Nỗi niềm giáo viên mầm non hợp đồng
(LSO) – Công việc vất vả, đồng lương ít, không yên tâm công tác là những nỗi niềm của những giáo viên mầm non hợp đồng (GVMNHĐ) ở Lạng Sơn. Tuy vậy bằng tình yêu nghề, mến trẻ, các cô vẫn tâm huyết, vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt vai trò “người mẹ thứ hai” của trẻ mẫu giáo.
Nhiều thiệt thòi
Cô giáo Lê Minh Phương, Trường Mầm non 8/3 đã có 10 năm làm GVHĐ tại Trường Mầm non Hoa Sữa và Trường Mầm non 8/3 (thành phố Lạng Sơn). Ngày nào cô cũng đều đặn có mặt ở trường từ 7 giờ đến 17 giờ, có nhiều ngày đi sớm về muộn hơn. Công việc của cô ngoài việc cho trẻ học tập, vui chơi, ăn, ngủ còn phải chuẩn bị giáo án, đồ dùng, đồ chơi học tập nên hơn 10 tiếng đồng hồ trên lớp, cô chỉ đủ thời gian dạy và chăm sóc các bé. Việc soạn giáo án, làm đồ dùng, đồ chơi, cô Phương thường xuyên tranh thủ làm ở nhà vào buổi tối và ngày nghỉ.
Cô Phương kể: “Từ năm 2008 đến 2016, tôi chỉ được hưởng lương bậc 1 hệ trung cấp. Từ năm 2016 đến nay, sau khi ký hợp đồng lại thì tôi được hưởng lên bậc 1 trình độ cao đẳng. Mỗi tháng trừ các chi phí, tôi chỉ thực lĩnh gần 3 triệu đồng”.
Giáo viên hợp đồng Trường Mầm non 8/3 (thành phố Lạng Sơn) cho trẻ ăn trưa
Mặc dù đảm đương nhiều công việc, song GVMNHĐ trong tỉnh chịu nhiều thiệt thòi vì không được thực hiện đầy đủ chế độ, chính sách. Việc chuyển xếp lương cho GVMNHĐ theo Nghị định 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018 của Chính phủ bị chậm khiến nhiều GVMNHĐ có thời gian công tác lâu năm nhưng vẫn giữ ở mức lương khởi điểm; có GVMNHĐ có trình độ đại học, cao đẳng nhưng vẫn hưởng lương trình độ trung cấp… Năm học 2018 – 2019, UBND các huyện, thành phố ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) đối với 441 GVMN. Trong tổng số này chỉ có 46 GVMNHĐ được chuyển xếp lương, còn 395 GVMNHĐ chưa được chuyển xếp và nâng bậc lương.
Năm học 2018 – 2019, Lạng Sơn có 4.687 GVMN biên chế; 441 GVMNHĐ (trong định mức được UBND tỉnh phê duyệt) và 166 GVMNHĐ mùa vụ đang công tác tại 233 trường mầm non công lập. |
Hay như tại huyện Chi Lăng, GVMNHĐ không được hưởng đầy đủ chế độ, chính sách theo quy định, thậm chí do thiếu nguồn ngân sách nên thường bị trả lương chậm những tháng cuối năm. Do nguồn kinh phí hạn hẹp, GVMNHĐ tại huyện Đình Lập không được hưởng chính sách thu hút. Tại Lộc Bình, nhiều GVMNHĐ lao động mùa vụ và công tác tại địa bàn vùng sâu, vùng xa…
Hướng giải quyết
Bà Vũ Thị Lan Anh, Phó Trưởng Phòng Tổ chức cán bộ, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết: Việc chuyển xếp, nâng bậc lương chậm bao lâu thì GVMNHĐ sẽ bị chậm nâng lương các kỳ lần sau bấy nhiêu. Việc các chế độ, chính sách không được hưởng đầy đủ làm cho GVMNHĐ thu nhập thấp hơn. Hơn thế, GVMNHĐ chỉ ràng buộc bởi 1 HĐLĐ không phải biên chế thì khi đơn vị sự nghiệp không còn nhu cầu sử dụng sẽ bị chấm dứt hợp đồng. Những lý do trên khiến GVMNHĐ không yên tâm công tác, nhiều cô do đồng lương thấp và áp lực công việc đã phải nghỉ việc. Theo tổng hợp từ Sở GD&ĐT, từ năm học 2016 – 2017 đến nay, toàn tỉnh đã có 117 GVMNHĐ xin thôi việc, nhiều nhất là tại huyện Cao Lộc 55 trường hợp, Văn Lãng 30 trường hợp, Hữu Lũng 20 trường hợp…
“Địa bàn công tác xa thị trấn gần 20 km, đồng lương ít ỏi, trừ tiền xăng xe thì mỗi tháng tôi chỉ dành được hơn 2 triệu đồng. Nhiều lúc có suy nghĩ muốn bỏ nghề nhưng bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, tôi cố gắng bám trụ, hy vọng sau này chế độ ổn định hơn”. Cô Ngô Thị Thu Hà, GVMNHĐ Trường Mầm non xã Đông Quan, huyện Lộc Bình |
Để thực hiện đúng chế độ, chính sách đối với GVMNHĐ, ngày 18/7/2016, UBND tỉnh có công văn 683/UBND-NC “về việc thực hiện chế độ, chính sách đối với GVMN làm việc theo chế độ HĐLĐ”. UBND tỉnh chỉ đạo các cơ sở: GD&ĐT, nội vụ, tài chính và UBND các huyện, thành phố tuân thủ những quy định hiện hành về ký và chấm dứt hợp đồng, chi trả lương và chế độ, chính sách đối với GVMNHĐ tại các cơ sở mầm non công lập. Ngày 24/8/2018, UBND tỉnh có Công văn 801/UBND-NC “về việc ký HĐLĐ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn” trong đó chỉ đạo rõ việc thực hiện HĐLĐ đối với GVMN.
“Thời gian tới, Sở Nội vụ tiếp tục phối hợp với sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thành phố đánh giá công tác quản lý, sử dụng HĐLĐ tại các sơ sở giáo dục mầm non công lập; tăng cường phối hợp hướng dẫn các huyện, thành phố thực hiện đúng các chế độ, chính sách hiện hành đối với GVMNHĐ theo chỉ đạo của UBND tỉnh”. Bà Nguyễn Thị Hiền, Phó Giám đốc Sở Nội vụ |
Ý kiến ()