Nơi người phụ nữ gửi gắm niềm tin
Quỹ TYM đã giúp nhiều phụ nữ ở Hải Dương có vốn phát triển kinh tế. Năm 2012, Quỹ TYM (Tổ chức tài chính quy mô nhỏ Tình thương) do Hội LHPN Việt Nam thành lập tròn 20 tuổi. Một năm trước, TYM là tổ chức tài chính vi mô đầu tiên tại Việt Nam được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép, với sứ mệnh "cải thiện chất lượng cuộc sống phụ nữ nghèo thông qua hỗ trợ tín dụng và tiết kiệm, tạo cơ hội cho phụ nữ tham gia vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao vị thế của người phụ nữ".Tổng Giám đốc Quỹ TYM Hồ Thị Quý chia sẻ: "Sự kiện TYM trở thành tổ chức tài chính vi mô là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của quỹ, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với lĩnh vực tài chính vi mô nói chung và Quỹ Tình thương nói riêng, nhờ đó vị thế của Quỹ được nâng lên tầm cao mới. Đây là cơ hội để chúng tôi củng cố, mở rộng địa bàn, nâng cao chất lượng...
Quỹ TYM đã giúp nhiều phụ nữ ở Hải Dương có vốn phát triển kinh tế. |
Tổng Giám đốc Quỹ TYM Hồ Thị Quý chia sẻ: “Sự kiện TYM trở thành tổ chức tài chính vi mô là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của quỹ, thể hiện sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, xã hội đối với lĩnh vực tài chính vi mô nói chung và Quỹ Tình thương nói riêng, nhờ đó vị thế của Quỹ được nâng lên tầm cao mới. Đây là cơ hội để chúng tôi củng cố, mở rộng địa bàn, nâng cao chất lượng hoạt động nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính vi mô chuyên nghiệp và các hoạt động lồng ghép tới phụ nữ nghèo, góp phần thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo, nâng cao vị thế cho phụ nữ.”
Hiện nay, quỹ hoạt động trên địa bàn nông thôn và cận thành thị của 10 tỉnh miền bắc. Với 2.145 điểm giao dịch mở rộng tới tận thôn, xóm, thu hút 730 nghìn thành viên, dư nợ vốn của quỹ lên tới hơn 418 tỷ đồng, giúp gần 90 nghìn phụ nữ thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống. Các sản phẩm dịch vụ cung cấp tới các thành viên được đa dạng hóa theo từng năm, phù hợp thực tế và nguyện vọng, khả năng tham gia của hội viên. Đối với sản phẩm tín dụng, hiện quỹ cung cấp ba sản phẩm chính: vốn chung, vốn dài hạn, vốn đa mục đích với mức vay từ một đến 25 triệu đồng, kỳ hạn hoàn trả từ 20 tuần đến 70 tuần. Sự thay đổi này giúp thành viên có thêm cơ hội lựa chọn các dự án đầu tư. Do vậy, chỉ trong năm 2011, quỹ đã giải ngân 635 tỷ đồng cho gần 90 nghìn thành viên. Lượng vốn phát ra ngày càng tăng nhưng với cơ chế vay vốn món nhỏ, hoàn trả dần cùng với việc thẩm định chặt chẽ kết hợp các hoạt động lồng ghép đã giúp TYM luôn duy trì tỷ lệ hoàn trả cao, đạt 99,94%.
Với giấy phép của Ngân hàng Nhà nước, Quỹ Tình thương có cơ hội cải tiến sản phẩm tiết kiệm, giúp khách hàng gửi nhiều món nhỏ theo một quy trình gửi rút đơn giản, thiết thực với người nghèo. Chị Đinh Thanh Hải, cụm 6, chi nhánh Nghi Lộc, Nghệ An cho biết: ” Quỹ giúp chị em phụ nữ nghèo tiết kiệm được số tiền rất nhỏ từ 5.000 đồng. Nhiều người nói gửi bên ngoài lãi suất cao hơn, nhưng chẳng quỹ tiết kiệm hay ngân hàng nào nhận gửi mấy nghìn đồng cả. Hiện nay, 90% số hội viên trong cụm của tôi tham gia loại hình tiết kiệm tự nguyện không kỳ hạn từ 5.000 đồng đến 100 nghìn đồng/tuần. Số tiền này không chỉ giúp chúng tôi có một khoản mỗi khi cần chi tiêu mà còn tạo cơ hội cho nhiều chị em nghèo có cơ hội tiếp cận nguồn vốn”.
Đến với TYM, hàng chục nghìn thành viên thoát nghèo, trong đó hàng trăm gương mặt tiêu biểu trở thành những phụ nữ kinh doanh giỏi, có nhiều đóng góp xây dựng cộng đồng, hỗ trợ nhiều chị em khác vượt lên hoàn cảnh. Chị Nguyễn Thị Đông, thôn Thụy Hương, xã Phú Cường, huyện Sóc Sơn, Hà Nội là một tấm gương điển hình. Nhà nghèo, nuôi bốn con ăn học, vợ chồng chị xoay xở mãi mà vẫn không thoát cảnh khó khăn. Năm 1998, lần đầu chị vay từ quỹ 500 nghìn đồng mở quầy bán thức ăn chăn nuôi. Vừa mày mò tìm mối bán hàng, vợ chồng chị vừa tìm hiểu thị trường, vay thêm vốn anh em, họ hàng mở rộng kinh doanh. Chị tìm tới các công ty, đại lý thức ăn chăn nuôi, tìm hiểu công dụng của từng loại thức ăn, thuốc bảo vệ vật nuôi, cây trồng… cung cấp cho khách hàng, học hỏi kiến thức về chăn nuôi tư vấn cho khách hàng. Hiện nay, hệ thống cửa hàng gia đình chị mở rộng ra các xã lân cận và một số xã ở huyện Đông Anh, Mê Linh. Dần dần, chị đã mua các loại xe vận tải, máy móc phục vụ sản xuất thức ăn chăn nuôi. Nhớ lại những ngày tháng qua, chị Đông chỉ nói một câu: “Nhờ Quỹ TYM, gia đình tôi được đổi đời”.
Hội viên phụ nữ không chỉ tìm tới TYM vì nguồn vốn vay mà còn coi quỹ như một nơi để họ được chia sẻ những tâm tư trong cuộc sống, được phổ biến những chính sách, pháp luật cũng như kiến thức nuôi dạy con cái, xây dựng gia đình”. Để làm tròn sứ mệnh xã hội của mình, quỹ thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cấp hội cơ sở, khám sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho thành viên và con em của họ dưới sáu tuổi. Những con em thành viên học giỏi nhưng do hoàn cảnh khó khăn có nguy cơ phải bỏ học được Quỹ kịp thời trao học bổng, tiếp sức tới trường, tặng các em chăn ấm, xe đạp, nồi cơm điện. Ngoài ra Quỹ còn tổ chức dạy xóa mù chữ cho hàng trăm đối tượng phụ nữ dân tộc thiểu số ở xã miền núi Hưng Nguyên (Nghệ An); trao hàng nghìn suất quà cho thành viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong các dịp Ngày 8-3, 20-10, Tết Nguyên đán… Từ năm 2012, quỹ phát động chương trình tặng 20 mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo, trị giá mỗi căn 30 triệu đồng, lựa chọn mỗi năm 10 suất học bổng trị giá 200 triệu đồng tặng con em thành viên đỗ đại học.
Trong năm 2012, TYM tiếp tục cung cấp dịch vụ vi mô bền vững cho 95 nghìn phụ nữ nghèo, thu nhập thấp, đặc biệt quan tâm phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ sống chung hoặc chịu ảnh hưởng bởi HIV/AIDS, nhằm mục đích giảm kỳ thị trong cộng đồng. Bên cạnh đó, từ tháng 6-2011, TYM bắt tay thực hiện chiến dịch tuyên truyền nhằm thúc đẩy và hình thành thói quen tiết kiệm trong cộng đồng với cơ chế tiết kiệm an toàn, thuận tiện, đồng thời nêu cao trách nhiệm xã hội của mỗi người dân, nhằm huy động tối đa quỹ tiết kiệm trong dân, tạo điều kiện cho nhiều chị em nghèo có cơ hội tiếp cận vốn.
Theo Nhandan
Ý kiến ()