Nôn nao chờ ngày nhận quyết định đặc xá
Chỉ còn vài ngày nữa là đến thời điểm diễn ra Lễ công bố Quyết định đặc xá năm 2024 của Chủ tịch nước. Các phạm nhân có tên trong danh sách được đề nghị Chủ tịch nước xét đặc xá năm 2024 đều có chung một tâm trạng nôn nao, mong chờ giây phút ngày chính thức được nhận Quyết định đặc xá, trở về cộng đồng, đoàn tụ gia đình, làm lại cuộc đời sau những tháng ngày học tập, lao động và cải tạo tốt.
Quyết định số 758/2024/QĐ-CTN của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 là một chủ trương lớn, thể hiện chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù, thể hiện tính nhân đạo, nhân văn sâu sắc, truyền thống tốt đẹp từ nghìn xưa của ông cha ta “Đánh kẻ chạy đi không đánh người chạy lại”.
Bảo đảm công khai, minh bạch, chặt chẽ, đúng đối tượng
Sau khi Chủ tịch nước công bố quyết định về đặc xá năm 2024, Bộ Công an với vai trò Thường trực Hội đồng Tư vấn đặc xá hướng dẫn các đơn vị triển khai công tác đặc xá năm 2024. Các đơn vị trại giam đã xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, đúng tiến độ song vẫn phải bảo đảm đúng điều kiện, dân chủ, công khai, minh bạch trên tinh thần kiên quyết không để lọt những người không đủ điều kiện vào danh sách đề nghị đặc xá và không để sót những người có đủ điều kiện nhưng không được đề nghị đặc xá.
Đại tá Phạm Văn Nghị, Giám thị Trại giam Thanh Phong cho biết: Ban Giám thị trại đã tổ chức họp Đảng ủy, lãnh đạo đơn vị, quán triệt mục đích, ý nghĩa của công tác đặc xá, tổ chức tuyên truyền, quán triệt các quyết định đặc xá, hướng dẫn, văn bản của các cấp có thẩm quyền đến cán bộ, chiến sĩ và phạm nhân, thân nhân gia đình phạm nhân để hiểu đúng; Tổ chức họp xét từ đội phạm nhân lên, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Các phân trại tổ chức công bố và niêm yết Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước để phạm nhân nghiên cứu, đối chiếu với bản thân, viết đơn đề nghị đặc xá. Sau đó, tổ, đội phạm nhân tổ chức họp bình xét, giới thiệu, bỏ phiếu kín. Căn cứ kết quả đề nghị của các phân trại, Đội Giáo dục và hồ sơ tiếp tục kiểm tra, rà soát lại, báo cáo Hội đồng xét đề nghị đặc xá của đơn vị họp xét . Sau khi Tổ thẩm định liên ngành thẩm định đồng ý đề nghị đặc xá, đơn vị hoàn chỉnh hồ sơ, danh sách phạm nhân đề nghị đặc xá gửi về Thường trực Hội đồng tư vấn đặc xá.
Kết quả, trại giam Thanh Phong được tổ thẩm định liên ngành thẩm định, nhất trí đề nghị đặc xá cho 89 phạm nhân. Cùng với việc tổ chức triển khai công tác đặc xá, đơn vị đã rà soát, lập hồ sơ đề nghị và được Tòa án nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định giảm thời hạn chấp hành án phạt tù cho 1.143 phạm nhân. Trong đó, có 165 phạm nhân được giảm hết án.
Chúng tôi đến phân trại 1, trại giam Thanh Phong, nơi 89 phạm nhân được đề nghị đặc xá năm 2024 đang tham gia lớp học tái hòa nhập cộng đồng. Đội trưởng Đội Giáo dục và hồ sơ- Thượng tá Trương Văn Thắng cho biết: Sau khi hồ sơ được gửi đến Thường trực hội đồng tư vấn đặc xá, đơn vị đã tổ chức lớp học hòa nhập cộng đồng. Ngoài những nội dung học tập do lãnh đạo, cán bộ của đơn vị trực tiếp giảng dạy, trại đã phối hợp, mời Công an tỉnh Thanh Hóa vào, giảng dạy một số nội dung cơ bản của Luật Hình sự, Luật Phòng, chống ma túy, Luật Cư trú, Luật giao thông đường bộ; Hội Luật gia tỉnh Thanh Hóa tuyên truyền, phổ biến một số nội dung về pháp luật, cũng như tư vấn, giải đáp những vướng mắc về pháp lý cho phạm nhân.
Thông qua việc học tập, giúp phạm nhân nắm bắt thêm những kiến thức cơ bản, từ đó nâng cao hiểu biết về pháp luật, trang bị thêm những kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng tìm kiếm việc làm, giúp họ nhanh chóng ổn định cuộc sống, không tái phạm tội.
Phạm nhân Trần Thị Duyên (huyện Như Xuân, Thanh Hóa), chấp hành án về tội “Tổ chức cho người xuất cảnh trái phép” với án phạt 10 năm. Được tham gia lớp học, Duyên cho biết: Chấp hành án trong thời gian quá lâu, chắc chắn khi được ra ngoài sẽ bị bỡ ngỡ với những sự thay đổi của xã hội, việc được tham gia lớp học bổ ích, thiết thực này sẽ trang bị cho tôi cùng mọi người hiểu biết pháp luật. Bên cạnh đó, phạm nhân tham gia lớp học cũng được cán bộ giải đáp cho những thắc mắc để khi ra ngoài tái hòa nhập cộng đồng, tránh được vi phạm pháp luật không đáng có.
Mong ngóng từng ngày
Tại trại giam Ninh Khánh, Phó Giám thị-Thượng tá Trần Thị Huyền cho biết: Ngay sau khi nhận được Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2024 và các văn bản hướng dẫn của Bộ Công an, đơn vị đã nhanh chóng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện.
Do thời gian triển khai công tác đặc xá năm 2024 diễn ra trong thời gian ngắn, đòi hỏi sự tập trung, khẩn trương cao, đồng chí Giám thị đã tổ chức ngay một cuộc họp phân công nhiệm vụ cho Hội đồng xét duyệt đặc xá của trại, yêu cầu các cán bộ phân trại phổ biến quán triệt các nội dung đến toàn thể phạm nhân nắm được điều kiện, tiêu chuẩn được xét đặc xá.
Đặc xá lần này, Trại giam Ninh Khánh có 117 phạm nhân đủ điều kiện được xem xét đề nghị đặc xá.
Phạm nhân Đặng Thị Tươi, đội 17, phân trại 3 vào trại chấp hành bản án 7 năm về tội “Lợi dụng tín nhiệm, chiếm đoạt tài sản công dân” cho biết: 48 tháng đằng đẵng trả giá cho những lỗi lầm của mình, tôi đã bao đêm mất ngủ. Dần dà, được sự động viên của các phạm nhân cùng buồng, sự giúp đỡ, giáo dục, cảm hóa của cán bộ quản giáo, tôi đã bình tâm lại, học nghề, phấn đấu tốt để mong nhận được sự khoan hồng.
Từ khi nhận được thông báo mình đủ điều kiện xét duyệt đặc xá, tôi lại mất ngủ nhưng là trong tâm trạng vui mừng, phấn khởi vì sắp được trở về đoàn tụ với bố mẹ già, chồng con.
Phạm nhân Bùi Đức Hạnh, quê Hòa Bình bị tuyên phạt 7 năm tù vì tội “Tham ô tài sản” chia sẻ: Đối chiếu với Quyết định 758 ngày 30/7/2024 của Chủ tịch nước tôi rất sung sướng khi mình đủ điều kiện xét đặc xá nên đã làm đơn. Trong thời gian cải tạo tại đây, tôi được ban giám thị, hội đồng cán bộ trại tạo điều kiện cho học nghề may.
Được tham gia lớp học tái hòa nhập cộng đồng, tôi được trang bị kiến thức, có thể vượt qua mặc cảm, tự ti do cách ly khá lâu với xã hội để có thể tái hòa nhập nhanh hơn. Qua đây tôi cũng nhắn nhủ với toàn thể các phạm nhân chưa đủ điều kiện đặc xá trong năm 2024 yên tâm cải tạo, tiếp tục tích cực thi đua lao động để hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, sớm trở về với gia đình, trở thành người có ích cho gia đình và xã hội.
Cùng chăm sóc vườn rau trong phân trại với hai phạm nhân được đặc xá lần này, phạm nhân Hoàng Văn Hải ở Cẩm Phả (Quảng Ninh) chấp hành bản án 17 năm tù giam về tội danh “Mua bán trái phép chất ma túy” cho biết: 10 năm cải tạo, chứng kiến niềm vui, sự háo hức của của các phạm nhân trong buồng được đặc xá, chiếu theo các tiêu chuẩn, thấy mình chưa đủ điều kiện, tôi thật sự rất buồn và hụt hẫng.
Mỗi lần trải qua cảm giác đó, tôi lại tự vực mình dậy, tích cực trong suy nghĩ. Quá trình cải tạo, tôi đã hai lần được giảm án. Đây là sự động viên, khích lệ lớn để tôi tiếp tục thi đua lao động, cải tạo, để có thể nhận được sự khoan hồng của Đảng, Nhà nước trong những lần đặc xá sau.
Là người thầy giáo dục, cảm hóa, gắn bó, gần gũi, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của từng phạm nhân, cán bộ quản giáo Đỗ Thị Diễm Hà, phân trại số 3 không tránh khỏi xúc động trước niềm vui của những "học trò" đặc biệt của mình sắp nhận được sự khoan hồng sau thời gian cải tạo, học tập nỗ lực.
Chị Hà trải lòng: mỗi đợt đặc xá không chỉ bản thân tôi mà tất cả cán bộ quản giáo, ban chỉ huy, lãnh đạo trại giam đều vui mừng, phấn khởi bởi mình đã đạt được kết quả mong muốn là trả về cho xã hội những con người hoàn lương.
Điều chúng tôi mong mỏi là khi những phạm nhận được đặc xá trở về địa phương sẽ nhận được sự quan tâm tạo điều kiện của chính quyền địa phương, các đoàn thể tổ chức chính trị, xã hội để họ mau chóng tìm được việc làm, thu nhập ổn định, không có cơ hội vi phạm pháp luật nữa.
Để bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các phạm nhân chuẩn bị được đặc xá, phạm nhân chấp hành xong án phạt tù, tại các trại giam cũng đã phối hợp Công an địa phương bố trí địa điểm và cán bộ của đơn vị, phối hợp tổ chức lấy vân tay, chụp ảnh, thu thập mống mắt cho các phạm nhân. Việc triển khai thu thập hồ sơ cấp căn cước giúp phạm nhân sau khi được đặc xá trở về địa phương được khôi phục quyền công dân, sớm hòa nhập cộng đồng.
Có thể thấy, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, các tổ chức xã hội được thực hiện tốt trong các lần đặc xá, góp phần rất lớn cho trong việc nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, ngành và tổ chức xã hội cũng như quần chúng nhân dân, xóa bỏ tư tưởng kỳ thị đối với người được đặc xá, từ đó tạo điều kiện giúp đỡ phạm nhân trở về tái hòa nhập cộng đồng.
Ý kiến ()