Nông dân làm giàu từ trồng na VietGAP
– Đó là anh Hà Hồng Ngọc (sinh năm 1977), hội viên nông dân khu Pha Lác, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng. Với sự năng động, dám nghĩ, dám làm, anh đã áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất na theo quy trình VietGAP, đem lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi năm.
Những ngày đầu tháng 6/2023, chúng tôi có dịp đến thăm vườn na trồng trên núi đá của gia đình anh Hà Hồng Ngọc. Vừa nhanh tay kiểm tra từng chiếc bẫy bả ruồi vàng, anh Ngọc vừa cho biết: Những năm đầu tôi mới lập gia đình, cuộc sống rất khó khăn. Đời sống gia đình chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng. Nhận thấy trồng na cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, năm 2010, tôi dùng số vốn tích góp được và vay thêm anh em, bạn bè mua lại vườn na với diện tích hơn 1,5 ha.
Thời gian đầu do gia đình chưa biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nên quả na bé, mẫu mã không đẹp, giá trị kinh tế không cao. Ý thức được việc sản xuất na theo hướng an toàn sẽ giúp sản phẩm có đầu ra ổn định, tăng giá trị nên từ năm 2018, gia đình anh Ngọc đã tham gia sản xuất na theo quy trình VietGAP.
Chia sẻ về kinh nghiệm chăm sóc na VietGAP, anh Ngọc cho biết: Toàn bộ quá trình chăm sóc, từ bón phân, phun thuốc trừ sâu sinh học đến cắt tỉa, thu hoạch quả tôi đều ghi chép cẩn thận vào sổ. Được chăm sóc đúng kỹ thuật nên vườn na phát triển tốt, ít sâu bệnh, quả đều, đẹp, năng suất và chất lượng quả tăng hơn so với trước đây.
Cùng với đó, từ năm 2020, khi được cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn, gia đình anh đã đi đầu trong việc sử dụng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm cho quả na của gia đình; sử dụng thùng đựng na có in thương hiệu Na Chi Lăng… Nhờ đó, sản phẩm na của gia đình được nhiều người biết đến, giá thành cũng cao hơn so với thị trường.
Hiện nay, gia đình anh Ngọc có trên 2.000 cây na (tương đương diện tích gần 3 ha). Nhờ được tham dự các lớp tập huấn, được hướng dẫn về kỹ thuật nên anh nắm bắt được quy trình và áp dụng vào sản xuất đạt hiệu quả cao. Ngoài na chính vụ, hằng năm, gia đình anh còn tiến hành sản xuất na gối vụ, giúp tăng năng suất và hiệu quả kinh tế. Từ năm 2020 đến nay, trung bình mỗi năm, gia đình anh Ngọc thu hoạch gần 10 tấn quả, bán với giá từ 30.000 đến 50.000 đồng/kg.
Anh Ngọc chăm sóc vườn na
Ngoài ra, vào thời điểm nông nhàn, anh Ngọc còn nhận xây dựng các công trình dân dụng nhỏ. Nhờ đó, gia đình anh có thu nhập trên 350 triệu đồng/năm từ trồng na và các khoản thu từ công việc phụ khác.
Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Ngọc còn nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn các hội viên nông dân kỹ thuật chăm sóc na nếu có nhu cầu. Đồng thời, anh giúp đỡ 2 hộ nghèo về kỹ thuật, vốn vay để phát triển sản xuất; tạo việc làm thời vụ cho 5 lao động địa phương…
Ông Vũ Tuấn Hùng, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng cho biết: Anh Ngọc là hội viên nông dân tiêu biểu trong phát triển kinh tế tại địa phương. Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế gia đình, anh còn nhiệt tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm cho các hội viên nông dân khác. Cùng đó, anh cũng tích cực tham gia các phong trào, hoạt động thiện nguyện tại địa phương. Từ năm 2021 đến nay, gia đình anh đã đóng góp, ủng hộ gần 10 triệu đồng cho công tác phòng, chống dịch bệnh, quỹ thiện nguyện và các phong trào, hoạt động do địa phương phát động, tổ chức.
Với những nỗ lực đó, tháng 2/2023, anh Ngọc vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen vì là nông dân có mô hình phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo và tạo việc làm cho người lao động tại địa phương.
Ý kiến ()