Nông dân Cao Lộc xây dựng hội vững mạnh để phát triển nông nghiệp, nông thôn
LSO- Những năm gần đây, đi qua nhiều thôn, xã của huyện Cao Lộc, chúng tôi ghi nhận được sự chuyển biến đáng mừng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn. Nhờ tiếp tục duy trì và có những bước tiến khá vững chắc, công tác hội và phong trào nông dân huyện Cao Lộc đã có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội và làm đổi mới hẳn bộ mặt nông thôn địa phương.
LSO- Những năm gần đây, đi qua nhiều thôn, xã của huyện Cao Lộc, chúng tôi ghi nhận được sự chuyển biến đáng mừng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên địa bàn. Nhờ tiếp tục duy trì và có những bước tiến khá vững chắc, công tác hội và phong trào nông dân huyện Cao Lộc đã có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế, xã hội và làm đổi mới hẳn bộ mặt nông thôn địa phương.
Theo ông Hoàng Văn Phú, Chủ tịch Hội Nông dân (HND) huyện Cao Lộc, trong 5 năm qua (từ 2007- 2012), hoạt động các phong trào nông dân huyện nhà đã thu nhiều kết quả phấn khởi, số lượng nông dân tham gia vào tổ chức hội ngày càng đông. Thực hiện phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xoá đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; các cơ sở hội trong huyện đã vận động hội viên thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp, cơ cấu kinh tế nông thôn, mở rộng các hoạt động dịch vụ, ngành nghề, giúp cho hàng trăm hộ thoát nghèo và vươn lên khá giả, tạo cho lao động nông thôn có việc làm thường xuyên, ổn định cuộc sống.
Cụ thể, hội đã đẩy mạnh hoạt động chuyển giao khoa học kỹ thuật, dạy nghề cho hội viên nông dân. Tính từ năm 2007 đến nay, hội đã phối hợp với các phòng, trạm chuyên môn tổ chức được 560 cuộc chuyển giao tiến bộ khoa học cho trên 22.000 lượt người. Để giúp các hộ nghèo, cận nghèo phát triển kinh tế, các cấp hội tập trung cao cho hoạt động nhận ủy thác từ nguồn vốn của ngân hàng, các chương trình, dự án hỗ trợ nông dân. Đến nay, dư nợ vốn từ ngân hàng chính sách xã hội là trên 40 tỷ đồng, cho trên 2.000 hộ vay; dư nợ từ quỹ hỗ trợ nông dân là trên 1 tỷ đồng. Hầu hết các nguồn vốn vay đều được sử dụng đúng mục đích, phát huy tốt tác dụng và mang lại hiệu quả thiết thực. Qua đó đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế có hiệu quả cao, đặc biệt là các mô hình trang trại phát triển mạnh, làm tăng tỷ trọng sản xuất hàng hóa, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp nông thôn.
Mô hình trồng hoa ly của nông dân xã Hợp Thành, huyện Cao Lộc
Thực hiện phong trào nông dân tham gia xây dựng nông thôn mới, các cấp hội đã vận động nông dân đóng góp hàng trăm triệu đồng, hàng ngàn ngày công, làm mới 10 km đường giao thông nông thôn, nạo vét, nâng cấp hàng chục km kênh mương nội đồng. Hầu hết cấp uỷ từ huyện đến xã đều đánh giá cao sự tham gia của đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân và việc tổ chức, phát động hưởng ứng các phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Đoàn kết giúp nhau xoá đói, giảm nghèo” của các cấp hội; cuộc vận động “Xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa”… Thông qua các phong trào này, tình làng nghĩa xóm ở khu dân cư thêm thắt chặt, tinh thần tương trợ cộng đồng được phát huy, an ninh nông thôn được giữ vững.
Có được thành quả trên, nhân tố cơ bản nhất là phải có tổ chức hội vững mạnh. Nhận thức rõ điều đó, công tác xây dựng tổ chức hội đã luôn được các cấp HND chú trọng, nhất là phát triển hội viên, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ hội, đổi mới phương thức sinh hoạt hội. Nhiệm kỳ qua, các cơ sở hội phát triển 1.537 hội viên mới, nâng tổng số hội viên, nông dân trong huyện lên 10.338 người, chiếm 77,8% so với số hộ nông nghiệp. Đầu nhiệm kỳ, cán bộ hội cơ sở phần lớn chưa được đào tạo cơ bản nên hội luôn chú trọng công tác tập huấn nghiệp vụ; kết quả trong 5 năm qua, 100% số cán bộ ban chấp hành, chi hội trưởng, chi hội phó đều được tập huấn nghiệp vụ công tác hội tại cấp tỉnh, huyện.
Nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hội, HND các xã, thị trấn thường xuyên chú trọng kiện toàn tổ chức chi hội theo nhiệm kỳ và quy định của Điều lệ hội, tổ chức các cuộc sinh hoạt phù hợp với khu dân cư và nhu cầu sản xuất của nông dân. Nhờ đó hàng năm, số cơ sở hội xếp vững mạnh, khá đạt 100%. Thêm nữa, các cấp hội tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, hội viên nông dân về truyền thống cách mạng của Hội với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng và thiết thực như: “Tìm hiểu HND 80 năm xây dựng và trưởng thành”, Hội thi “Nhà nông đua tài”, hội thi “Nông dân với an toàn giao thông, bảo vệ môi trường”. Qua đây, giúp cho hội viên nhận thức rõ hơn về vai trò, vị trí của tổ chức hội, của giai cấp nông dân trong sự nghiệp đổi mới. Từ đó ra sức thi đua lao động sản xuất, phát huy nội lực và ý chí tự lực tự cường, tinh thần đoàn kết, tích cực tham gia các hoạt động của hội và góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng tổ chức hội vững mạnh.
Từ thực tiễn công tác hội và phong trào nông dân những năm qua, HND huyện Cao Lộc đã rút ra những bài học kinh nghiệm và xác định mục tiêu nhiệm kỳ 2012-2017 là phát huy nội lực, tập trung khai thác tối đa tiềm năng lợi thế, đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế theo định hướng của huyện nhà. Trọng tâm là đẩy mạnh các phong trào nông dân; đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của hội, làm cho tổ chức hội thực sự là địa chỉ đáng tin cậy của bà con nông dân trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, góp phần thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Bài, ảnh: Hồ Xuân Hương
Ý kiến ()