Nơi nâng đỡ nỗi đau tột cùng
Đoàn cán bộ Trung tâm nhân đạo Hòa Bình thăm, tặng quà gia đình anh Mai Phú Hoạt. Qua hơn bốn năm thành lập (2007-2011), đến nay, Trung tâm nhân đạo Hòa Bình đã nuôi dạy và bảo trợ 307 trẻ em thiệt thòi, trong đó có 26 trẻ mồ côi, cơ nhỡ, không nơi nương tựa. Tháng 1-2010, trung tâm đã nhận nuôi thêm trẻ là nạn nhân chất độc da cam/ đi-ô-xin và hiện nay, trong tổng số 109 trẻ là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin, thì Thái Bình có 65 em, chiếm gần hai phần ba tổng số.Với khẩu hiệu "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người", trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng trăm nghìn thanh niên trai tráng Thái Bình đã lên đường nhập ngũ. Chiến tranh kết thúc, Thái Bình cũng trở thành một trong những tỉnh có số lượng người hy sinh, thương binh, bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin khá lớn. Chỉ tính riêng huyện Vũ Thư có 53 nghìn lượt thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau chiến tranh, toàn huyện có hơn 300 bà mẹ được phong danh hiệu...
Đoàn cán bộ Trung tâm nhân đạo Hòa Bình thăm, tặng quà gia đình anh Mai Phú Hoạt. |
Với khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hàng trăm nghìn thanh niên trai tráng Thái Bình đã lên đường nhập ngũ. Chiến tranh kết thúc, Thái Bình cũng trở thành một trong những tỉnh có số lượng người hy sinh, thương binh, bệnh binh và nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin khá lớn. Chỉ tính riêng huyện Vũ Thư có 53 nghìn lượt thanh niên lên đường bảo vệ Tổ quốc. Sau chiến tranh, toàn huyện có hơn 300 bà mẹ được phong danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Hơn sáu nghìn người mãi mãi không trở về, gần năm nghìn người là thương binh, bệnh binh, hơn một nghìn người bị nhiễm chất độc da cam, hiện đang được hưởng chế độ của Đảng, Nhà nước.
Cũng như bao thanh niên khác trong huyện Vũ Thư, anh Mai Phú Hoạt, sinh năm 1945, hiện sống tại số nhà 02/13, ngõ 83, đường Nguyễn Trãi, tổ 3 Phú Khánh, TP Thái Bình, lên đường nhập ngũ khi vừa tròn 19 tuổi. Với sức trẻ, anh cùng các đồng đội lăn lộn trên nhiều chiến trường. Đất nước giải phóng, anh lại tiếp tục sang giúp nước bạn Lào, rồi nước bạn Cam-pu-chia thoát thảm họa diệt chủng của chế độ độc tài Pôn Pốt.
Trở về đời thường năm 1990, anh Hoạt xây dựng gia đình với chị Phạm Thị Tuyển, người phụ nữ hiền hậu, chất phác cùng quê. Đứa con đầu Mai Thị Duyên ra đời năm 1977, cũng chính là lúc nỗi đau, nỗi bất hạnh đến với anh chị. Bị ảnh hưởng chất độc da cam từ bố, Duyên bị bệnh động kinh, không nói được, lại thường xuyên ốm đau cho dù gia đình, họ hàng, bạn bè và chính quyền địa phương tạo rất nhiều điều kiện, dành nhiều tiền của để anh chị đưa Duyên đi chữa trị nhưng không khỏi. Bốn năm sau (1981), lại một lần nữa bất hạnh ập đến với anh chị, khi đứa con thứ hai Mai Thị Diệu sinh ra, khắp thân người nổi mụn. Diệu chỉ ở với bố mẹ được sáu năm rồi vĩnh viễn ra đi. Với mong muốn có người chăm sóc mình và con khi tuổi già, năm 1990, anh chị đón nhận tin vui khi Mai Thị Huyền Trang ra đời. Một cô con gái lành lặn, khỏe mạnh và xinh xắn, là niềm vui, niềm hạnh phúc trào dâng trong anh chị. Trang thông minh, học giỏi và đã học năm thứ hai Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc, ước ao và hy vọng của anh chị lại một lần nữa bị sụp đổ. Năm 2010, cô sinh viên Huyền Trang bị đổ bệnh và em đã mất khi ở tuổi 20. Lật từng trang ảnh trong cuốn an-bum, chị Tuyển xúc động nói: Niềm hy vọng lớn nhất của vợ chồng chúng tôi nay không còn nữa, giờ chúng tôi phải gắng sống nuôi cháu Duyên. Giờ đây, tuổi chúng tôi cũng đã già, không biết nếu chẳng may có mệnh hệ gì thì cháu sống ra làm sao?
Vào những ngày cuối năm 2011, tin vui đến với gia đình vợ chồng anh Hoạt cùng các cựu chiến binh là nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin tỉnh Thái Bình, Trung tâm nhân đạo Hòa Bình, thuộc T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tổ chức khánh thành Văn phòng đại diện đặt tại huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Văn phòng đại diện ra đời là cầu nối giữa Trung tâm và các gia đình nạn nhân chất độc da cam/đi-ô-xin của tỉnh, để hỗ trợ chăm sóc và nhận nuôi dưỡng đến cuối đời con của những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn như gia đình anh chị Hoạt.
Theo Nhandan
Ý kiến ()