Nóng bỏng vấn đề hạt nhân của I-ran
Báo cáo của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) bày tỏ "lo ngại sâu sắc" và khẳng định Tê-hê-ran có thể nghiên cứu phát triển vũ khí hạt nhân đã gây những phản ứng trái chiều trong dư luận quốc tế. Các cường quốc phương Tây nhân "cơ hội" này lập tức đe dọa gia tăng sức ép và kêu gọi mở rộng trừng phạt I-ran. Nga và Trung Quốc phản đối lệnh trừng phạt mới đối với Tê-hê-ran và hối thúc phối hợp các nỗ lực ngoại giao để ngăn ngừa tình hình diễn biến theo "kịch bản I-rắc hoặc Áp-ga-ni-xtan".IAEA khẳng định, I-ran đã tiến hành các hoạt động phát triển một thiết bị nổ hạt nhân sau khi cơ quan này cho biết, đã có trong tay một vài trong số hơn 1.000 trang tài liệu "đáng tin cậy" cho thấy, I-ran "phát triển một thiết kế vũ khí hạt nhân, kể cả việc thử nghiệm các bộ phận cấu thành". Trong bối cảnh vấn đề hạt nhân của I-ran thời gian gần đây luôn là "tâm điểm" chú ý của phương Tây, báo cáo của IAEA dường như trở thành "một bằng chứng...
IAEA khẳng định, I-ran đã tiến hành các hoạt động phát triển một thiết bị nổ hạt nhân sau khi cơ quan này cho biết, đã có trong tay một vài trong số hơn 1.000 trang tài liệu “đáng tin cậy” cho thấy, I-ran “phát triển một thiết kế vũ khí hạt nhân, kể cả việc thử nghiệm các bộ phận cấu thành”. Trong bối cảnh vấn đề hạt nhân của I-ran thời gian gần đây luôn là “tâm điểm” chú ý của phương Tây, báo cáo của IAEA dường như trở thành “một bằng chứng rõ ràng” đối với các cáo buộc lâu nay của phương Tây về chương trình hạt nhân của I-ran. Tê-hê-ran ngay lập tức đã bác bỏ báo cáo “vô căn cứ” này. Đại diện thường trực của I-ran tại IAEA A.Xôn-ta-ni-ê nói rằng, nội dung báo cáo không có gì mới, chỉ lặp lại những cáo buộc cũ rích. Hãng thông tấn chính thức IRNA của I-ran cho rằng, đây là một báo cáo tình báo, là sản phẩm được các cơ quan tình báo phương Tây nhào nặn. Tổng thống I-ran A-ma-đi-nê-giát cáo buộc, IAEA đang bị biến thành công cụ của một số nước. Trong khi đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran R.Mê-man-pa-rát tuyên bố, I-ran sẵn sàng đàm phán tích cực và hiệu quả với Nhóm P5 1 (gồm năm nước thành viên thường trực Hội đồng Bảo an (HĐBA) LHQ và Đức) về chương trình hạt nhân của nước này trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lợi ích của tất cả các dân tộc.
Báo cáo của IAEA vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga. Mát-xcơ-va chỉ trích báo cáo của IAEA gây thêm căng thẳng trong cuộc đối đầu giữa các cường quốc phương Tây với I-ran, có nguy cơ làm mất đi các cơ hội giải quyết vấn đề gây tranh cãi lâu nay bằng con đường ngoại giao. Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định, từ lâu Nga đã cung cấp cho IAEA “mọi giải trình cần thiết” về vấn đề này và những báo cáo gần đây không có thông tin gì mới. Mát-xcơ-va nhận định rằng, “việc thu thập các chứng cứ trong báo cáo được thực hiện theo hướng chính trị hóa vấn đề”. Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng thuộc Đu-ma Quốc gia (Hạ viện) Nga I.Ba-ri-nốp nêu rõ, báo cáo của IAEA khiến người ta nhớ đến thực tế từng xảy ra với I-rắc, trong đó những thông tin của các cơ quan tình báo phương Tây đã châm ngòi cho các hành động quân sự quy mô lớn và những bằng chứng “chưa được kiểm tra” chỉ là cái cớ để HĐBA áp đặt các biện pháp cấm vận mới. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cho biết, Bắc Kinh phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với I-ran, đồng thời kêu gọi tiến tới đối thoại và hợp tác tìm giải pháp cho vấn đề này. Tờ Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc cũng có bài bình luận cho rằng, “đối đầu” giữa I-ran và phương Tây về vấn đề hạt nhân của Tê-hê-ran đã lên đến “đỉnh điểm nóng bỏng”.
Trong khi đó, các cường quốc châu Âu kêu gọi gia tăng các biện pháp trừng phạt mới đối với Tê-hê-ran. Pháp tuyên bố sẽ triệu tập một cuộc họp tại HĐBA LHQ. Anh cho rằng, đây là “giai đoạn nguy hiểm” và nguy cơ xung đột sẽ gia tăng nếu I-ran từ chối đàm phán. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ M.Tô-nơ cho biết, Oa-sinh-tơn không loại trừ bất cứ khả năng nào, kể cả đơn phương áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tê-hê-ran. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ I.R.Lê-ti-nen cho rằng, Mỹ và các nước cần có hành động mang tính quyết định nhằm ngăn chặn I-ran sở hữu vũ khí hạt nhân. Nhiều chính trị gia, nghị sĩ Mỹ đề nghị tăng cường trừng phạt Ngân hàng Trung ương, các ngân hàng thương mại và công ty của I-ran. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, sau khi LHQ đã thông qua bốn vòng áp đặt trừng phạt I-ran kể từ năm 2006, khả năng áp đặt vòng trừng phạt thứ năm như mong muốn của phương Tây khó có thể xảy ra. Bởi Nga và Trung Quốc, hai nước có quyền phủ quyết tại HĐBA, kiên quyết phản đối báo cáo của IAEA cũng như việc áp đặt lệnh trừng phạt mới đối với I-ran.
Việc IAEA đưa ra những cáo buộc “nghiêm trọng” về vấn đề hạt nhân của I-ran làm dấy lên lo ngại đẩy khu vực Trung Đông rơi vào tình trạng ngày càng căng thẳng, nhất là trong bối cảnh dư luận gần đây đồn đoán về một “cuộc tiến công quân sự” nhằm vào các cơ sở hạt nhân của I-ran. Bộ trưởng Quốc phòng I-xra-en E.Ba-rắc mặc dù bác bỏ thông tin về ý định của nước này tiến công các cơ sở hạt nhân của I-ran, song vẫn úp mở rằng Ten A-víp luôn sẵn sàng cho “những tình huống bất lợi” và mọi phương án vẫn được để ngỏ. Bình luận về những đồn đoán này, Nga cảnh báo rằng không có giải pháp quân sự cho bất kỳ vấn đề nào trong thế giới hiện đại. Nga và Trung Quốc phản đối mọi hành vi sử dụng vũ lực đối với I-ran, cho rằng mọi cuộc tiến công quân sự chống I-ran đều là “sai lầm nghiêm trọng”, sẽ gây những hậu quả khôn lường đối với cả khu vực Trung Đông. Đồng thời khẳng định, cách duy nhất giải quyết vấn đề hạt nhân của I-ran là thông qua đối thoại, tránh để xảy ra một thảm họa đối với khu vực này.
Theo Nhandan
Ý kiến ()