Nơi ra đời những con tàu không số
Đường Hồ Chí Minh trên biển - tuyến đường chưa từng có trong lịch sử hàng hải thế giới. Trên tuyến đường này, từ năm 1962 đến năm 1972, bằng tàu gỗ, rồi đến tàu sắt 50 tấn, 100 tấn, 150 tấn..., cán bộ, chiến sĩ Đoàn 125 Hải quân đã vận chuyển 5.713 tấn vũ khí, trang bị và gần 300 cán bộ các cơ quan Trung ương và Quân đội vào chi viện cho chiến trường miền nam. Trong trang sử hào hùng đó, có những đóng góp to lớn và lặng lẽ của những người thợ đóng tàu Hải Phòng.Ngày 20-6-1962, đại diện Bộ Quốc phòng ký với Bộ Giao thông vận tải một hợp đồng đóng mới bốn chiếc tàu vỏ gỗ gắn máy có trọng tải 30 tấn theo kiểu dáng thuyền của ngư dân miền nam. Điều quan trọng là việc đóng tàu này phải tuyệt đối bí mật, thợ đóng tàu được lựa chọn kỹ càng và chỉ biết cần nhanh chóng hoàn thành công việc, mà không biết đóng tàu cho ai, để làm gì. Công việc này được giao cho Xưởng đóng tàu I. Chỉ sau hai tháng nỗ lực phấn...
Ngày 20-6-1962, đại diện Bộ Quốc phòng ký với Bộ Giao thôngvận tải một hợp đồng đóng mới bốn chiếc tàu vỏ gỗ gắn máy có trọng tải 30 tấn theo kiểu dáng thuyền của ngư dân miền nam. Điều quan trọng là việc đóng tàu này phải tuyệt đối bí mật, thợ đóng tàu được lựa chọn kỹ càng và chỉ biết cần nhanh chóng hoàn thành công việc, mà không biết đóng tàu cho ai, để làm gì. Công việc này được giao cho Xưởng đóng tàu I.
Chỉ sau hai tháng nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thiếu thốn, Xưởng đóng tàu I đã hoàn thành và bàn giao bốn tàu vỏ gỗ cho quân đội. Đêm 11-10-1962, tàu Phương Đông I, một trong bốn chiếc tàu được đóng tại Xưởng do thuyền trưởng Lê Văn Một, Chính trị viên Bông Văn Dĩa chỉ huy cùng 11 cán bộ, chiến sĩ mang theo hơn 28 tấn vũ khí rời bến Vạn Sét (Đồ Sơn), lặng lẽ vượt sóng ra khơi. Đến sáng 19-10, tàu cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Chuyến tàu đầu tiên mở ra con đường trên biển nối hậu phương miền bắc và tiền tuyến lớn miền nam. Mở đầu trang sử hào hùng với biết bao chiến công chói lọi trên tuyến đường đã trở thành huyền thoại trên biển Đông. Xưởng đóng tàu I có từ thời thực dân Pháp, với cái tên Lục Lộ thủy, chuyên sửa chữa các loại tàu thủy, ca-nô, sà-lan, ô-tô, cần cẩu. Sau ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955), nơi đây được đổi tên là Ty Xưởng máy, rồi Xưởng đóng tàu I, do Bộ Giao thôngvận tải quản lý. Xưởng đóng tàu I hiện nay thuộc Công ty Đóng tàu thuyền Hạ Long.
Thành công của các chuyến tàu gỗ vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền nam đã khẳng định chủ trương mở tuyến vận tải bí mật trên biển của Đảng là đúng đắn. Để tăng cường năng lực vận chuyển trong điều kiện thời tiết không thuận lợi, Quân ủy T.Ư quyết định trang bị tàu vỏ sắt cho Đoàn 759. Và nhiệm vụ đóng tàu vỏ sắt được giao cho Xưởng đóng tàu III. Trước năm 1955, Xưởng có tên gọi Công ty Sà-lan và kéo Đông Dương, nay là Công ty đóng tàu Tam Bạc thuộc Tổng Công ty CNTT Bạch Đằng. Khi đó, đội ngũ cán bộ, công nhân của Xưởng đóng tàu III phần lớn là cán bộ chiến sĩ quân giới chuyển ngành, hầu hết quê ở Quảng Nam, Quảng Ngãi được chọn rất kỹ, phần lớn là đảng viên và chính họ cũng không biết những con tàu mình được đóng trong thời gian gấp rút và có cấu trúc khác lạ đó dùng để làm gì, đi đâu. “Lạ” là ở chỗ, các tàu đều được thiết kế hai đáy, ở đáy tàu còn có cửa mở được, hai bên mạn tàu có ống sắt. Sau này, những người thợ ở đây mới biết đáy dưới để vũ khí, trên để lưới, câu, ngư cụ nghi trang, cửa dưới đáy tàu để khi có chuyện bất chắc xảy ra sẽ mở cho vũ khí rơi xuống biển, các ống sắt quanh tàu để chứa thuốc nổ khi cần phá hủy tàu… Ngày 8-2-1963, chiếc tàu sắt đầu tiên được đóng mới tại Xưởng đóng tàu III, có trọng tải 60 tấn được bàn giao cho Đoàn 692. Giữa tháng 3-1963, chiếc tàu chở theo 44 tấn vũ khí rời bến K15, Đồ Sơn vào Trà Vinh an toàn. Khi đó, cán bộ, công nhân của xưởng đã nỗ lực thi đua sản xuất, làm tăng ca, thêm giờ, tăng năng suất lao động… phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch. Lần lượt, năm chiếc tàu tiếp theo được hoàn thành trước tháng 10-1963, vượt kế hoạch ba tháng. Tàu đóng xong được đưa ra thử tải ở Bạch Long Vĩ và bàn giao tàu ở khu vực Hòn Dáu. Liên tục như vậy, các con tàu không số hiệu lần lượt được đóng mới, hạ thủy và bàn giao trong bí mật. Với những chiếc tàu sắt này, chỉ trong vòng một năm, Đoàn 759 đã chạy 22 chuyến vào Nam Bộ thành công, chở được 1.318 tấn vũ khí cho chiến trường.
Ông Phạm Quốc Hồng, người máy trưởng kỳ cựu trên tàu không số, hiện vềhưu tại Cảnh Dương, Quảng Trạch, Quảng Bình, nhớ lại: Cuối năm 1963, ông được xuống tàu chở 50 tấn vũ khí vào nam. Hôm đầu tiên xuống tàu, vốn là thợ máy, nhưng ông phải loay hoay mãi mới nổ được máy tàu. Nguyên do, tàu lắp loại máy mới của Ba Lan, không giống với những máy tàu của ta sử dụng khi đó. Sau sáu ngày trên biển, tàu đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau) an toàn. Ông và đồng đội trên tàu chỉ biết rằng tàu được đóng bởi những người thợ đóng tàu Hải Phòng.
Không chỉ có 46 con tàu không số được đóng ở Hải Phòng, mà trong những năm chiến tranh, những người thợ nơi đây đã cung cấp một khối lượng lớn phương tiện vận tải, góp phần bảo đảm giao thông thôngsuốt như: cầu phao công binh trên tuyến Bắc Nam, các tàu chiến đấu, tàu rà phá bom bằng từ trường, tàu phá thủy lôi, cầu cáp vượt Trường Sơn… Phát huy truyền thống Anh hùng năm xưa, những người thợ đóng tàu Hải Phòng hôm nay đã và đang nỗ lực phấn đấu vươn lên, khẳng định vị trí, năng lực và quyết tâmcủa ngành đóng tàu Hải Phòng.
Theo Nhandan
Ý kiến ()