Nông dân cơ cực vì "bão giá"
Vật giá đều leo thang, mới đây nhất, giá xăng lại tiếp tục tăng thêm từ 2.000 đến 2.800 đồng/lít, lần điều chỉnh này khiến người nông dân vốn đang “méo mặt”, giờ càng điêu đứng hơn vì “bão giá”.Còm cõi tiền chợNhững ngày này, đi đến đâu cũng nghe thấy bà con nông dân than thở vì giá các loại vật tư nông nghiệp như: phân bón, thức ăn chăn nuôi… đều tăng, gần đây nhất, giá xăng lại tiếp tục tăng thêm, tăng thêm gánh nặng đè lên đôi vai của những người nông dân, vốn chỉ biết bám đồng ruộng để sống với mô hình tự cung tự cấp.Theo ông Phạm Văn Tái, nông dân ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, đồng tiên bây giờ mất giá, trước đây, 2.000 đồng là mua được 1 bơ gạo, nhưng hiện tại 10.000 đồng cũng chỉ mua được 1 bơ gạo. Người nông dân bán gạo ra được giá, nhưng đổi lại, giá cả những mặt hàng khác lại lên không kém gì, cuối cùng, dù bán được giá, nhưng cuộc sống của người nông dân vẫn thế, thậm chí còn vất vả hơn vì bão giá. Trước...
Vật giá đều leo thang, mới đây nhất, giá xăng lại tiếp tục tăng thêm từ 2.000 đến 2.800 đồng/lít, lần điều chỉnh này khiến người nông dân vốn đang “méo mặt”, giờ càng điêu đứng hơn vì “bão giá”.
Còm cõi tiền chợ
Những ngày này, đi đến đâu cũng nghe thấy bà con nông dân than thở vì giá các loại vật tư nông nghiệp như: phân bón, thức ăn chăn nuôi… đều tăng, gần đây nhất, giá xăng lại tiếp tục tăng thêm, tăng thêm gánh nặng đè lên đôi vai của những người nông dân, vốn chỉ biết bám đồng ruộng để sống với mô hình tự cung tự cấp.
Theo ông Phạm Văn Tái, nông dân ở huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương, đồng tiên bây giờ mất giá, trước đây, 2.000 đồng là mua được 1 bơ gạo, nhưng hiện tại 10.000 đồng cũng chỉ mua được 1 bơ gạo. Người nông dân bán gạo ra được giá, nhưng đổi lại, giá cả những mặt hàng khác lại lên không kém gì, cuối cùng, dù bán được giá, nhưng cuộc sống của người nông dân vẫn thế, thậm chí còn vất vả hơn vì bão giá. Trước đây, cũng với mô hình kinh tế tự cung tự cấp, gia đình nhà ông tằn tiện cũng vẫn đủ ăn và còn trả được nợ ngân hàng. Bây giờ cũng không thay đổi cách làm ăn, nhưng cuộc sống ngày càng khó khăn hơn. Bán đi cả đồng rau, mà trừ đi mọi chi phí, tiền còn lại cũng chẳng được bao nhiêu so với thời giá đang tăng vùn vụt. Với những đồng tiền làm ra từ đồng ruộng, việc chi tiêu của gia đình ông Tái cũng trở nên eo hẹp hơn. Tiền lương không có, toàn bộ phải mang bán từ đồng ruộng mới có tiền để mua đồ khác. Khi bán được mớ rau con cá, phải cân nhắc, tiền nào mua hạt giống, con giống, tiền nào mua phân bón, thức ăn… phần còn lại mới tính đến việc đi chợ những gì, còn dư giả mới tính đến chuyện cải thiện bữa ăn.
Ông Nguyễn Văn Cần, ở huyện Thanh Miện cho biết, trong công việc nhà nông, từ trồng rau, nuôi cá, chăn lợn… khi đến kỳ bán, gia đình nhà ông phải chọn những đồ ngon để bán, những cái gì không ngon thì để lại cho nhà ăn. So với trước đây, giá cả nông sản bán ra tuy có tăng cao, nhưng rồi cũng chẳng ăn thua gì, bởi vật giá đều leo thang, làm cả năm mà vẫn vất vả, nghèo vẫn hoàn nghèo. Cũng theo ông Cần, người nông dân thường quy đổi mọi thứ ra thóc. Nếu như trước đây, 1kg cá trắm bán giá hơn 10.000 đồng, tính ra vẫn mua được 5kg thóc, nhưng bây giờ, giá cá trắm lên tới hơn 40.000 đồng/kg, tính ra cũng vẫn chỉ mua được 5kg thóc.
Nhiều gia đình, để đủ trang trải cuộc sống, họ đã chắt bóp chi tiêu bằng cách thắt chặt tiền từ những bữa ăn. Cô Bàn, nông dân tại huyện Thanh Miện (Hải Dương) cho biết, nhà có 3 người, hằng ngày cũng chỉ hái rau đi bán, đổi về mớ tôm, mớ tép, bìa đậu phụ. Cố gắng gom góp vài hôm cải thiện bữa ăn một lần cho khỏi thiếu chất. Cuộc sống khó khăn, nông dân làm gì ra tiền, nên chỉ dám chắt bóp chi tiêu vào trong mỗi bữa ăn.
Nặng nợ tiền vay
Hầu hết những người nông dân đều tay trắng vay vốn để làm ăn. Trong bối cảnh lãi suất thì cao, vật giá thì tăng, nên việc gánh lãi suất thời buổi này lại càng thêm chịu nặng trên đôi vai gầy của họ.
Ông Tái cho biết, ngày trả tiền là ngày mùng 5 hằng tháng, tháng nào cũng vậy, gia đình ông cũng phải chuẩn bị xong trước ngày này, dù phải ăn uống kham khổ thì cũng vẫn phải lo xong. Cũng theo ông Tái, trước đây, vay ngân hàng lãi suất không quá 10%, nhưng hiện tại, vay ngân hàng lãi suất lên tới hơn 13%, thậm chí là 15%/năm, nhưng vì làm ăn không có vốn, người nông dân vẫn phải cắn răng vay tiền. Vất vả bao nhiêu, nhưng cũng chẳng lại được với thời giá và lãi suất hiện nay của ngân hàng.
Còn gia đình ông Minh ở thôn Tòng Hoá, huyện Thanh Miện rơi vào tình cảnh khổ hơn, từ khi chuyển đổi mô hình trồng ruộng sang đào ao thả cá, vốn vay ngân hàng của gia đình lên tới cả trăm triệu. Là nông dân, trăm thứ tiền cũng chỉ trông vào đồng ruộng, bán nông sản cũng phải theo mùa. Bởi vậy, những lúc trái mùa, tiền lãi suất cũng chỉ trông vào những gánh rau ra chợ hằng ngày của bà vợ. Để đỡ đần vợ, ông đã vào Nam nuôi trồng thuỷ sản với họ hàng để kiếm thêm thu nhập trả nợ.
Người nông dân nơi đây có thể vay ngân hàng chính sách để được hưởng lãi suất thấp hơn, nhưng để tiếp vận được với nguồn vốn này, phải mất rất nhiều thời gian và thủ tục, mà không phải ai cũng được liệt vào danh sách được vay. Bởi vậy, họ chịu lãi suất cao hơn một chút, nhưng đổi lại được không mất nhiều thời gian, nên họ thường vay ở ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Tư thương ép giá
Trong thời buổi bão giá, cứ tưởng người nông dân bán nông sản được giá, nhưng trên thực tế không phải như vậy. Theo tính toán của ông Tái, cá giống đầu vào hiện tại cũng đã lên giá tới 42.000 đồng/kg, nhưng giá cá sau một thời gian nuôi bán cho tư thương mua tại ao cũng chỉ khoảng 45-46.000 đồng/kg đổ xô. Tuy nhiên, theo biểu giá thoả thuận giữa hai bên, nếu cá to vẫn chỉ tính giá như vậy, nhưng cá nhỏ hơn thoả thuận chỉ 100gr, giá cũng bị giảm xuống chỉ còn 40-42.000 đồng/kg. Cũng theo ông Tái, đây là giá chung được các lái thương đưa ra cho tất cả bà con tại địa phương này, những người nông dân không thể bán cho ai với giá hơn được, nên đành phải gật đầu bán.
Tại ruộng rau của bà Lan ở làng Đại Lan (Thanh Trì), giá bắp cải tại ruộng hiện chỉ có 3.000-3.500 đồng/kg, xu hào có giá 1.200–2.000 đồng/củ. Thường thì các tư thương vào mua tận ruộng, do hiện tại, nguồn rau cung cấp cho thị trường Hà Nội cũng tương đối dồi dào, bởi vậy, giá rau có xu hướng giảm xuống. Nếu không cắt bán nhanh, rau lại quá lứa. Nhiều khi thấy lỗ, nhưng không bán cũng không được.
Theo quan sát của chúng tôi trên thị trường thực phẩm tại Hà Nội, giá cá trắm loại từ 1 kg trở lên có giá từ 90 đến 120.000 đồng/kg, rau bắp cải có giá 7.000 đồng/kg, xu hào có giá 4.000 đồng/củ. Như vậy, chỉ quan sát từ nơi bán tận gốc, đến nơi bán tận ngọn, giá cả đã chênh nhau đến hơn 50%, thậm chí đến cả hơn 100%.
Tuy nhiên, lý do mà các tiểu thương đưa ra là rau cỏ tại thời điểm này không đắt, nhưng do cước vận chuyển tăng do giá xăng nên dù tại các vườn rau, giá rau có giảm đôi chút, nhưng về cơ bản giá đến tay người tiêu dùng vẫn cao do phí vận chuyển tăng.
Khi người ta nói đến “bão giá” là người ta nói đến mọi thứ đều tăng chóng mặt và người nông dân sẽ được hưởng lợi từ điều này vì bán nông sản được giá. Tuy nhiên, sự thật thì ngược lại: Người tiêu dùng phải chịu mua hàng hoá với giá tăng không ngừng nghỉ, còn những người bán những mặt hàng này tận gốc lại không được hưởng giá theo đúng công sức mà họ bỏ ra. Cuối cùng, phần lợi nhuận do chênh giá thuộc về các tư thương.
Theo Vtc.vn
Ý kiến ()