Nông dân Chi Lăng tập trung chăm sóc na gối vụ
- Sản xuất na gối vụ (trái vụ) là biện pháp chủ động, xử lý, điều chỉnh cây na ra quả lệch vụ, muộn hơn thời điểm thu hoạch na chính vụ nhằm tránh tình trạng thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn với sản lượng lớn. Thời điểm này, nhiều hộ dân trồng na trên địa bàn huyện Chi Lăng đang tập trung chăm sóc na gối vụ nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng na, giúp bà con tăng thu nhập.
Những ngày đầu tháng 10/2024, chúng tôi có dịp đến thăm vườn na của gia đình anh Nguyễn Văn Cường, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng, trong lúc anh đang tất bật chăm sóc vườn na gối vụ, anh Cường chia sẻ: Chính vụ na năm nay, gia đình tôi có khoảng 700 cây na đã cho thu hoạch. Ngay từ tháng 6 (âm lịch), gia đình tôi đã chuẩn bị cho các công đoạn như: cắt tỉa cành, chấm hoa... để na gối vụ ra quả đúng thời điểm và đạt chất lượng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi mưa bão vào tháng 9/2024 vừa qua nên hơn 2/3 diện tích na của gia đình bị ảnh hưởng nặng nề khiến tỷ lệ đậu quả thấp. Do đó, gia đình rất trông chờ vào vụ na gối vụ năm nay. Thời điểm này, tôi và các thành viên trong gia đình đang khẩn trương bọc quả và bón phân để cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Dự kiến, tôi sẽ thực hiện sản xuất na trái vụ với số lượng khoảng 300 cây.
Không chỉ gia đình anh Cường, những ngày này, nhiều người dân trồng na trên địa bàn xã Y Tịch cũng đang tất bật chăm sóc na gối vụ. Ông Mai Việt Lào, Phó Chủ tịch UBND xã Y Tịch cho biết: Hiện nay, toàn xã có khoảng 500 ha na, trong đó 150 ha được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Người dân trên địa bàn xã đang chăm sóc khoảng 300 ha na gối vụ. Hiện nay, người dân đang thực hiện bọc quả na để ngăn ngừa sâu bệnh hại cho quả. Để na gối vụ đạt hiệu quả, ngay từ đầu năm, UBND xã đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức 4 lớp tập huấn về kỹ thuật trồng và chăm sóc na, trong đó có kỹ thuật trồng và chăm sóc na gối vụ an toàn. Qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng quả.
Theo số liệu từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Chi Lăng, hiện toàn huyện có trên 2.600 ha na, trong đó có khoảng 2.300 ha đã cho thu hoạch. Vụ na gối vụ năm nay, toàn huyện có trên 500 ha, tập trung tại thị trấn Đồng Mỏ, thị trấn Chi Lăng và các xã: Y Tịch, Chi Lăng, Mai Sao...
Ông Lương Thành Chung, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chi Lăng cho biết: Na là cây trồng chủ lực của huyện Chi Lăng, bên cạnh sản xuất na chính vụ thì việc canh tác na gối vụ vừa làm giảm gánh nặng tiêu thụ trong chính vụ, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân. Hơn nữa giá na gối vụ thường cao hơn chính vụ từ 10 đến 15%. Để nâng cao năng suất, sản lượng na gối vụ, ngay từ giữa tháng 7, phòng đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn, UBND các xã, thị trấn tuyên truyền, vận động các hộ sản xuất na gối vụ tiến hành áp dụng các biện pháp kỹ thuật bẫy bả (treo lồng bẫy, miếng dính…), bọc quả; cắt tỉa loại bỏ cành tăm để tạo tán thông thoáng nhằm ngăn chặn sự phát sinh, phát triển của sâu, bệnh hại na. Bên cạnh đó, sau mưa bão, phòng cũng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn bà con tùy vào mức độ gãy đổ, bị ngập úng của cây, người dân cần tỉa bớt hoặc cắt hết quả trên cây để tập trung dinh dưỡng nuôi cây; chủ động thăm vườn, theo dõi diễn biến tình hình sâu bệnh hại trên cây na, thông báo tới cán bộ kỹ thuật tại các xã để có phương án phòng trừ thích hợp khi sâu bệnh hại diễn biến xấu, gây hại mạnh, tránh sử dụng bừa bãi thuốc bảo vệ thực vật.
Ông Mai Hữu Chính, người dân thôn Thạch Nương, xã Y Tịch cho biết: Khác với sản xuất na chính vụ, na gối vụ đòi hỏi sự chăm sóc tỉ mỉ và nhiều công đoạn hơn. Đặc biệt là phải chú ý tới công đoạn bọc quả để rút ngắn sinh trưởng và hạn chế tối đa sự gây hại của ruồi đục quả. Hiện nay, gia đình tôi đã bọc xong 2.000 cây na và dự kiến đến tháng 10 (âm lịch) là được thu.
Với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, cùng với sự tiếp thu, ham học hỏi của người dân, tin tưởng rằng na gối vụ năm nay của bà con huyện Chi Lăng sẽ tiếp tục được nâng cao cả về chất và lượng. Qua đó, góp phần nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người dân.
Theo kinh nghiệm của một số hộ trồng na gối vụ trên địa bàn huyện, ngay sau khi na chính vụ được thu hoạch, khoảng từ tháng 6 (âm lịch), bà con trồng na trên địa bàn huyện đã thực hiện công đoạn cắt tỉa cành để cây đâm chồi mới, ra hoa, sau khoảng thời gian từ 20 đến 30 ngày thì tiến hành thụ phấn nhân tạo cho hoa. Sau khi đậu quả, bà con tiếp tục chăm sóc, cắt tỉa, loại bỏ quả thối mắt, quả kém chất lượng đến khi quả có đường kính từ 4 cm đến 5 cm, thì dùng túi nilon để bọc quả. Từ tháng 10 đến tháng 12 (âm lịch) na gối vụ bắt đầu được thu hoạch.
|
Ý kiến ()