến 25.000 đồng/kg thì năm nay, năng suất, sản lượng ớt, giá bán tăng gấp nhiều lần.
Ông Đặng Văn Hiếu, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chi Lăng cho biết: Toàn huyện năm nay có trên 322 ha ớt xuất khẩu, tăng 14 ha so với năm ngoái, ước năng suất đạt 120 tạ/ha, tương đương gần 45 kg/sào, ước tổng sản lượng đạt gần 3.840 tấn, đem lại giá trị thu nhập cho nông dân khoảng 200 tỷ đồng.
Mặc dù diện tích ớt không nhiều như huyện Chi Lăng nhưng năm nay nông dân huyện Lộc Bình cũng trồng được 90 ha ớt xuất khẩu. Hiện tại, 100% diện tích ớt của bà con phát triển tốt, không bị sâu bệnh gây hại.
Chị Hoàng Thị Phương, thôn Bản Khoai, xã Yên Khoái, huyện Lộc Bình kể: “Nhà tôi năm nay trồng 3 sào ớt. Khoảng 2 tuần nay, ớt bắt đầu cho thu hoạch. Tôi vui lắm, năm nay vườn ớt cho quả to, đẹp và giá bán cao, không bấp bênh như các năm trước. Nếu giá ổn định 60.000 đồng/kg như từ đầu vụ đến nay thì hết mùa ớt, trừ chi phí (6 triệu đồng cho 3 sào) gia đình tôi thu lãi 90 triệu đồng từ trồng ớt”.
Theo số liệu từ Sở NN&PTNT, năm 2019, nông dân toàn tỉnh trồng được 450 ha ớt xuất khẩu. Ớt được trồng nhiều nhất tại huyện Chi Lăng với trên 300 ha, Lộc Bình 90 ha, còn lại là ở huyện Cao Lộc và Hữu Lũng.
Ông Lý Việt Hưng, Phó Giám đốc phụ trách Sở NN&PTNT cho biết: Diện tích ớt toàn tỉnh năm nay xấp xỉ năm ngoái nhưng năng suất, sản lượng và cho giá trị cao hơn. Năm nay, các giống ớt truyền thống cũng đã được thay bằng các giống ớt cao sản do đó cho năng suất trung bình ước đạt 120 tạ/ha, tổng sản lượng đạt trên 5.400 tấn. Về giá bán cũng tăng cao gấp 3 đến 5 lần so với năm ngoái, đầu vụ là 22.000 đồng/kg nhưng lúc cao điểm lên tới 105.000 đồng/kg, hiện nay đang giữ ở mức ổn định khoảng 60.000 đồng/kg. Với năng suất, sản lượng, giá bán cao như năm nay, ước giá trị đem lại tăng 3 đến 5 lần so với vụ ớt năm ngoái.
Bên cạnh yếu tố thuận lợi về thời tiết làm ớt được mùa thì qua tìm hiểu được biết nguyên nhân ớt năm nay được giá và bà con thu hoạch đến đâu được thương lái thu mua đến đó là do ớt tại một số nước bạn như Trung Quốc, Hàn Quốc… bị mất mùa, cùng đó, ớt sản xuất tại Việt Nam đã được mở rộng thị trường xuất khẩu sang một số nước châu Á.
So với năm ngoái có thể thấy vụ ớt năm nay tăng cả về năng suất, sản lượng lẫn giá bán. Tuy nhiên nguyên nhân của việc giá ớt tăng gấp nhiều lần chủ yếu là do tác động khách quan từ thị trường ớt quốc tế.
Chính vì thế để cây ớt được phát triển ổn định, bền vững cả về diện tích vùng trồng, năng suất, sản lượng, giá cả đến thị trường tiêu thụ thì ngành NN&PTNT và cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh cần có những hoạch định cụ thể, mang tầm chiến lược trong việc phát triển ớt xuất khẩu. Một trong những giải pháp nên thực hiện đó là nên hình thành vùng chuyên canh cây ớt theo hướng sản xuất hàng hóa; khuyến khích nông dân ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất và thu hoạch ớt; tìm kiếm, kết nối các cơ sở, doanh nghiệp thu mua ớt có uy tín để giới thiệu cho nông dân. Cùng đó là tuyên truyền, vận động người dân ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm, tránh xảy ra tình trạng trồng ồ ạt và mạnh ai người ấy bán sẽ gặp nhiều rủi ro trong thâm canh. Có như vậy việc phát triển cây ớt xuất khẩu mới thực sự bền vững, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng giá trị sản xuất nông nghiệp nói chúng, với cây ớt xuất khẩu nói riêng trên địa bàn tỉnh.
HÀ MY - TRỊNH HẰNG
Ý kiến ()