Nông dân Bắc Sơn: Tăng thu từ trồng thạch đen
– Những năm gần đây, nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thạch đen đem lại, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Bắc Sơn đã chuyển đổi đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng thạch. Hướng đi này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Ông Trần Văn Thi, thôn Thống Nhất, xã Vũ Lễ cho biết: Gia đình tôi trồng thạch từ nhiều năm nay, tuy nhiên, trước đây chỉ trồng tại những chân ruộng cao với diện tích 2 đến 3 sào mỗi năm. Nhận thấy hiệu quả kinh tế nên năm 2021, gia đình tôi đã chuyển 8 sào ruộng trồng lúa kém hiệu quả sang trồng thạch. Vụ thạch năm 2021, gia đình tôi thu hoạch được khoảng 1,2 tấn thạch khô, với giá bán trung bình từ 30 đến 35 nghìn đồng/kg, gia đình thu về trên 30 triệu đồng, cao hơn so với trồng lúa, ngô gấp nhiều lần.
Người dân xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn chăm sóc cây thạch đen vụ xuân năm 2022
Theo người dân trồng thạch ở đây, cây thạch đen được trồng trên địa bàn xã gần 20 năm trước, tuy nhiên, diện tích nhỏ lẻ, chưa trồng tập trung. Từ năm 2019, nhận thấy hiệu quả kinh tế, giá cả và thị trường tiêu thụ ổn định, người dân tiếp tục mở rộng diện tích trồng tại nhiều thôn trên địa bàn xã. Trong đó, tập trung nhiều nhất ở các thôn: Thống Nhất, Lân Kẽm và Khuôn Bồng. Vụ xuân năm 2021, toàn xã trồng được trên 10 ha (tăng gần 4 ha so với năm 2019), sản lượng đạt trên 50 tấn, mang lại giá trị kinh tế gần 1,2 tỷ đồng.
Hay như tại xã Tân Tri, nhận thấy giá trị kinh tế cao từ cây thạch, từ năm 2019 trở lại đây, nhiều hộ dân trong xã đã chuyển đổi diện tích đất trồng hoa màu không hiệu quả sang trồng thạch. Ông Dương Công Soạn, Chủ tịch UBND xã Tân Tri cho biết: Hiện nay, toàn xã có 50 hộ dân trồng thạch đen với tổng diện tích khoảng 12 ha, (tăng 6 ha so với năm 2019). Hộ trồng ít thì 2 đến 3 sào mỗi vụ thu nhập từ 10 đến 15 triệu đồng, hộ trồng nhiều từ 8 sào đến 1 mẫu, mỗi vụ cho thu nhập từ 35 đến 50 triệu đồng. Sang vụ thạch năm 2022, chính quyền xã tiếp tục tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi những nơi đất trồng hoa màu, ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng thạch, phấn đấu trong năm nay, diện tích trồng cây thạch trên địa bàn xã tăng trên 15 ha… qua đó, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Hiện nay, không chỉ riêng xã Vũ Lễ, Tân Tri, tại các xã như: Vạn Thủy, Đồng Ý, Vũ Sơn…, người dân cũng đã tìm hiểu, học hỏi không chỉ riêng tại những nơi trồng thạch trong huyện mà còn đến các huyện như: Tràng Định, Bình Gia… để tham quan, học hỏi thêm các kỹ thuật chăm sóc, các mô hình trồng thạch hiệu quả để về áp dụng tại địa phương và chuyển đổi những nơi đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng thạch. Theo thống kê từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn, năm 2021, toàn huyện trồng được trên 25 ha thạch đen (tăng khoảng 10 ha so với năm 2019), với sản lượng ước đạt trên 5 tấn/ha, giá trị thu về khoảng 4 tỷ đồng.
Ông Vi Đình Thiện, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bắc Sơn cho biết: Thạch đen tuy không phải là cây trồng mới nhưng với hiệu quả kinh tế mang lại, từ năm năm 2019 trở lại đây, phòng đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã chủ động tuyên truyền, khuyến khích người dân chuyển đổi những nơi đất trồng hoa màu, ngô, lúa kém hiệu quả sang trồng cây thạch, giúp người dân tăng thu nhập, phát triển kinh tế. Đồng thời, hằng năm, phòng phối hợp cùng các đơn vị chức năng tổ chức lồng ghép 2 hoặc 3 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về cách chăm sóc cây trồng, trong đó có cây thạch cho bà con, qua đó, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây thạch đen trên địa bàn.
Thời gian tới, UBND huyện Bắc Sơn tiếp tục chỉ đạo các xã tuyên truyền, khuyến khích người dân trong huyện trồng cây thạch đen trên diện tích đất trồng các loại cây khác kém hiệu quả, phấn đấu nâng diện tích trồng thạch năm 2022 tăng 50% so với năm 2021. Đồng thời tăng cường tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật, giúp người dân chăm sóc, nâng cao chất lượng sản phẩm, góp phần tăng thu nhập.
Ý kiến ()