Nồng ấm tình bạn An-giê-ri
Thủ đô An-giê của An-giê-ri nằm bên bờ Địa Trung Hải xanh biếc và thơ mộng, những ngày giữa tháng 12 vừa qua đã chứng kiến sự hội ngộ của bạn bè khắp năm châu tới đây dự Hội thảo quốc tế nhân kỷ niệm 50 năm Ngày LHQ ra Nghị quyết 1514 trao trả độc lập cho các nước và dân tộc thuộc địa. Những người bạn từng một thời đoàn kết, ủng hộ nhau trong đấu tranh giải phóng dân tộc từ châu Á, châu Phi và Mỹ la-tinh đã cùng nhau ôn lại kỷ niệm một thời hào hùng đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giành độc lập tự do cho dân tộc, cũng như chia sẻ những kinh nghiệm, tăng cường tình đoàn kết để cùng phát triển.Năm mươi năm trước đây, trước khí thế sục sôi chiến đấu của nhân dân các nước thuộc địa và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lan rộng trên toàn thế giới, ngày 14-12-1960, Đại hội đồng LHQ đã ra nghị quyết 1514 trao trả độc lập cho các nước thuộc địa. Đây là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường và bền bỉ của...
Năm mươi năm trước đây, trước khí thế sục sôi chiến đấu của nhân dân các nước thuộc địa và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc lan rộng trên toàn thế giới, ngày 14-12-1960, Đại hội đồng LHQ đã ra nghị quyết 1514 trao trả độc lập cho các nước thuộc địa. Đây là kết quả của cuộc đấu tranh kiên cường và bền bỉ của các dân tộc, nhất là cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân các nước Đông Dương ở châu Á và An-giê-ri ở châu Phi. Tại hội thảo, các đại biểu đã nhấn mạnh vai trò của Việt Nam và An-giê-ri, những lá cờ đầu trong phong trào giải phóng dân tộc ở châu Á và châu Phi, vào việc góp phần ra đời Nghị quyết 1514. Chiến thắng Điện Biên Phủ được nhiều bạn bè quốc tế nhắc đến như một nguồn động viên, cổ vũ lớn lao cho phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Nhân Dân, Bộ trưởng đặc trách khối Magreb và châu Phi của An-giê-ri A.Mét-xê-hen nói: 'Cũng như ở Việt Nam, An-giê-ri đã vượt qua mọi khó khăn để đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 11-12 vừa qua, chúng tôi đã tổ chức kỷ niệm Ngày nhân dân An-giê-ri tiến hành các cuộc biểu tình chống thực dân Pháp, một sự kiện tạo bước ngoặt và mở ra con đường góp phần vào tuyên bố ngày 14-12 về trao trả độc lập cho các nước thuộc địa năm 1960'. Vui mừng được tiếp đón đại diện các nước từng là thuộc địa, nhất là sự hiện diện của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, ông Mét-xê-hen khẳng định, chiến thắng vĩ đại của nhân dân Việt Nam trong đấu tranh giải phóng dân tộc vào những năm 1950 đã khiến nhân dân An-giê-ri nói riêng và các nước thuộc địa nói chung hiểu rằng muốn có độc lập phải đấu tranh. Rất nhiều tù binh người An-giê-ri từng tham gia lực lượng lê dương ở Đông Dương, sau này trở về đã tham gia cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của An-giê-ri, bởi họ hiểu rằng để giành độc lập dân tộc phải tiến hành cuộc chiến tranh có cùng mục đích như cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Đến nay, các bạn bè châu Phi đều nhận thức vai trò và sự hy sinh của các liệt sĩ Việt Nam đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Cựu Tổng thống Nam Phi Mơ-bê-ki, khách mời của Chính phủ An-giê-ri dự Hội thảo, đã vui mừng bày tỏ tình cảm về đất nước và con người Việt Nam trong cuộc trò chuyện ngắn với chúng tôi bên lề hội thảo. Ông cho biết rất vui khi được đến đây và gặp lại những người bạn Việt Nam. Trong chuyến thăm chính thức Việt Nam khi ông còn giữ cương vị tổng thống, ông rất ấn tượng và thú vị được chứng kiến Việt Nam đang ngày càng phát triển. Ông đã tới thăm Bảo tàng chứng tích chiến tranh ở TP Hồ Chí Minh và tới nhiều nơi, thấy Việt Nam đang phát triển rất nhanh và ông đã hiểu Việt Nam vươn lên như thế nào để có thể làm nên nhiều thành tựu sau một thời gian dài bị chiến tranh tàn phá. Ông nhận thức sâu sắc rằng điều quan trọng nhất là phải giữ vững độc lập, chủ quyền và người dân làm chủ để tự quyết định tương lai của mình. Đó là giá trị của độc lập, tự do. Việt Nam đã vượt qua mọi khó khăn để chiến đấu chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và chứng tỏ khả năng phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là những người anh hùng, biểu tượng đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân yêu chuộng hòa bình từ khắp châu Á, châu Phi và châu Mỹ.
Bà Ri-gô-béc-ta Men-chu Tum, đoạt giải Nô-ben hòa bình năm 1992, người Goa-tê-ma-la, khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam, đã bắt tay và trò chuyện vui vẻ như những người đã quen biết từ lâu. Bởi, với bà và những người dân yêu chuộng hòa bình ở Mỹ la-tinh đều biết đến cái tên Việt Nam. Bà khẳng định: 'Cuộc đấu tranh giành độc lập của nhân dân Việt Nam rất quan trọng, là nguồn sinh lực cổ vũ cho cuộc đấu tranh của nhân dân các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Ở châu Mỹ chúng tôi, câu chuyện về cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam anh hùng là biểu tượng thành công của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc. Chúng tôi biết về Việt Nam khi nhiều thanh niên ở đất nước chúng tôi đã được học về Chủ tịch Hồ Chí Minh và lịch sử Việt Nam. Người dân đất nước tôi đã thể hiện tình đoàn kết với nhân dân Việt Nam trong đấu tranh'. Đến hội thảo quốc tế này, bà R.M.Tum cũng như các đại biểu đến từ khắp nơi trên thế giới muốn chia sẻ, tìm hiểu về những thành tựu cũng như những khó khăn trong công cuộc xây dựng đất nước hôm nay.
Trước và sau Tuyên bố trao trả độc lập cho các nước thuộc địa của LHQ, hàng trăm nước thuộc địa từ châu Á, châu Phi, Mỹ la-tinh tuyên bố độc lập, từ vị trí nô lệ trở thành chủ nhân của đất nước. Các vùng lãnh thổ thuộc địa trước đây đã trở thành các quốc gia độc lập và là thành viên của LHQ. Tuy nhiên, sau khi giành độc lập, làm thế nào để khỏi bị quay lại tình trạng phụ thuộc và đối mặt những thách thức trong phát triển là vấn đề được các đại biểu sôi nổi thảo luận. Trong bối cảnh tình hình mới, thế giới đứng trước nhiều biến động, các đại biểu kêu gọi tăng cường đoàn kết nhằm đối phó các thách thức. Phát biểu ý kiến tại Hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã đánh giá những thành công cũng như những điểm còn hạn chế của các nước thuộc địa sau khi giành độc lập, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa. Bà bày tỏ tin tưởng, cuộc gặp mặt này sẽ giúp nhân dân các nước hiểu tình hình của nhau hơn để từ đó phát huy tinh thần đoàn kết quốc tế, không chỉ về chính trị mà cả về kinh tế, vì một mục tiêu và nguyện vọng chung giữ vững độc lập dân tộc và phát triển đất nước.
Sau hai ngày thảo luận, Hội thảo đã ra Tuyên bố An-giê, trong đó nêu bật sự hy sinh to lớn của các dân tộc thuộc địa trong tiến trình dẫn tới việc thừa nhận quyền tự quyết và độc lập, nhấn mạnh vai trò của phụ nữ, thanh niên cũng như truyền thông trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc trước đây và phát triển đất nước ngày nay. Tuyên bố bày tỏ sự ủng hộ đối với các chương trình đang được tiến hành ở các cấp độ khu vực và liên khu vực, cũng như thiết lập các đối tác chiến lược giữa các khu vực ở châu Á, châu Phi và Mỹ la-tinh. Các đại biểu tham dự nhất trí bày tỏ sự hài lòng về nỗ lực củng cố độc lập dân tộc, tái thiết đất nước sau chiến tranh, đồng thời kêu gọi tăng cường hợp tác Nam-Nam và hội nhập khu vực, góp phần bảo vệ độc lập và tạo điều kiện cho sự tham gia bình đẳng giữa các nước thuộc địa trước đây vào kinh tế toàn cầu.
Được LHQ chọn là nơi tổ chức sự kiện quan trọng này, Chính phủ An-giê-ri đã huy động các lực lượng phục vụ cũng như tăng cường an ninh để tiếp đón và bảo vệ bạn bè từ khắp năm châu, trong đó có nhiều chính khách nổi tiếng trên thế giới về đây hội tụ. Gió biển Địa Trung Hải thổi vào mang theo hơi lạnh, nhưng tình cảm nồng ấm của các bạn An-giê-ri đối với bạn bè quốc tế, nhất là với chúng tôi, những người đến từ đất nước Việt Nam xa xôi mà họ vô cùng cảm mến, đã khiến bầu không khí trở nên ấm áp, xóa nhòa khoảng cách địa lý và rào cản ngôn ngữ. Câu nói mà chúng tôi và các bạn bè quốc tế ai cũng hiểu, đó là 'Vi-va Việt Nam' (Việt Nam muôn năm) không ít lần vang lên trong các cuộc gặp gỡ mỗi khi nhắc đến Việt Nam.
Theo Nhandan
Ý kiến ()