Nơi tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số
Học sinh Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc trong giờ học môn Tin học.
Trong môi trường giáo dục chuyên biệt, đặc thù, nhà trường đã nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, trở thành “địa chỉ đỏ” tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số.
Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc hiện đang nuôi, dạy, đào tạo hơn hai nghìn học sinh, sinh viên người dân tộc thiểu số (DTTS) các tỉnh miền núi, biên giới từ Quảng Bình trở ra. Từ năm học 2005 – 2006 nhà trường được giao thêm nhiệm vụ đào tạo hệ phổ thông dân tộc nội trú cho học sinh dân tộc rất ít người, như Lự, Ngái, La Chí, La Hủ, Cờ Lao, Pu Péo, Lô Lô… với khoảng 40 đến 45 học sinh khối lớp 9 và lớp 10/năm học.
Với đặc thù học sinh là người DTTS do các tỉnh cử, cho nên khi mới nhập học, trình độ của các em không đồng đều, nhiều thói quen lạc hậu, thiếu kinh nghiệm sống, trình độ rất thấp, phát âm tiếng Việt còn chưa tròn vành rõ tiếng. Nhưng nhà trường xác định với phương châm vừa dạy vừa dỗ; vừa dạy vừa chú ý hạn chế để sửa chữa; vừa dạy chữ, vừa dạy nghề và hướng nghiệp cho học sinh. Đồng thời, lãnh đạo trường đã chỉ đạo các phòng chức năng, các tổ bộ môn và mỗi cán bộ, giáo viên xây dựng kế hoạch cụ thể, xây dựng chương trình giảng dạy theo hướng tiếp cận năng lực học sinh, đổi mới phương pháp, hình thức dạy học để phát huy tính chủ động, tích cực, tự học, sáng tạo nhằm mang lại hiệu quả cao trong giảng dạy; thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
Đối với học sinh dân tộc rất ít người, ngay từ khi mới nhập học, tổ tư vấn học sinh, sinh viên cùng với các bộ phận chức năng của nhà trường hướng dẫn các em những kỹ năng cơ bản nhất, như sử dụng các thiết bị, cách sống và sinh hoạt tập thể. Các giáo viên có trình độ chuyên môn cao, tâm huyết giảng dạy được bố trí để tạo cho các em có tâm lý thoải mái, không áp lực. Hằng tuần giáo viên lên lớp kèm cặp, phụ đạo riêng cho từng nhóm bốn, năm em còn thiếu hụt kiến thức để các em bắt kịp mặt bằng chung. Với hơn hai nghìn học sinh thuộc 32 dân tộc, đến từ 19 tỉnh, nhưng thể dục giữa giờ, thể dục buổi sáng của học sinh đều tăm tắp; khu ký túc xá sạch đẹp, gọn gàng; nhà ăn sạch sẽ, thoáng mát, cung cấp đủ dinh dưỡng cho học sinh. Nhà trường cũng chú trọng củng cố tinh thần đoàn kết giữa các dân tộc, đồng thời giáo dục học sinh gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình thông qua mặc trang phục vào sáng thứ hai, những dịp lễ, Tết, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống.
Với tâm huyết, trách nhiệm, thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng nuôi, dạy học sinh tạo nguồn cán bộ dân tộc thiểu số, những năm gần đây 100% học sinh lớp 9 đều đỗ tốt nghiệp và lên lớp 10; 100% học sinh khối lớp 12 đều đỗ tốt nghiệp trung họp phổ thông và vào học các trường cao đẳng, đại học, dự bị đại học. Tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia năm học 2018 – 2019, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc có 16 học sinh được công nhận học sinh giỏi quốc gia, trong đó có ba giải nhất môn Ngữ văn và môn Địa lý, bốn giải nhì, ba giải ba.
Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc Lục Thúy Hằng cho biết: Sự tâm huyết, trách nhiệm, phương pháp giảng dạy đúng của nhà trường đã phát huy tốt khả năng của các em, kết quả thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia và các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh cao đẳng, đại học cho thấy điều đó.
Đến nay, sau hơn 60 năm hình thành và phát triển, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã đào tạo, nuôi dưỡng hơn 40 nghìn học sinh DTTS, trong đó có hơn 600 học sinh dân tộc rất ít người.
Ý kiến ()