Thứ 7, 23/11/2024 19:01 [(GMT +7)]
Nông dân làm giàu và hội nhập
Thứ 5, 05/01/2012 | 17:57:00 [(GMT +7)] A A
Ông Vũ Trọng Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh: để hội nhập vào nền kinh tế thế giới, một vấn đề rất quan trọng đối với nông dân thời hội nhập là cần tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh sự nỗ lực của nông dân, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế thị trường; thực hiện triệt để các cải cách kinh tế, nâng cao hiệu quả của mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) trong việc đẩy nhanh chuyển giao công nghệ mới cũng như tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
LSO-Lạng Sơn là tỉnh thuần nông, có tỷ lệ nông dân chiếm tới 80%. Thời gian qua, nông dân tỉnh ta đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (KHKT) phát triển nhiều mô hình sản xuất kinh doanh mang lại hiệu quả cao.Theo đó, hàng năm có từ 70 – 78% hộ nông dân đăng ký phấn đấu thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và kết quả số hộ nông dân được công nhận là sản xuất kinh doanh giỏi từ cấp huyện trở lên đạt gần 30.000 hộ.
Chăn nuôi gia súc ở Hữu Liên (Hữu Lũng) – Ảnh: Thanh Luyện
Tiêu biểu trong phong trào nông dân phát triển kinh tế ở tỉnh có thể kể đến anh Hoàng Văn Hiển, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia. Anh Hiển kể, sau khi học hỏi kinh nghiệm qua sách báo và đi thực tế những hộ làm kinh tế giỏi ở các tỉnh bạn, trở về anh quyết tâm đầu tư vào chăn nuôi và trồng trọt, kinh doanh tại quê nhà. Anh đã mạnh dạn áp dụng KHKT vào thâm canh các loại cây có giá trị kinh tế cao như hồi, cây ăn quả, chăn nuôi lợn nái cung cấp giống cho nhân dân trong vùng. Hơn thế, anh còn sản xuất bếp lò tiết kiệm củi để người dân đỡ vất vả và sâu xa hơn là góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường. Bếp lò anh sản xuất có tiện ích là tập trung nhiệt và giữ được nhiệt, tiết kiệm 1/3 lượng củi so với bếp truyền thống. Hiện nay, sản phẩm bếp lò của gia đình anh đã có mặt ở thị trường trong tỉnh và huyện Na Rì (Bắc Kạn). Tổng thu nhập của gia đình anh bình quân 120 triệu đồng/năm.
Khác với anh Hiển, chị Lê Thị Nguyệt, xã Minh Sơn, Hữu Lũng với mô hình V-A-C-R đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập bình quân hơn 100 triệu đồng/năm. Chị Nguyệt bộc bạch: nhờ những chủ trương đúng đắn của Đảng, chính quyền địa phương trong việc tạo môi trường thuận lợi và khuyến khích người dân đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi nên chúng tôi mạnh dạn chuyển dịch cơ cấu sản xuất và phát triển kinh tế rất nhanh trên mảnh vườn, thửa ruộng của mình.
Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn, ông Vũ Trọng Bắc cho biết: những năm gần đây, phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương phát triển mạnh. Bên cạnh sự tăng cường đầu tư của Nhà nước, nhà nông còn đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng làm giàu chính đáng. Người nông dân đã dám nghĩ, dám làm, biết khai thác tiềm năng thế mạnh về đất đai, lao động, thực hiện hiệu quả các mô hình kinh tế mang lại thu nhập cao cho gia đình. Việc đầu tư xây dựng hệ thống thủy lợi, thủy nông nội đồng, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao KHKT có tác động tích cực đến sản xuất. Có thể nói, nhờ sự năng động, sáng tạo trong phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, trong những năm gần đây đã tạo ra các hình thức tập hợp nông dân đa dạng phong phú như: tổ nông dân hợp tác sản xuất, hùn vốn, vay vốn, các tổ ngành nghề, các câu lạc bộ khuyến nông, khuyến ngư, các câu lạc bộ văn hóa… Nội dung hoạt động của hội sát với yêu cầu đời sống của hội viên, nông dân, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước. Các hội viên đã đoàn kết giúp nhau cây, con giống, vốn để cùng nhau phát triển sản xuất cải thiện đời sống, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn 24,82% (theo tiêu chí mới). Từ những mô hình sản xuất hiệu quả trên cho thấy ý chí, nghị lực và khao khát vươn lên làm giàu của nông dân. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng cho con đường thoát nghèo bền vững, vươn lên xây dựng cuộc sống ấm no ở các làng quê.
Cùng với nông dân ở các quốc gia đang phát triển, nông dân Việt Nam nói chung, nông dân Lạng Sơn nói riêng đang làm quen dần với nền sản xuất nông nghiệp cơ giới hóa và theo định hướng thị trường. Trong nền sản xuất này, nhà nông nuôi trồng các sản phẩm nông nghiệp không chỉ để sử dụng trong gia đình hay trao đổi trong phạm vi làng xã, mà còn xuất bán cho các thị trấn, thành phố công nghiệp, trong phạm vi quốc gia và trên thị trường thế giới. Hiện nay, một số nông sản của tỉnh ta đã xuất khẩu ra nước ngoài như: khoai tây, ngô, gạo, thạch đen, thịt lợn hơi… Tuy nhiên, nhìn chung tình hình sản xuất nông sản của nông dân tỉnh ta vẫn còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, không đồng bộ, chưa liên kết thành chuỗi hàng hóa tập trung…
Cán bộ khoa học hướng dẫn nông dân xã Y Tịch (Chi Lăng) cắt tỉa cành na
Ông Vũ Trọng Bắc, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh nhấn mạnh: để hội nhập vào nền kinh tế thế giới, một vấn đề rất quan trọng đối với nông dân thời hội nhập là cần tăng cường liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh sự nỗ lực của nông dân, Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện thể chế thị trường; thực hiện triệt để các cải cách kinh tế, nâng cao hiệu quả của mô hình liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, Nhà nước) trong việc đẩy nhanh chuyển giao công nghệ mới cũng như tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
Trung Xuân
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()