LSO- Ông Bí thư Đảng ủy xã Nhất Hòa, huyện Bắc Sơn hoài cổ: ngày trước, cũng mùa này quýt rộ, chín vàng cả núi rừng Nhất Hòa. Hai bên đường trục chính, quýt căng mọng, trĩu cành. Nhưng ngày ấy cách đây đã xa lắm rồi, vùng quýt Nhất Hòa giờ thu hẹp đến nỗi có người bảo chẳng bao lâu nữa, Nhất Hòa hết quýt. Ông Dương Hữu Lên (Nhất Hòa, Bắc Sơn) thu hoạch quýt.Trong những năm qua, nông dân Nhất Hòa đã rất năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là tăng mạnh diện tích ngô và lạc. Có gia đình thu được gần 80 triệu đồng/vụ ngô. Phát triển sản xuất để xây dựng nông thôn mới thì có nhiều hướng, nhưng dân vùng quýt vẫn đau đáu một điều, làm thế nào để phát triển sản xuất gắn liền với phát triển loại cây đặc sản của địa phương? Guồng chân vượt đèo Lân Mạ, chúng tôi đi thăm vườn quýt Ta Noi, nơi nổi tiếng toàn vùng trong suốt những thập niên 80 của thế kỷ trước. Thời kỳ hoàng kim của vùng quýt Nhất Hòa phải kể tới...
LSO- Ông Bí thư Đảng ủy xã Nhất Hòa, huyện Bắc Sơn hoài cổ: ngày trước, cũng mùa này quýt rộ, chín vàng cả núi rừng Nhất Hòa. Hai bên đường trục chính, quýt căng mọng, trĩu cành. Nhưng ngày ấy cách đây đã xa lắm rồi, vùng quýt Nhất Hòa giờ thu hẹp đến nỗi có người bảo chẳng bao lâu nữa, Nhất Hòa hết quýt.
Ông Dương Hữu Lên (Nhất Hòa, Bắc Sơn) thu hoạch quýt.
Trong những năm qua, nông dân Nhất Hòa đã rất năng động trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đặc biệt là tăng mạnh diện tích ngô và lạc. Có gia đình thu được gần 80 triệu đồng/vụ ngô. Phát triển sản xuất để xây dựng nông thôn mới thì có nhiều hướng, nhưng dân vùng quýt vẫn đau đáu một điều, làm thế nào để phát triển sản xuất gắn liền với phát triển loại cây đặc sản của địa phương? Guồng chân vượt đèo Lân Mạ, chúng tôi đi thăm vườn quýt Ta Noi, nơi nổi tiếng toàn vùng trong suốt những thập niên 80 của thế kỷ trước. Thời kỳ hoàng kim của vùng quýt Nhất Hòa phải kể tới dấu mốc năm 1986, khi vườn quýt Ta Noi xuất khẩu những sản phẩm đầu tiên sang Liên Xô. Cho đến tận bây giờ, đây vẫn là niềm tự hào của người dân Nhất Hòa. Thì bởi, ai đã đến Liên Xô lần nào, nước ấy vĩ đại ra sao cũng chẳng ai mường tượng nổi, nhưng chắc chắc một điều, nhân dân nơi ấy họ đã được thưởng thức hương vị đặc sản và biết tới Nhất Hòa, tới Bắc Sơn.
Miên man với những suy nghĩ xưa ấy, chúng tôi chợt giật mình bởi đã đứng trước vườn quýt Ta Noi tự lúc nào. Mặc dù anh cán bộ xã đã nói từ trước, rằng vườn quýt đã hỏng từ lâu, nhưng tôi vẫn thấy bàng hoàng. Khu vườn nổi tiếng khi xưa ấy, giờ đây chỉ còn lại dăm khóm chuối xen giữa những cây quýt đã chết khô và vài đám dã quỳ lạc lõng. Ông Dương Hữu Hiệp, Bí thư Đảng ủy xã cười buồn: chẳng phải riêng vườn quýt Ta Noi đâu, trong vòng chục năm trở lại đây quýt Nhất Hòa cứ thoái hóa, sâu bệnh rồi chết dần, chết mòn, có năm cả chục vườn cùng phải chặt để trồng ngô, trồng lạc. Theo thống kê của địa phương, thời điểm này, diện tích quýt ở Nhất Hòa chỉ còn lại khoảng 20ha và vẫn tiếp tục bị thoái hóa, sâu bệnh, loại cây ăn quả đặc sản, vốn được coi là thế mạnh để phát triển kinh tế, nay đứng trước nguy cơ biến mất.
Người dân Nhất Hòa (Bắc Sơn) trồng chuối xen vườn quýt để tạo bóng.
Với gần 40 năm kinh nghiệm, ông Dương Hữu Lên được coi là một trong những “nghệ nhân” về trồng quýt. Giờ đây, trong vùng cũng chỉ có vườn quýt của ông ở Lân Danh là lớn nhất với hơn 500 gốc đang cho thu hoạch. Ông Lên trải lòng: diện tích quýt bị thu hẹp, tôi cũng xót lắm, nhưng chính gia đình tôi, trước có hơn nghìn gốc, nay cũng bị chết hơn nửa. Theo cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương và kinh nghiệm của những người trồng quýt lâu năm, hiện tượng thoái hóa ấy là do biến đổi khí hậu và đặc biệt là mất rừng. Những năm trước kia, khi Nhất Hòa còn bạt ngàn rừng tự nhiên, người ta ươm quýt, chỉ mất 4 năm để cây bói quả và sau đó là cho năng suất đều đặn hàng mấy chục năm. Nhưng nay, nếu trồng mới, cây chưa kịp bói quả đã chết, như trường hợp nhà ông Bí thư Đảng ủy xã chẳng hạn. Mấy năm trước gia đình đầu tư trồng lại vài chục gốc, chẳng ngờ chết gần hết, những cây còn sót lại thì cũng chỉ bói quả 1 vụ rồi vàng lá, chết từ ngọn trở xuống.
Hơn 500 gốc quýt của ông Lên còn tồn tại và cho thu hoạch đến bây giờ cũng là do ông giữ được rừng trên dãy núi đá bao quanh khu vườn. Một phần nữa cũng phải nhờ đến những “kỹ năng” khác như trồng xen chuối, mai với quýt để tạo bóng, giữ độ ẩm. Nhưng chất lượng quả cũng không thể bằng được như khi còn rừng – ông Lên cho biết. Trao đổi về vấn đề này, ông Dương Thời Thịnh, Trưởng phòng NN&PTNT huyện khẳng định: không phải riêng vùng quýt truyền thống Nhất Hòa đang bị thoái hóa mà các địa phương khác như Bắc Sơn, Quỳnh Sơn, Nhất Tiến…cũng trong tình trạng tương tự, mà nguyên nhân chủ yếu được xác định là biến đổi khí hậu, suy giảm sinh thủy do mất rừng. Đã có rất nhiều những nghiên cứu để phục tráng quýt Bắc Sơn, thậm chí có cả xây dựng vùng quýt sạch bệnh, rồi ý tưởng xây dựng chỉ dẫn địa lý, tạo dựng thương hiệu. Nhưng thực tế vùng quýt vẫn đang dần bị thu hẹp. Và, người dân vẫn đau đáu một điều, phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, nhưng làm sao để gắn liền với phục tráng, phát triển loại cây đặc sản?
Vũ Như Phong
Ý kiến ()