NDĐT- Sau hơn 10 năm trồng và đầu tư chăm sóc nhưng đến ngày thu hoạch thì hiệu quả cây cao su mang lại không cao, do độ cao, thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng không phù hợp, giá cả thấp lại khó bán… Vì vậy, thời gian gần đây người dân ở một số địa phương của tỉnh Đác Nông đã chặt bỏ nhiều diện tích cao su để chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.
Chúng tôi về xã Nhân Đạo, huyện Đác R’lấp vào một ngày cuối tháng 5. Đác Nông đang bước vào đầu mùa mưa nên dọc hai bên đường các loại cây trồng chủ lực của người dân nơi đây như cà-phê, hồ tiêu, điều, cao su… đã xanh tốt trở lại sau những tháng khô hạn gay gắt.
Dọc tuyến đường từ quốc lộ 14 dẫn vào xã, chúng tôi bắt gặp khá nhiều nông dân đang hồ hởi thuê nhân công nạo vét bồn cà phê, hồ tiêu để chờ mưa xuống là bón phân đầu mùa. Bởi hiện nay giá cà-phê, hồ tiêu đều đang ở mức cao.
Tuy nhiên, một điều làm chúng tôi khá ngỡ ngàng là có những vườn cao su đang xanh tốt nhưng bị người dân chặt bỏ để đào hố trồng cà-phê, hồ tiêu. Một trong những người như thế là gia đình ông Nguyễn Mai ở thôn 4, xã Nhân Đạo. Trò chuyện với chúng tôi, ông Mai cho biết: Năm 2003, thực hiện dự án trồng cao su tiểu điền của huyện Đác R’lấp, gia đình tôi đăng ký trồng 2,4 ha cao su tiểu điền.
Một năm sau đó, thấy người dân địa phương đổ xô vào trồng cao su nên gia đình tôi tiếp tục đầu tư trồng thêm 2,6 ha cao su tiểu điền nữa. Đến thời điểm hiện nay, vườn cao su đã được 10 năm tuổi và đã cho khai thác được hai năm nay. Thế nhưng không hiểu vì sao, kể từ khi khai thác, cây cao su thường xuyên bị bệnh và lượng mủ lại rất thấp. Đã vậy, giá mủ cao su ngày một hạ nên hai năm qua sau khi trừ các khoản chi phí gia đình luôn chịu lỗ. Đó là chưa kể vốn đầu tư và công chăm sóc trong 10 năm qua.
Chỉ tay về phía những diện tích cao su vừa bị chặt bỏ, ông Mai nuối tiếc: “Nếu một ha cao su đang trong thời kỳ khai thác mỗi ngày thu được ít nhất 40 kg mủ tươi thì với giá có thấp như hiện nay là 10.000 đồng/kg, người trồng cao su vẫn không lỗ. Tuy nhiên, do trước đây tôi mua giống từ dự án cao su tiểu điền kém chất lượng nên hiện nay năng suất đạt chưa được 25 kg mủ tươi/ngày. Do năng suất vườn cao su quá thấp nên trong mùa mưa này tôi phải chặt bỏ hơn 5 ha cao su đang thu hoạch để chuyển qua trồng tiêu và cà-phê”.
Theo lời ông Mai, không riêng gì gia đình ông mà nhiều hộ trồng cao su thuộc dự án cao su tiểu điền của huyện Đác R’lấp trồng trước năm 2005 đến nay cũng chặt bỏ do năng suất, giá cả quá thấp để chuyển sang trồng hồ tiêu, cà-phê giá cao và ổn định hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do trồng cao su theo phong trào nên việc mua giống trước đây không bảo đảm chất lượng, người dân lại không am hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc trong thời gian kiến thiết cơ bản và thiếu vốn đầu tư… dẫn đến hậu quả như ngày hôm nay.
Chia tay với ông Mai, ngược theo quốc lộ 14, chúng tôi đến xã biên giới Thuận Hạnh, huyện Đác Song, tình trạng chặt bỏ vườn cao su ở đây cũng đang diễn ra ồ ạt.
Khi chúng tôi đến trung tâm xã Thuận Hạnh trời đã xế chiều, đang lúc hỏi đường đến những vườn cao su bị chặt bỏ liền gặp anh Phạm Tuấn Thăng, lái xe công nông chở cây cao su vừa chặt bỏ từ rẫy về nhà để làm củi đốt. Trò chuyện với chúng tôi, anh Thăng cho biết: Năm 2003, giá cao su trên thị trường đang ở mức cao ngất ngưởng nên phong trào trồng cao su diễn ra ồ ạt khắp các địa phương trong huyện, trong tỉnh. Thấy mọi người chặt bỏ các loại cây trồng khác để trồng cao su, dù không am hiểu lắm về cây cao su nhưng gia đình tôi cũng đã dốc hết số tiền dành dụm được và vay thêm ngân hàng đầu tư trồng được ba héc-ta cao su. Khi trồng cây cao su xuống, dù cuộc sống lúc này hết sức khó khăn, nhưng mọi người trong gia đình đều động viên nhau bớt ăn, bớt mặc để đầu tư chăm sóc vườn cao su với hy vọng khi cây cao su cho thu hoạch sẽ được đổi đời trên vùng đất biên giới đầy nắng và gió này.
Nhưng càng hy vọng bao nhiêu thì nay càng thất vọng bấy nhiêu, vì không hiểu sao cây cao su phát triển chiều cao khoảng 2,5-3 m thì không phát triển nữa. Đến nay mặc dù đã được 10 năm tuổi nhưng cây cao su chỉ bằng cổ tay và không cho mủ. Không thể chờ đợi được nữa, gia đình tôi phải thuê người chặt bỏ để kịp trồng cà-phê, hồ tiêu trong mùa mưa này, bởi hai loại cây này cho hiệu quả kinh tế cao và ổn định hơn.
Gia đình anh Thăng là một trong hàng chục hộ nông dân ở xã Thuận Hạnh phải chặt bỏ vườn cao su do không phù hợp với độ cao, điều kiện đất đai, thổ nhưỡng, khí hậu ở đây. Vì vậy, đến nay toàn xã Thuận Hạnh có 150 ha cao su thì đã bị người dân chặt bỏ gần một nửa và diện tích cao su bị chặt bỏ vẫn chưa dừng lại ở đây.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Đác Song Hoàng Văn Hùng cho biết: Định hướng phát triển cao su trên địa bàn huyện đến năm 2015 chỉ với diện tích là 1.600 ha, tập trung ở hai xã là Đác Hòa và Đác Môl. Tuy nhiên, những năm trước đây do giá cao su tăng cao nên người dân ở các xã trong huyện đều đổ xô vào trồng cao su. Đến thời điểm hiện tại, toàn huyện đã phát triển được hơn 1.600 ha cao su, trong đó có khoảng 800 ha trồng ngoài quy hoạch. Những diện tích này nằm ở độ cao hơn 700 m không phù hợp với cây cao su. Ngoài ra, trước đây người dân không có kinh nghiệm trong việc chọn giống nên mua cây giống không bảo đảm, kỹ thuật chăm sóc giai đoạn kiến thiết cơ bản không tốt… là nguyên nhân chính làm cho cây cao su phát triển kém, sản lượng mủ thấp khiến người dân phải chặt bỏ chuyển sang trồng các loại cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Việc chặt bỏ này vẫn chưa dừng lại mà sẽ còn tiếp diễn trong những năm sau.
Qua tìm hiểu thực tế của chúng tôi, tình trạng các vườn cao su phát triển kém, sản lượng mủ thấp, thậm chí không có mủ bị người dân chặt bỏ chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp khác chủ yếu xảy ra trên địa bàn ba huyện Đác R’lấp, Đác Song và huyện Tuy Đức của tỉnh Đác Nông với diện tích khá lớn, tập trung chủ yếu là diện tích cao su tiểu điền.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh Đác Nông, đến thời điểm hiện nay toàn tỉnh đã phát triển được hơn 29.500 ha cao su, trong đó có hơn 7.000 ha đã đưa vào khai thác mủ với năng suất đạt hơn một tấn mủ khô/ha. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có khoảng 5.000 ha cao su tiểu điền trồng trước năm 2005, tập trung chủ yếu tại các huyện Cư Giút, Đác R’lấp, Đác Song, Krông Nô và Tuy Đức.
Theo một khảo sát mới đây của Sở NN&PTNT tỉnh Đác Nông, trong số 5.000 ha cao su tiểu điền thì chỉ có khoảng 40% là có hiệu quả, còn lại không có hiệu quả. Nguyên nhân do phần lớn các hộ nông dân chỉ trồng cao su trên nương rẫy với quy mô từ vài ha đến hơn chục ha. Trong đó, nhiều hộ trồng cây cao su trên vùng đất dốc, đất có độ cao hơn 700 m, đất cát pha tầng canh tác mỏng… không phù hợp với cây cao su, thậm chí một số hộ còn trồng cao su trên cả vùng đất trũng, dễ bị úng nước trong mùa mưa.
Thêm vào đó, phần lớn các hộ nông dân sử dụng cây giống cao su mua trôi nổi trên thị trường không rõ nguồn gốc hoặc tự ươm và ghép cây giống nên chất lượng không bảo đảm. Hơn nữa, người dân lại chưa có kinh nghiệm về kỹ thuật trồng, chăm sóc trong thời gian kiến thiết cơ bản, thiếu vốn đầu tư… nên vườn cây phát triển kém, năng suất mủ thấp, thậm chí nhiều vườn cao su còn không có mủ buộc người nông dân phải chặt bỏ để chuyển sang trồng các loại cây công nghiệp khác có hiệu quả cao hơn, gây lãng phí công sức và tiền của.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đác Nông Đỗ Ngọc Duyên cho biết: Thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã không ít lần khuyến cáo nông dân không phát triển diện tích cao su ồ ạt, nhất là những địa phương có độ cao hơn 700 m, đất có độ dốc lớn, thời tiết, khí hậu không phù hợp… Thế nhưng, vào thời điểm đó do giá cao su trên thị trường đang ở mức cao nên bất chấp khuyến cáo của ngành nông nghiệp người dân vẫn đổ xô vào trồng cao su theo phong trào. Vì vậy, đến nay nhiều diện tích cao su phát triển kém, năng suất thấp buộc người dân phải chặt bỏ là hệ quả tất yếu.
Hiện nay, Sở NN&PTNT tỉnh đang tiến hành rà soát lại diện tích cao su trên địa bàn toàn tỉnh, nếu diện tích nào phù hợp với quy hoạch, đất đai, thổ nhưỡng, thời tiết… thì tiếp tục đầu tư chăm sóc phát huy hiệu quả, còn những diện tích nào nằm ngoài quy hoạch, đặc biệt là những diện tích không phù hợp thì kiên quyết chuyển đổi sang các loại cây trồng khác cho hiệu quả kinh tế cao hơn.
Qua theo dõi của chúng tôi, không chỉ riêng cây cao su mà việc nông dân ở Đác Nông làm ăn theo kiểu phong trào bất chấp những khuyến cáo của các ngành chức năng đang đặt ra nhiều vấn đề mà ngành nông nghiệp tỉnh cần sớm giải quyết. Nếu không câu chuyện “trồng-chặt” và “chặt-trồng” vẫn chưa có hồi kết khiến cho nền nông nghiệp của tỉnh phát triển thiếu bền vững, đời sống của nhân dân lại rơi vào khó khăn.
amesmall” src=”http://www.nhandan.com.vn/media/k2/galleries/20434902/1033974208.jpg” border=”0″ />
Một vườn cao su tiểu điền 10 năm tuổi nằm ở độ cao hơn 700 m ở xã Đác Búc So, huyện Tuy Đức kém phát triển bị người dân bỏ hoang.
Ý kiến ()