Nông dân Hướng Hóa lao đao vì cà-phê chín sớm
Do biến đổi khí hậu, nắng hạn bất thường nên trong niên vụ cà-phê 2014 - 2015, nông dân trên địa bàn huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) gặp rất nhiều khó khăn phát triển các loại cây trồng. Đặc biệt, cây cà-phê năm nay chín sớm hơn so với mọi năm, khiến người nông dân cũng như doanh nghiệp thu mua cà-phê trên địa bàn thiếu chủ động trong thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm.
Những ngày này, nhiều hộ gia đình ở huyện Hướng Hóa đã bước vào vụ thu hoạch cà-phê, trong khi mọi năm phải gần một tháng nữa mới đến kỳ hái quả. Cà-phê chín sớm buộc người dân phải tiến hành thu hoạch mặc dù giá đang giảm mạnh, doanh nghiệp không mặn mà thu mua.
Vườn cà-phê của ông Hồ Văn Thoang, ở thôn Của, xã Hướng Tân (Hướng Hóa) có 4.000 gốc cà-phê. Ông Thoang đã bỏ ra hơn 40 triệu đồng đầu tư chăm sóc cũng như thuê nhân công thu hoạch. Thế nhưng tại thời điểm này, giá bán ra chỉ được 20 triệu đồng. Tính sơ bộ, gia đình ông Thoang lỗ hơn 20 triệu đồng.
Vào thời điểm này mọi năm, ông Võ Chiến Thắng, người đang canh tác hai ha cà-phê ở thôn Tân Linh, xã Hướng Tân chuẩn bị lượng phân bón để bón đợt cuối cho vườn cà-phê của mình trước lúc thu hoạch nhằm tăng lượng dinh dưỡng, giúp cây chắc hạt… thì gần một tuần qua ông phải huy động nhân công để thu hoạch một phần diện tích cây cà-phê bắt đầu chín rộ của gia đình.
Ông Thắng nói: “Vụ cà-phê này chín sớm hơn mọi năm, đảo lộn thời gian thu hoạch của tôi, trong khi giá cả đầu vụ chỉ xấp xỉ 3.000 đồng/kg quả tươi. Với tiền thuê nhân công hái quả gần 2.000 đồng/kg, chưa kể chi phí đầu tư phân bón, công chăm sóc thì với mức giá như vậy gia đình tôi chịu lỗ nặng. Mặc dù thế cũng không thể bỏ vườn cây được nên tôi phải thu hoạch hy vọng vớt vát được chút ông sức và vốn đầu tư bỏ ra”.
Ông Thắng cho biết thêm, dù giá thấp nhưng thu hoạch rồi muốn bán cũng khó khăn, bởi các nhà máy chế biến cà-phê trên địa bàn vẫn chưa mở cửa để thu mua. Hiện nhiều nông dân có vườn cây chín sớm như gia đình ông chủ yếu thu hái rồi bán cho các tư thương nhỏ lẻ. Họ thu mua cà-phê về rồi phơi khô dự trữ đợi giá lên cao hơn sẽ bán. Dù rất muốn dự trữ đợi giá cao nhưng theo ông Thắng do nguồn tài chính gia đình hạn hẹp nên phải chấp nhận bán sớm.
Ông Nguyễn Mỹ, một nông dân trồng cà-phê ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp thì than vãn: “Gia đình tôi có 1,5 ha cà-phê, được trồng cách đây gần 20 năm. Một vài niên vụ gần đây giá cà-phê xuống thấp, có thu hoạch cũng không bù đủ chi phí đầu tư, gia đình tôi cũng đang tính chuyển đổi sang cây trồng khác có hiệu quả hơn nhưng hiện vẫn chưa tìm được loại cây trồng khác phù hợp với vùng đất để thay thế”.
Không chỉ ông Mỹ và ông Thắng có suy nghĩ như thế, thời gian gần đây hầu hết người trồng cà-phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa đều có những tính toán trong việc có tiếp tục phát triển cây cà-phê hay không…
Theo các doanh nghiệp thu mua cà-phê trên địa bàn huyện Hướng Hóa cho biết, cà-phê năm nay được mùa hơn so với mọi năm, nhưng do đầu vụ ra hoa bị hạn hán; bà con nông dân không bỏ công chăm sóc nên chất lượng hạt rất kém. Tình trạng hạt lép, hạt không nhân chiếm tỷ lệ cao. Trái cà-phê không đạt theo yêu cầu làm cho doanh nghiệp dẫu có muốn thu mua cũng khó, bỡi một lẽ: Thu mua rồi không biết bán cho ai…
Ông Hồ Cài, chủ cơ sở chế biến cà-phê Hồ Cài, ở xã Hướng Tân cho biết, mặc dù năm nay cà-phê khá được mùa song chất lượng quả rất kém, nên dù doanh nghiệp rất muốn mở cửa thu mua cà-phê cho nông dân nhưng hiện với chất lượng quả như hiện nay thì không thể xuất khẩu ra nước ngoài được. “Doanh nghiệp thì không thu mua do chất lượng quả không đạt yêu cầu, cà-phê chín sớm buộc người dân phải thu hái nên giá cà-phê xuống thấp là điều không thể tránh khỏi”, một cán bộ khuyến nông ở huyện Hướng Hóa cho biết.
Năm 2015, toàn huyện Hướng Hóa có gần 5.000 ha cây cà-phê, trong đó diện tích trồng mới là 171 ha, diện tích tái canh 122 ha. Với người nông dân Hướng Hóa, nhiều năm trở lại đây họ đã quá nãn lòng với tình trạng “Được mùa, mất giá, được giá, mất mùa”. Vốn liếng của người nông dân đã cạn kiệt, vay vốn ngân hàng trả lãi không nổi. Điều này đặt ra cho chính quyền địa phương nơi đây không ít khó khăn về việc tiếp tục phát triển cây cà-phê là cây mũi nhọn ở vùng núi cao này. Dù vậy, không ít người trồng cà-phê vẫn tiếp tục chăm sóc vườn cà-phê của mình với một niềm hy vọng là giá cà-phê sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới bởi đây là nguồn thu nhập chính của cả gia đình họ.
Cà-phê chín sớm, giá cả thấp, doanh nghiệp không thu mua. Vấn đề này đã làm người nông dân huyện miền núi Hướng Hóa không còn mặn mà đối với cây cà-phê. Tuy nhiên, do không dễ thay thế loại cây trồng khác, người trồng cà-phê ở huyện miền núi Hướng Hóa chỉ biết nhìn vườn cây đã thấm bao mồ hôi, công sức, tiền của đổ vào đây đang chết dần, chết mòn.
Từ đây đến thời điểm chính vụ cà-phê vẫn còn gần một tháng nữa, để giảm thiểu thiệt hại do tình trạng cà-phê chín sớm và chất lượng quả kém, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị khuyến cáo người dân cần tiếp tục chăm sóc diện tích còn lại, tăng cường bón phân những diện tích quả còn nhỏ để đảm bảo chất lượng quả đạt yêu cầu. Về phía các doanh nghiệp cần sớm mở cửa nhà máy để thu mua cà-phê cho nông dân, giảm thiểu những thiệt hại cho họ.
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()