Nơi lưu giữ và phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, cách mạng
LSO-Trong không khí tưng bừng của những ngày mùa thu lịch sử, khi cả nước đang hướng về ngày kỷ niệm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9; những tài liệu, hiện vật (HV) được trưng bày tại Bảo tàng tỉnh đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Các em học sinh say sưa tìm hiểu và ghi chép tư liệu lịch sử tại Bảo tàng tỉnh |
Bà Hà Thị Lư, Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết: Nhằm phát huy các giá trị văn hóa lịch sử và cách mạng, thời gian qua, các thế hệ cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh đã dày công nghiên cứu, sưu tầm, chỉnh lý bổ sung các tài liệu, tư liệu, HV và từng bước hoàn thiện các gian trưng bày. Hiện nay, số tài liệu, HV lưu giữ trong kho bảo quản tại bảo tàng lên đến 73.255 HV, gồm: 59.230 HV tham khảo và 14.025 HV đủ điều kiện trưng bày. Nhà trưng bày bảo tàng được sắp xếp khoa học và hợp lý với 3 chủ đề chính: “Lạng Sơn – Đất nước – Con người” .
Theo sự hướng dẫn của cán bộ bảo tàng, nơi chúng tôi đặt chân tới đầu tiên là gian khánh tiết được bài trí trang trọng và đẹp mắt cùng hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tư thế vẫy chào, phía sau là phần trưng bày HV về Bác với nhân dân Lạng Sơn. Tại gian trưng bày tầng 2 là chủ đề: “Lạng Sơn, vùng đất con người”, giới thiệu khái quát vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, nhân văn và các giá trị văn hóa truyền thống của nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Cuối cùng là phòng trưng bày tầng 3 với chủ đề “Lạng Sơn trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước”. Đây cũng là nơi giữ chân chúng tôi lâu nhất, bởi nguồn tài liệu, HV phong phú, đa dạng chứa đựng tầm vóc, ý nghĩa lớn lao, minh chứng cho tinh thần yêu nước, đấu tranh anh dũng của quân và dân Việt Nam để giành lại độc lập tự do cho dân tộc.
Theo dòng lịch sử, nhìn lại từ nền tảng phong trào đấu tranh cách mạng, có thể thấy Lạng Sơn là một trong những địa phương đi đầu trong đấu tranh, giải phóng dân tộc. Với nhiều chiến công được tái hiện sinh động qua hệ thống HV tư liệu, ảnh trưng bày như: tài liệu huấn luyện quân sự do ông Đỗ Văn Nháp soạn thảo tháng 4/1945 để huấn luyện cho bộ đội trước những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945; mệnh lệnh của Uỷ ban Kháng chiến 19/8/1945, sơ đồ phát triển đảng ở Lạng Sơn 1930 – 1945. Qua đó đã phản ánh kịp thời tình hình cách mạng của tỉnh, góp phần quan trọng trong việc tuyên truyền chủ nghĩa yêu nước; tập hợp và củng cố các lực lượng cách mạng trong tỉnh đứng lên giành chính quyền.
Bên cạnh đó, có rất nhiều HV quý cũng đang được lưu giữ tại bảo tàng như: quyển sách “Cách mạng tiên phong” mà đồng chí Hoàng Văn Thụ đã dùng nghiên cứu và tuyên truyền ở Lạng Sơn; chiếc nồi gang của ông La Thiểm Khơi ở bản Lùng, xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định dùng nấu cơm tiếp tế cho các đồng chí hoạt động cách mạng; tay nải do ông Hoàng Văn Quốc ở Lạng Sơn đã đưa cho các đồng chí Tường, Kiến dùng trong khi đi hoạt động cách mạng năm 1945; kiếm Nhật – chiến lợi phẩm thu được năm 1945 được quân ta sử dụng trong kháng chiến chống Pháp; cờ Tổ quốc dùng trong cuộc mít tinh Cách mạng tháng Tám thành công; phiếu bầu cử; thẻ cử tri…
Qua hệ thống HV của bảo tàng, phần nào giúp người xem hình dung được cuộc sống cực khổ của nhân dân Lạng Sơn dưới ách đô hộ của bọn thực dân, phong kiến trước cách mạng và sự phát triển của phong trào cách mạng Lạng Sơn thời kỳ tiền khởi nghĩa. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các chi bộ Đảng, nhân dân ở các địa phương trong tỉnh lần lượt đứng lên giành chính quyền. Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, cùng với nhân dân cả nước, Lạng Sơn nỗ lực bắt tay vào xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng.
Được tận mắt ngắm nhìn những HV lịch sử gắn liền với những ngày trọng đại của đất nước, em Liễu Thái Anh, học sinh lớp 8A1 Trường THCS Chi Lăng chia sẻ: “Sau khi tham quan những HV tại bảo tàng, em rất xúc động, vì để có được những chiến thắng vẻ vang, các thế hệ cha ông phải đánh đổi bằng sự hy sinh xương máu, là một người con của quê hương, em thấm thía và tự hào về điều đó”.
Có thể thấy, những HV được trưng bày tại bảo tàng giúp cho mỗi người hiểu rõ hơn về sự phấn đấu, hy sinh của các thế hệ cha ông chúng ta; đồng thời, góp phần giáo dục thế hệ trẻ thêm tự hào và hun đúc tinh thần, cố gắng rèn luyện thi đua học tập, tiếp tục xây dựng quê hương ngày một giàu đẹp hơn.
TUYẾT MAI
Ý kiến ()