Nơm nớp nỗi lo qua cầu treo Phố Sặt
LSO- Cầu treo dân sinh Phố Sặt, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng bắc qua Sông Thương từ năm 1987. Đến nay cầu đã xuống cấp nghiêm trọng. Mỗi ngày, lưu lượng người dân đi lại qua cây cầu này khoảng 200 lượt, gây mất an toàn giao thông, nguy hiểm đến tính mạng và tài sản.
Anh Hứa Văn Lập, thôn Phố Sặt vẫn chưa hết bàng hoàng, cách đây mấy ngày anh qua cây cầu treo vào ban đêm, suýt nữa thì bị rơi xuống sông. Anh Lập cho biết: Hôm đó tôi sang bên thôn Minh Khai thuộc xã Chi Lăng có việc gia đình, lúc trở về đã tối, khi đến giữa cầu thì xe máy bị tụt nửa bánh xuống do thanh lát cầu bị xô lệch. Tôi phải gọi người đến giúp đỡ mới lấy xe qua khỏi cây cầu được. Rất may là tôi không bị rơi xuống sông. Còn chị Đỗ Thị Hương, thôn Minh Khai, xã Chi Lăng cho biết: Ngày nào tôi cũng dắt xe đạp qua lại cầu treo này từ 4 – 5 lượt. Cây cầu đã bị hư hỏng nhiều, đi lại rất nguy hiểm nhưng ruộng nương lại nằm bên kia sông. Mùa thu hoạch cây ăn quả vẫn phải qua cây cầu này.
Người dân lo ngại mỗi khi đi qua cầu treo Phố Sặt, thị trấn Chi Lăng, huyện Chi Lăng
Tuy nhiên, việc người dân lo lắng nhất là các cháu học sinh đến trường. Học sinh thôn Minh Khai (xã Chi Lăng), thôn Làng Vặc và 13 hộ dân thuộc thôn Phố Sặt (thị trấn Chi Lăng) đều có con học ở thị trấn. Có gia đình đưa con đi học, có cháu lại phải đi một mình, ngày vài lần qua cây cầu đã xuống cấp.
Qua tìm hiểu, cầu treo Phố Sặt do Sư đoàn Tăng Thiết giáp 407 xây dựng từ năm 1987. Cầu treo có chiều dài 57m, rộng 1,1m. Sau khi đơn vị rút khỏi địa bàn, chiếc cầu được nhân dân nhiều lần tu sửa để sử dụng. Theo quan sát, cầu có kết cấu đơn giản và đã xuống cấp nghiêm trọng, toàn bộ hệ thống cáp chủ và cáp đỡ đã han gỉ nặng mất khả năng chịu lực. Hệ thống thanh treo đã bị dịch chuyển, tre ván lát mặt cầu mục nát xô lệch, cầu bị rung lắc mạnh mỗi khi có người đi qua.
Ông Hoàng Văn San, Trưởng thôn Phố Sặt cho biết: Cầu treo phục vụ nhu cầu đi lại của khoảng 200 hộ dân thuộc các thôn: Phố Sặt, Làng Vặc (thị trấn Chi Lăng) và thôn Minh Khai (xã Chi Lăng). Từ bên này sông sang bên kia sông để làm vườn, chăm sóc cây ăn quả nếu đi đường vòng phải mất đến 6 km, trong khi qua cầu chỉ mất hơn 1 km. Khoảng 20 năm trở lại đây đã có 2 vụ bị rơi xe máy xuống sông khi qua cầu này. Trước đây khoảng 3 năm người dân đóng tiền duy tu, bảo dưỡng cầu, kéo lại dây thép, thay ván tre lát mặt cầu. Do cầu nhỏ nên mỗi lần chỉ một người đi qua, nếu ai chở theo hàng hóa sẽ dắt xe qua trước rồi vác hàng sang sau.
Giữa năm 2015, cầu bị đứt dây cáp, để tiện di chuyển, người dân dựng cầu tre tạm cách cây cầu treo khoảng 50 m nhưng mưa lũ đã cuốn trôi cầu tạm. Đến tháng 8/2016, thấy việc đi lại xa xôi, ảnh hưởng đến lao động sản xuất, giao thương nên người dân lại tự đóng góp tiền sửa lại cầu.
Ông Ngô Văn Tuấn, Phó chủ tịch UBND thị trấn Chi Lăng cho biết: Từ năm 2015, đã có đoàn đến khảo sát, khoan thăm dò, đo đạc cầu treo, nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó. Trong mỗi cuộc họp, thị trấn đều đề nghị cấp trên quan tâm xây dựng cầu treo. Hiện tại, thị trấn đã tuyên truyền để người dân hạn chế qua lại trên cầu tránh xảy ra sự cố ngoài ý muốn. Tuy nhiên vì sản xuất, sinh hoạt, học tập, hằng ngày người dân nơi đây vẫn phải mạo hiểm qua cây cầu đã xuống cấp này.
HẢI ĐĂNG
Ý kiến ()