Nơi tụ hội những trái tim nhân ái toàn cầu
Làng Hữu nghị Việt Nam (viết gọn là Làng) thuộc Trung ương Hội Cựu chiến binh (CCB) Việt Nam, được thành lập ngày 18-3-1998. Suốt 25 năm, được sự hỗ trợ tích cực của Đảng, Nhà nước, Quân đội, các ban, ngành, địa phương, đặc biệt là những tấm lòng hảo tâm của bạn bè quốc tế, cán bộ, nhân viên của Làng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xây dựng Làng thành một cơ sở hoạt động xã hội với mục đích nhân đạo-là nơi tụ hội những trái tim nhân ái toàn cầu.
Nhiệm vụ chính trị hàng đầu của Làng là công tác chăm sóc y tế, điều dưỡng, phục hồi chức năng cho các nạn nhân da cam. Chỉ tính trong 5 năm (2018-2022), Làng đón về điều dưỡng 1.738 lượt CCB và cựu thanh niên xung phong (TNXP). Các CCB, cựu TNXP đến Làng điều dưỡng trong những năm gần đây đều tuổi cao, sức yếu, có người hơn 90 tuổi. Nhiều người bị hạn chế vận động, đi lại khó khăn, đãng trí, hạn chế nhận thức trong hoạt động, sinh hoạt hằng ngày… nên khi về Làng, từ cán bộ, nhân viên đều rất thông cảm; luôn phục vụ, giúp đỡ, hướng dẫn tỉ mỉ, tận tình; ứng xử với các CCB, cựu TNXP chân tình như những người thân trong gia đình.
Làng thường xuyên nuôi dưỡng, chăm sóc y tế, phục hồi chức năng, dạy văn hóa, kỹ năng sống và dạy nghề cho gần 120 em bị khuyết tật do di chứng chất độc da cam để lại. Quá trình nuôi dưỡng, em nào đủ điều kiện sẽ được trở về sống hòa nhập với cộng đồng và Làng đón trẻ em mới vào chăm sóc. Các em khi vào Làng mắc nhiều bệnh nan y như: Dị tật hình thể, teo cơ, khuyết tật vận động, câm, điếc, bại não, tâm thần kinh ở nhiều thể khác nhau, tăng động, tự kỷ…
Tình nguyện viên đến thăm các em tại Làng Hữu nghị Việt Nam. Ảnh: MINH ANH |
Với tâm huyết, trái tim nhân ái và tấm lòng tri ân, cán bộ, nhân viên của Làng luôn nêu cao trách nhiệm, lấy hành động và cách ứng xử của mình làm gương cho các em học tập, noi theo; quan tâm, chăm sóc các em như con đẻ của mình, từ giấc ngủ, miếng ăn đến mọi sinh hoạt, vui chơi hằng ngày. Các em được nhận vào Làng đều có tinh thần và thể chất khá hơn so với ở nhà.
Công tác giáo dục, dạy nghề, hướng nghiệp của Làng được tổ chức và duy trì thường xuyên với 4 lớp giáo dục đặc biệt, mỗi lớp từ 10 đến 15 em; 2 lớp dạy kỹ năng kết hợp thực hành, mỗi lớp hơn 10 em; 5 lớp dạy nghề (thêu, dệt saori, cắt may, tin học và làm hoa lụa), mỗi lớp từ 7 đến 10 em.
Ban giám đốc của Làng thường xuyên quan tâm, chỉ đạo sát sao việc nâng cao trách nhiệm quản lý, chăm sóc các em trên lớp; đổi mới phương pháp dạy và học nhằm đạt được hiệu quả tốt trong công tác giáo dục-dạy nghề. Cụ thể từ năm 2020 đến nay đã tăng giờ học thực hành, rèn luyện thể chất, học mà vui, vui chơi cũng là học; phân chia thời gian để một em có thể học ở hai lớp khác nhau giúp các em không nhàm chán, dễ tiếp thu kiến thức.
Căn cứ vào điều kiện sức khỏe, khả năng tiếp thu và sở thích, năng khiếu của từng em, các cô giáo chủ nhiệm có chương trình, nội dung dạy phù hợp cho từng em hoặc một nhóm. Làng luôn bám sát và thực hiện phương châm các em lên lớp được an toàn, mạnh khỏe; nhận được tình thương yêu; nhận được sự tôn trọng, chia sẻ; nhận được những kiến thức, kỹ năng sống phù hợp.
Thời gian qua, Làng phối hợp với Ủy ban Quốc tế về Làng Hữu nghị Việt Nam thực hiện chương trình hỗ trợ vốn khởi nghiệp với mô hình làm kinh tế hộ gia đình cho 16 em về sống hòa nhập cộng đồng ở gia đình. Trước, trong và sau khi trao vốn, Làng thường xuyên liên hệ, phối hợp với chính quyền và hội CCB các cấp của địa phương hướng dẫn, tạo điều kiện cho các em cùng gia đình thực hiện dự án có hiệu quả. Qua kiểm tra nắm tình hình, đến nay, các em được hỗ trợ đều bảo toàn được vốn và thực hiện dự án có hiệu quả, từ đó có thể tự lập một phần cuộc sống của bản thân, giảm bớt gánh nặng cho gia đình, xã hội.
Với công tác đối ngoại nhân dân, Làng giữ mối quan hệ thường xuyên với nhân viên đại diện ngoại giao nước ngoài ở Việt Nam; đón tiếp cởi mở, chu đáo các đoàn khách nước ngoài đến thăm Làng; quan hệ thân thiện, chân tình với các tình nguyện viên, sinh viên quốc tế đến giúp đỡ và thực tập tại Làng.
Chỉ tính từ năm 2018 đến 2022, Làng đón 1.161 khách của 215 đoàn từ 17 quốc gia đến thăm, tặng quà, tìm hiểu về chất độc da cam/dioxin ảnh hưởng đến con người. Làng phối hợp với Ủy ban Quốc tế và các ủy ban quốc gia về Làng tổ chức thành công các kỳ hội nghị quốc tế về Làng Hữu nghị Việt Nam, với thành phần ủy ban quốc gia của 7 nước tham dự (Mỹ, Pháp, Anh, Canada, Đức, Nhật và Hội CCB Việt Nam). Trong nước, Làng đón tiếp 7.285 khách từ các cơ quan, đoàn thể, tình nguyện viên, sinh viên, học sinh đến thăm, tặng quà, giao lưu, chia sẻ nỗi đau da cam với các cháu và CCB trong Làng.
Thông qua hoạt động đối ngoại, Làng đã vận động các cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước đến thăm, chia sẻ, động viên, trao quà tặng các đối tượng được nuôi dưỡng, điều dưỡng tại Làng, trị giá quà tặng trung bình hơn 100 triệu đồng/năm. Hằng năm, Làng nhận được sự hỗ trợ của Ủy ban Quốc tế về Làng khoảng 2 tỷ đồng… Những tấm lòng cao cả ấy đã chung tay xoa dịu nỗi đau, góp phần làm vơi đi một phần khó khăn trong cuộc sống của các nạn nhân da cam/dioxin ở Việt Nam.
Nguồn: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/noi-tu-hoi-nhung-trai-tim-nhan-ai-toan-cau-721783
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()