LSO-Theo tư tưởng về đoàn kết toàn dân cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 đã chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất (MTDTTN) với tên gọi là Hội Phản đế đồng minh An Nam và thông qua Điều lệ của hội. Đây là hình thức MTDTTN đầu tiên được Đảng định ra. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (10-1930) bổ sung và cụ thể hóa thêm chủ trương lập MTDTTN của hội nghị thành lập Đảng. Ngày 18 -11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế đồng minh. Từ sau hội nghị thành lập Đảng, do cao trào cách mạng nổ ra nhanh chóng, tiếp đó phong trào bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt nên MTDTTN không được hình thành về mặt tổ chức. Tuy nhiên, cao trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân cả nước mà nòng cốt là khối liên minh công nông từ giữa năm 1930 đến năm 1931 đã hình thành trên thực tế phong trào MTDTTN. Cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao...
LSO-Theo tư tưởng về đoàn kết toàn dân cứu nước của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hội nghị thành lập Đảng đầu năm 1930 đã chủ trương thành lập Mặt trận dân tộc thống nhất (MTDTTN) với tên gọi là Hội Phản đế đồng minh An Nam và thông qua Điều lệ của hội.
Đây là hình thức MTDTTN đầu tiên được Đảng định ra. Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng (10-1930) bổ sung và cụ thể hóa thêm chủ trương lập MTDTTN của hội nghị thành lập Đảng. Ngày 18 -11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra chỉ thị về vấn đề thành lập Hội Phản đế đồng minh.
Từ sau hội nghị thành lập Đảng, do cao trào cách mạng nổ ra nhanh chóng, tiếp đó phong trào bị thực dân Pháp đàn áp khốc liệt nên MTDTTN không được hình thành về mặt tổ chức. Tuy nhiên, cao trào cách mạng của các tầng lớp nhân dân cả nước mà nòng cốt là khối liên minh công nông từ giữa năm 1930 đến năm 1931 đã hình thành trên thực tế phong trào MTDTTN. Cao trào cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc tổng diễn tập đấu tranh giành chính quyền đầu tiên của nhân dân ta. Thời kỳ thoái trào cách mạng, Trung ương Đảng ra bản Chương trình hành động của Đảng Cộng sản Đông Dương (6-1932), trong đó đề ra những hình thức tổ chức và đấu tranh để giữ gìn và phát triển phong trào mặt trận. Nhờ sự chỉ đạo kịp thời của Đảng, phong trào tuy có bị tổn thất, nhưng các tổ chức quần chúng vẫn được duy trì và mở rộng. Đại hội đại biểu lần thứ nhất của Đảng (3-1935) đã xác định công tác tranh thủ rộng rãi quần chúng là một nhiệm vụ “trung tâm, căn bản, cần kíp của Đảng hiện thời”.
|
Nhân dân thôn Bản Sảng xã Quốc Khánh (Tràng Định) làm đường giao thông nông thôn – Ảnh: Phan Cầu |
Từ tháng 7-1936, thực hiện sự chuyển hướng chiến lược cách mạng của Quốc tế Cộng sản và căn cứ vào tình hình thực tiễn trong nước, Ban lãnh đạo của Đảng đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, chủ trương thành lập Mặt trận Dân chủ, tập hợp lực lượng đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít, chống phản động thuộc địa, chống chiến tranh. Phong trào dân chủ nổ ra rất mạnh mẽ, trở thành một cao trào cách mạng mới kéo dài từ giữa năm 1936 đến gần cuối năm 1939 với nhiều hình thức tổ chức và đấu tranh, giành được nhiều thắng lợi trong việc đòi quyền dân sinh, dân chủ. Cao trào đấu tranh dân chủ 1936-1939 là cuộc tổng diễn tập thứ hai của nhân dân ta trong đấu tranh giành chính quyền. Tháng 9-1939, Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, nước Pháp bị lôi cuốn vào cuộc chiến tranh. Thực dân Pháp ở Đông Dương mở cuộc tấn công vào Đảng Cộng sản và phong trào quần chúng; đồng thời chúng vơ vét nhân tài, vật lực ở Đông Dương ném vào cuộc chiến tranh đế quốc. Đời sống các tầng lớp nhân dân ta lâm vào cảnh cùng cực. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương tháng 11-1939 đã kịp thời chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, đặt nhiệm vụ giải phóng dân tộc lên hàng đầu. Trung ương Đảng chủ trương phải nhanh chóng tổ chức quần chúng thành Mặt trận thống nhất dân tộc phản đế, bao gồm tất cả các lực lượng có tinh thần chống đế quốc, giải phóng dân tộc. Hội nghị Trung ương Đảng tháng 11-1940 tiếp tục chủ trương của hội nghị Trung ương tháng 11-1939. Đến năm 1941, tình hình thế giới và trong nước đã có nhiều chuyển biến, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng. Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương họp (5-1941) tiếp tục hoàn chỉnh tư tưởng của hai hội nghị Trung ương trước đó.
Hội nghị khẳng định chuẩn bị khởi nghĩa là nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng, toàn dân; lực lượng cách mạng giải phóng dân tộc là: “tất cả các tầng lớp, các giai cấp, các đảng phái, các dân tộc, các tôn giáo có tinh thần chống Pháp, Nhật, muốn độc lập cho đất nước, thành một mặt trận cách mạng chung”. Theo đề nghị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, hội nghị quyết định thành lập MTDTTN lấy tên là Việt Nam độc lập đồng minh, gọi tắt là Việt Minh. Tháng 10-1941, Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình, Điều lệ. Đây là lần đầu tiên, một MTDTTN có hệ thống tổ chức thống nhất từ Tổng bộ đến các kỳ, các tỉnh và tới các làng bản, với nhiều tổ chức chính trị yêu nước và các đoàn thể cứu quốc tham gia. Trong cao trào chống Nhật cứu nước, các hội cứu quốc phát triển nhanh chóng, thanh thế của Việt Minh càng mở rộng. Khi Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), Trung ương Đảng ra chỉ thị Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta, phong trào cách mạng dâng lên mạnh mẽ. Tháng 5-1945, phát xít Đức bị tiêu diệt, ngày 14-8-1945, Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Đồng minh. Thời cuộc chuyển biến mau lẹ, thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã tới. Lãnh tụ Hồ Chí Minh kêu gọi đồng bào tiến lên dưới cờ Việt Minh “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào chủ trương lãnh đạo toàn dân khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc. Tiếp theo, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Đại hội quốc dân Tân Trào. Đại hội thông qua lệnh khởi nghĩa và 10 chính sách của Việt Minh, quyết định Quốc kỳ, Quốc ca, cử Ủy ban Giải phóng dân tộc, tức Chính phủ lâm thời do cụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Theo lời hiệu triệu của Việt Minh và lệnh của Ủy ban Khởi nghĩa, nhân dân cả nước vùng lên khởi nghĩa, chỉ trong vòng 2 tuần lễ, đã giành chính quyền trong cả nước, cuộc Cách mạng Tháng Tám thắng lợi hoàn toàn. Trải qua 15 năm vừa đấu tranh vừa xây dựng dưới sự lãnh đạo của Đảng, MTDTTN với nhiều hình thức tổ chức, hình thức đấu tranh đã hoàn thành sứ mệnh cao cả của mình, là nơi quy tụ sức mạnh toàn dân tộc đấu tranh lật đổ ách thống trị của đế quốc, phong kiến, giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, giành quyền làm chủ về tay nhân dân.
Thực tiễn đã cho thấy, MTDTTN đóng một vai trò quan trọng trong lịch sử cách mạng nước ta. Đó là một trong những nhân tố đưa đến thắng lợi của cách mạng Việt Nam, là nơi tập hợp, đoàn kết để nhân dân ta phát huy sức mạnh tổng hợp trong cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do trước đây và trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN hiện nay.
Đức Hiệp
Ý kiến ()