Nỗi mong mỏi xây dựng 'Ngân hàng gene' để trả lại tên cho các liệt sỹ
Hài cốt liệt sỹ rất khó để tồn tại được 40, 50 năm trong lòng đất, nếu không khẩn trương tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính thì sẽ ngày càng khó “trả lại tên” cho hơn 530.000 liệt sỹ.
Chiến tranh đã lùi xa gần một nửa thế kỷ, thế nhưng dư âm của nó vẫn còn âm ỉ trong mỗi gia đình, thân nhân các liệt sỹ chưa được quy tập hoặc chưa xác định được danh tính. Họ vẫn ngày đêm thầm mong, khắc khoải đợi chờ người cha, người chồng và người con của mình được trở về với quê hương, với đất mẹ.
Từ nhiều năm qua, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm và ưu tiên triển khai thực hiện. Tuy nhiên, nhiệm vụ này theo thời gian đang ngày càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử VietnamPlus, Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam đã chia sẻ những nỗi trăn trở xung quanh công tác quy tập hài cốt, xác minh danh tính liệt sỹ.
– Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin hiện nay?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Công tác cất bốc, quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sỹ là vấn đề mà Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, riêng đối với Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ Việt Nam cũng luôn xác định đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu.
Đất nước ta kết thúc chiến tranh gần 50 năm, có 1,2 triệu liệt sỹ đã ngã xuống nhưng vẫn còn hơn 530.000 liệt sỹ chưa quy tập được hoặc chưa xác định danh tính; trong đó có hơn 23.000 hài cốt liệt sỹ còn nằm lại rừng sâu, khe lạnh và ở cả chiến trường Lào và Campuchia. Do đó, công tác quy tập hài cốt và xác định danh tính liệt sỹ là một việc làm phải hết sức khẩn trương, bởi nếu không thì thân xác của các anh hòa tan vào lòng đất hết.
Tôi rất xót xa bởi sau nhiều lần tìm kiếm chứng kiến xương thịt đồng đội phai tàn, chỉ còn lại nắm đất đen. Trong 7 lần tôi sang Lào tìm hài cốt liệt sỹ, có 31 ngôi mộ tôi tìm được khi khai quật lên chỉ còn đất đen, không thể mang hài cốt trở về đành đắp lại nấm mộ cho các liệt sỹ.
Chiến tranh kết thúc đã lâu, những người trong cuộc cũng dần dần mất hết, số đang còn sống thì tuổi cao, sức yếu, không thể trở lại chiến trường xưa để tìm đồng đội. Năm tháng qua đi, địa hình, địa chất thay đổi rất nhiều, chưa nói đến việc chôn cất ban đầu trong chiến tranh rất sơ sài, không thể đánh dấu… là nguyên nhân khiến công tác quy tập hài cốt gặp rất nhiều khó khăn.
Hài cốt liệt sỹ mà tồn tại được 40, 50 năm trong lòng đất là rất khó nên nếu không tìm kiếm, không quy tập nhanh thì rất khó tìm lại 530.000 liệt sỹ để trả lại tên cho các anh.
– Để chạy đua với thời gian, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đang được triển khai thế nào, thưa ông?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Có rất nhiều biện pháp linh hoạt để tìm cách trả lại tên cho các anh. Ngoài phương pháp giám định ADN thì chúng tôi còn có các biện pháp khác nữa là phương pháp thực chứng, tìm cựu chiến binh ngày xưa cùng chiến đấu với các liệt sỹ, đã từng chôn cất các liệt sỹ, bây giờ nhớ vị trí đó, nhớ địa điểm đó, động viên họ cùng đi để xác định vị trí và tìm kiếm hài cốt liệt sỹ. Việc thứ hai chúng tôi đang làm là phương pháp loại trừ. Ví dụ trong một trận chiến đấu có 5 liệt sỹ hy sinh và đồng đội biết là 5 liệt sỹ này của đơn vị này thì chúng tôi đến đó để xác định.
Cách thứ ba là nhờ các cựu chiến binh quen biết, chắp nối với các cựu chiến binh của lính Mỹ. Tôi vừa làm việc với trường Đại học Havard của Mỹ và Viện Hòa bình Hoa Kỳ, họ cho biết có 3 triệu trang thông tin về các liệt sỹ Việt Nam, về những mộ chôn tập thể ở Việt Nam. Tôi hy vọng những thông tin ấy sẽ sớm được họ trả lại để chúng tôi tiến hành đi tìm kiếm, khai quật.
Cách đây một tháng, một hội viên của chúng tôi cũng đã kết hợp với một cựu binh Mỹ tiến hành khai quật ở Hoài Nhơn, Bình Định được 62 ngôi mộ liệt sỹ. Vẫn còn có thông tin ở Hoài Nhơn, Bình Định còn 120 hài cốt liệt sỹ nữa cũng chôn tập thể, hiện tại chúng tôi đang chắp nối để cố gắng tìm được thêm thông tin.
Mong mỏi hình thành “Ngân hàng gene”
– Càng về sau thì những trường hợp hài cốt liệt sỹ thiếu thông tin còn lại càng khó tìm kiếm, quy tập và xác định danh tính, theo ông đâu là việc cấp bách cần ưu tiên làm ngay lúc này?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Ngày nào chúng tôi cũng tiếp thân nhân gia đình liệt sỹ và thấm thía rằng nỗi buồn chiến tranh để lại khó nguôi ngoai. Nhiều gia đình đi tìm hài cốt liệt sỹ trong vô vọng khi chỉ có giấy báo tử ghi “hy sinh ở mặt trận phía Nam” mà không có tên đơn vị, không có địa điểm, không biết hy sinh cụ thể ở đâu. Đó là điều khiến chúng tôi rất trăn trở và rất mong muốn sớm hình thành được “Ngân hàng gene.”
Hiện nay, công tác thực chứng thuận lợi hơn giám định ADN. Muốn giám định và đối chiếu ADN thì trước tiên phải lấy mẫu phẩm từ hài cốt và thân nhân gia đình liệt sỹ. Thế nhưng nhiều mộ liệt sỹ khi khai quật không thể lấy được mẫu phẩm vì xương đã mủn hết, có những mẫu phẩm của liệt sỹ rõ nhưng thân nhân liệt sỹ không còn cũng đành phải để lại, không đối chiếu được.
Chính vì vậy, chúng tôi mong muốn Nhà nước sớm xây dựng “Ngân hàng gene,” với sự tham gia của các cơ quan như Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, cựu chiến binh các tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội các tỉnh, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ các tỉnh…
Khi có “Ngân hàng gene” thì chắc chắn các cấp sẽ phải vào cuộc làm các việc cụ thể như khai quật, lấy mẫu phẩm. Chúng ta chia ra làm 2 khu vực, đối với hài cốt liệt sỹ đã có trong các nghĩa trang thì Bộ Lao động, Bộ Y tế, Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ tham gia khai quật để lấy mẫu phẩm ở trong các nghĩa trang. Riêng Bộ Quốc phòng có 19 đội quy tập hài cốt liệt sỹ thì tiến hành song song tìm kiếm kết hợp lấy mẫu phẩm đi giám định ADN, có như vậy thì mới nhanh chóng xây dựng được “Ngân hàng gene.”
Tôi đã có kiến nghị với các cơ quan chức năng nên sớm thành lập “Ngân hàng gene” và triển khai quyết liệt trong 10 năm, bởi nếu còn kéo dài hơn nữa và không làm dứt điểm thì rất khó để trả lại tên các anh và không biết bao giờ mới kết thúc được việc tìm kiếm.
– Trong suốt những năm tháng hoạt động của Hội Hỗ trợ gia đình liệt sỹ, theo ông đâu là nỗi mong mỏi lớn nhất của thân nhân, gia đình liệt sỹ?
Trung tướng Hoàng Khánh Hưng: Hầu như tháng nào chúng tôi cũng đưa được các liệt sỹ về với đất mẹ. Trong hơn 11 năm qua, chúng tôi đã đưa hơn 1.000 liệt sỹ tại các nghĩa trang trên khắp cả nước, kể cả ở Lào, Camphuchia, các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, các tỉnh niềm Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Quảng Trị… về với đất mẹ và trả lại tên cho hơn 800 liệt sỹ.
Cho đến bây giờ, rất nhiều các mẹ vẫn còn trăn trở làm sao đưa được con mình về. Trong chiến tranh, họ sẵn sàng hiến dâng con em mình cho tổ quốc nhưng giờ đây khi hòa bình, họ mong mỏi người con đã hy sinh được đưa trở về.
Có những người mẹ lúc tôi đến thăm đã gần 100 tuổi, mẹ chỉ nói mẹ ước đưa được người thân về cho có mẹ có con. Điều ước rất giản dị nhưng cũng rất lớn lao, bởi nếu như tất cả không vào cuộc, xã hội không tích cực thì chúng ta khó có thể đáp ứng được niềm mong mỏi ấy của các mẹ.
– Xin cảm ơn ông!
Trong 8 năm, từ năm 2013 đến nay, toàn quốc đã tìm kiếm, quy tập được gần 17.000 hài cốt liệt sỹ, tiếp nhận hơn 38.000 mẫu hài cốt liệt sỹ và mẫu sinh phẩm thân nhân liệt sỹ; phân tích, lưu trữ ADN được hơn 23.000 mẫu; xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin được hơn 4.000 trường hợp… |
Ý kiến ()