Nông dân Đà Lạt thành công với trồng rau trong không khí
Diện tích vườn rau khí canh hiện nay của ông Đường rộng khoảng 500m2, canh tác gần 10 loại rau như xà lách lô lô, cải kale, cải cay, cần tây, cải thìa, bó xôi…
Với phương pháp khí canh, rau được trồng trên giàn cao nửa mét để cách ly với mặt đất. Rễ của cây rau không cắm trực tiếp vào đất hay nước (như phương pháp thuỷ canh) mà được đặt trong các túi chứa xơ dừa.
Sau đó từng cây rau đặt trên giàn đã đục lỗ thẳng hàng, bộ rễ lơ lửng bên trong giàn khí canh được bịt kín bằng màng phủ.
Trong giàn hoàn toàn không có nước hay đất mà chỉ chứa ống dẫn có hệ thống van phun nước mini.
Tiếp đó, hệ thống tưới tự động cài đặt sẵn thời gian phun tưới sẽ bơm nước có pha chất dinh dưỡng đến từng luống rau thông qua hệ thống van mini.
Từ đây, bộ rễ sẽ hấp thụ hơi nước và chất dinh dưỡng nuôi cây phát triển. Mỗi đợt tưới chỉ kéo dài khoảng vài phút nên hầu như nước và phân bón không bị thất thoát, chảy ra ngoài nên rất tiết kiệm chi phí chăm sóc.
“Không chỉ tiết kiệm mà phương pháp tưới nước, bón phân như thế này còn phù hợp với rau ăn lá vì không phun dinh dưỡng lên trên nên bề mặt lá sạch, không bị nhiễm chất hoá học,” ông Đường phân tích.
Theo ông Đường, ông học cách xây dựng hệ thống khí canh từ các chuyên gia nông nghiệp Hà Lan. Tuy nhiên, tại Việt Nam không có sẵn thiết bị canh tác khí canh nên ông phải dùng những thiết bị có sẵn và thông dụng để lắp ghép thành một hệ thống khí canh.
So với hệ thống thủy canh đang phổ biến tại Đà Lạt như hiện nay, chi phí xây dựng hệ thống khí canh tiết kiệm khoảng 20%, thời gian canh tác cũng ngắn hơn từ 7-10 ngày.
Hơn một tháng qua, trang trại của ông Đường đã thu hoạch được trên 1 tấn rau khí canh các loại.
Do được trồng trong nhà kính cộng với hệ thống canh tác hiện đại nên chất lượng đảm bảo, tất cả loại rau đều đạt chuẩn VietGAP.
Tuy nhiên, giá rau khí canh cao từ 2-3 lần so với rau canh tác theo phương pháp truyền thống nên chỉ phù hợp với đối tượng khách hàng cao cấp, hoặc các nhà hàng, khách sạn lớn.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng, trang trại của ông Trần Huy Đường là nơi đầu tiên trồng thành công rau khí canh trên diện tích lớn.
Ông Lại Thế Hưng, Chi cục trưởng chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Lâm Đồng) cho biết, loại hình canh tác khí canh được đánh giá dễ kiểm soát dư lượng phân bón.
Nếu có thể nhân rộng mô hình này thì rau Đà Lạt sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh ở phân khúc rau cao cấp cho thị trường cả nước./.
Ý kiến ()