Nông dân Bắc Sơn tất bật thu hoạch cam vụ tết
– Những ngày giữa tháng Chạp, người trồng cam trên địa bàn huyện Bắc Sơn lại nhộn nhịp vào mùa thu hoạch quả để bán ra thị trường phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên đán.
Những ngày đầu tháng 1/2023, chúng tôi có dịp đến thăm mô hình trồng cam đường Canh của gia đình ông Dương Công Lừng, thôn Nà Nâm, xã Tân Lập, thời điểm này, thương lái đến vườn thu mua tấp nập. Vừa nhanh tay hái những quả cam chín mọng, ông Lừng cho biết: Trước đây, gia đình tôi trồng quýt, tuy nhiên, giá bán thấp, quýt lại trồng ở trong lân, tính công vận chuyển ra đường lớn thì thu nhập rất thấp. Do vậy, sau khi nghiên cứu, tìm hiểu trên thị trường, nhận thấy giống cam đường Canh có giá bán cao, năm 2016, gia đình tôi đã đầu tư trồng khoảng 1 ha và sau đó dần mở rộng diện tích, đến nay, gia đình có 2 ha cam đường Canh, trong đó có 1,5 ha đang cho thu hoạch, vụ tết năm nay, sản lượng đạt từ 10 đến 15 tấn quả, có thương lái từ các tỉnh: Hưng Yên, Bắc Giang, Hà Nội… đến tận vườn thu mua, sau khi trừ chi phí, gia đình thu được khoảng 300 triệu đồng.
Người dân xã Vũ Sơn, huyện Bắc Sơn thu hoạch cam
Tương tự, tại vườn cam của gia đình anh Vũ Văn Muôn, thôn Hồng Sơn, xã Vũ Sơn, không khí thu hoạch cam cũng đang tất bật. Anh Muôn cho biết: Thời điểm này, các thành viên trong gia đình đều ra vườn cắt cam để kịp đóng hàng cho thương lái. Hiện, gia đình có hơn 2 ha cam Canh được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, thổ nhưỡng phù hợp nên cây sai quả, chất lượng quả tốt, giá bán dao động 30.000 – 50.000 đồng/kg. Dự kiến vụ tết, gia đình sẽ thu hoạch được trên 10 tấn quả, thu nhập đạt hơn 400 triệu đồng.
Không chỉ hai hộ dân trên, hiện nay, người trồng cam tại các xã trên địa bàn huyện đều đang khẩn trương thu hoạch quả để cung cấp hàng hóa cho thị trường tết. Hiện toàn huyện có 170 ha cam (tăng 2 ha so với năm 2021) gồm các loại: cam đường Canh, cam Vinh… được trồng nhiều tại các xã như: Tân Lập, Tân Hương, Đồng Ý, Chiến Thắng… Sản lượng đạt trên 454 tấn (tăng 10,35 tấn so với năm 2021), thị trường tiêu thụ cam mở rộng khắp trong và ngoài tỉnh như: Hưng Yên, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh…
Theo kinh nghiệm của người dân, cam thường được thu hoạch chính vụ vào dịp giáp tết (từ tháng 11 đến cuối tháng 12 âm lịch). Do vậy, để trồng cam phục vụ thị trường tết không khó, tuy nhiên, việc chăm sóc cần đảm bảo theo đúng kỹ thuật. Đất trồng phải đảm bảo tơi xốp, đủ độ ẩm, bón phân đúng kỹ thuật và phải tạo rãnh thoát để chống úng kịp thời. Ngoài ra, người trồng cần theo dõi thường xuyên, phát hiện sâu bệnh để phòng trừ kịp thời.
Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết: Cây cam được người dân đưa vào trồng từ khoảng năm 2014, đến năm 2017, mô hình trồng cam trên địa bàn huyện bắt đầu được mở rộng và phát triển. Cây cam phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn, giá trị kinh tế cao, do vậy, thời gian qua, phòng đã phối hợp tổ chức mở các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân. Đơn cử, trong năm 2022, phòng đã phối hợp mở 15 lớp tập huấn lồng ghép, trong đó có kỹ thuật trồng, chăm sóc cam cho hơn 500 lượt người. Qua đó, người dân nắm vững kiến thức để nâng cao năng suất, chất lượng cam. Thời điểm này, người dân trên địa bàn đang tăng tốc thu hoạch để phục vụ nhu cầu thị trường, giá bán cao, đạt từ 30.000 – 50.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho bà con nông dân.
Dịp tết đang đến gần, những hoa, quả phục vụ tết đang ở độ chín rộ, giá cả ổn định. Đây cũng là thời điểm để người trồng cam nơi đây đẩy mạnh thu hoạch đáp ứng nhu cầu cao của thị trường, hứa hẹn một cái tết ấm no, hạnh phúc.
Ý kiến ()