Nơi tháng Giêng không là tháng chơi
LSO-Những ngày tháng Giêng này, khi nhiều nơi còn không khí đón xuân vui hội, nhiều vùng còn bỏ ruộng để chơi thì nông dân xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình đã bước vào vụ mới. Tết trên đồng để tạo ra sản phẩm hàng hóa cũng là một nét vui của người dân nơi đây. Và đã lâu rồi tháng Giêng với người Bằng Khánh đã không còn là tháng ăn chơi.
![]() |
Nông dân xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình thu hoạch rau xanh |
Trời rét căm căm nhưng không đủ lạnh để ngăn những giọt mồ hôi túa ra trên lưng áo chị Lý Thị Hòa, nông dân thôn Tắng Mật, xã Bằng Khánh. Tiếng chị hào sảng hoà cùng tiếng xới đất soàn soạt vun đất lên những luống rau mơn mởn hơi xuân: “Tranh thủ sau ngày tết ra đồng làm luôn, dù ngày tết bận nhưng cả thôn ai cũng làm sớm cho kịp thời vụ, vừa làm vừa tranh thủ chúc tết”. Rồi chị khoe, ngay từ mùng 3 tết đã bán gần hết mấy luống rau diếp, vừa có thu nhập mà không để rau già. Chị khẳng định: “Làm nông mà cứ sa đà vào tết là mất mùa, đói ngay”. Khắp trên các cánh đồng xã Bằng Khánh, huyện Lộc Bình, người thì thu hoạch rau, người cuốc đất, người tưới nước cho cây khoai tây, tiếng nói cười, tiếng máy rộn rã cả một góc đồng, không khí lao động như xua đi cái lạnh đầu xuân.
Theo chị Lý Thị Hòa, người dân thôn Tắng Mật chủ yếu thu nhập từ làm màu, mà làm màu thì thời điểm vụ xuân là hiệu quả nhất. Toàn thôn mùa nào, thức ấy để phát triển rau màu và các cây trồng đặc sản. Cây củ đậu, khoai tây Hà Lan, ớt xuất khẩu đã thành thương hiệu của nơi đây. Toàn xã có trên 140 ha đất nông nghiệp thì vụ xuân diện tích màu đã chiến trên 100 ha. Trên 300 hộ làm màu thì 100% đã lao động ngay trong tết. Tận dụng thế mạnh gần đường giao thông, nông sản dễ tiêu thụ người dân đã phát triển trồng rau màu hàng hóa. Họ học hỏi kinh nghiệm sản xuất của nhau, cũng từ đó nhiều thôn trong xã đã hình thành vùng rau cao sản, đặc sản. Quý hơn, họ học nhau cái nết cần cù, chịu thương chịu khó. Minh chứng là ngày tết mà các cánh đồng dọc đường vẫn đông vui, họ không để cho đất nghỉ. Ông Lý Nam Bằng, Nguyên Bí thư Đảng bộ xã khẳng định: “Nông dân toàn xã rất có ý thức trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng. Từ nhiều năm nay nhân dân có thói quen ra ruộng sớm, không để đất nghỉ. Những gia đình để cỏ mọc lấn rau, để đất cằn ngày tết bị cộng đồng cười chê, vì thế lao động ngày xuân đã trở thành nét đẹp.” Cũng vì điều đó mà không ít gia đình ở Bằng Khánh làm giàu từ cây rau màu, nhiều hộ gia đình làm 2 vụ lúa, 3 vụ màu cho thu nhập cao, vươn từ hộ đói nghèo thành hộ khá như hộ anh Hoàng Văn Thuận, Hoàng Văn Quân thôn Tắng Mật.
Nhìn ruộng rau của chị Lý Thị Hòa mới thấy quý từng tấc đất, mỗi luống chị đều tận dụng tối đa các khoảng đất trống, sắp xếp hợp lý từng loại rau. Quy hoạch cả hệ thống tưới vì vậy trông vườn rau của chị đã có dáng dấp sản xuất hiện đại. Chúng tôi hỏi chị Hòa: tết không nghỉ thăm bạn bè, họ hàng mà toàn ngoài ruộng có sợ bị trách không? Chị Hòa cười thật hiền, trồng rau mất thời gian lắm nhưng vẫn tranh thủ đi chơi hội, thăm họ hàng, nhà nông mà không làm cứ thấy nó buồn chân, buồn tay. Tết thì mình bớt đi vài tiếng để chúc tết là tốt rồi. Có lúc đi chơi xa thấy người ta bỏ ruộng không trong khi mình ít đất tiếc lắm. Nói rồi chị lại quay lại với những luống rau mơn mởn rung rinh trước gió xuân.
Giờ đây, cùng với Nà Chuông, Gia Cát, Tân Liên, Bằng Khánh cũng trở thành một địa chỉ cung cấp rau an toàn cho thành phố Lạng Sơn. Hơn thế gần đây rau, củ đậu, ớt Bằng Khánh đã trở thành món quà cho du khách gần xa. Cũng từ đây hình thành những nông dân thời tiền công nghiệp, sản xuất theo hướng hàng hóa, biết phát huy hiệu quả của chuyển dịch cây trồng, việc chuyển đổi nghề của họ chính là từ thuần nông sang kết hợp với dịch vụ. Họ đang vươn lên bằng sự cần cù, bằng lao động không ngừng nghỉ kể cả ngày lễ tết.
Khi chia tay với những người nông dân không nghỉ tết, chúng tôi cứ nhớ mãi hình ảnh và câu nói của chị Hòa: “Chúng tôi đón tết cả ở nhà và trên đồng, như thế đất mới không phụ công người”.
NGUYỄN BẮC - NHƯ TRANG
![](https://mediabls.mediatech.vn/assets/images/load3.gif)
Ý kiến ()