Nơi lưu giữ những kỷ vật của đồng chí Lương Văn Tri và Đội Cứu quốc quân 1
(LSO) – Đồng chí Lương Văn Tri, người con ưu tú của quê hương xứ Lạng, hy sinh anh dũng khi tuổi đời còn rất trẻ. Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đến nay, các kỷ vật của cá nhân đồng chí không nhiều nhưng lại có khá nhiều di vật gắn với đồng đội của đồng chí ở Đội Cứu quốc quân 1, nơi đồng chí đã có những tháng ngày cùng hoạt động, chiến đấu gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang với tư cách là Chỉ huy trưởng, Chính trị viên của Đội.
Công tác sưu tầm, lưu giữ các di vật liên quan đến đồng chí Lương Văn Tri từ trước đến nay luôn gắn liền với quá trình sưu tầm các di vật lịch sử cách mạng của tỉnh, đặc biệt là hiện vật về cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn. Từ năm 1965, trong quá trình sưu tầm các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc khởi nghĩa Bắc Sơn đã có nhiều kỷ vật về Đội Cứu quốc quân 1 được sưu tầm trong thời gian này. Các tài liệu, hiện vật của Đội Cứu quốc quân 1 được lưu giữ, trưng bày tại: Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam), Bảo tàng Cách mạng (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam), Bảo tàng Việt Bắc (nay là Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam) và Bảo tàng tỉnh.
Người dân tham quan, tìm hiểu tại triển lãm chuyên đề “Lương Văn Tri – cuộc đời và sự nghiệp cách mạng” do Bảo tàng tỉnh tổ chức. Ảnh: TUYẾT MAI
Bảo tàng tỉnh Lạng Sơn là nơi lưu giữ nhiều kỷ vật cá nhân về người chiến sĩ Cách mạng Lương Văn Tri. Tại đây hiện có một số tư trang, đồ dùng sinh hoạt của đồng chí đã được người thân giữ lại và trao tặng cho bảo tàng như: hòm đựng đồ dùng cá nhân đồng chí đã sử dụng thời kỳ đi học Sơ học yếu lược tại Điềm He (1920 – 1923); áo the đồng chí đã mặc thời kỳ học ở Trường Tiểu học Pháp Việt Lạng Sơn (1924 – 1927); màn ngủ đồng chí đã dùng trong thời kỳ hoạt động ở Trung Quốc (1928 – 1930)…
Còn hiện vật về Đội Cứu quốc quân 1 gắn liền với hoạt động đồng chí Lương Văn Tri thì Bảo tàng khởi nghĩa Bắc Sơn là nơi lưu giữ nhiều nhất. Trong số đó, ý nghĩa nhất phải kể đến lá cờ đỏ sao vàng do Hội Phụ nữ phản đế Hà Nội may – thêu tặng Đội Cứu quốc quân 1 nhân dịp thành lập. Lá cờ này đã được đồng chí Hoàng Văn Thụ trao tặng đồng chí Lương Văn Tri – người được Trung ương cử làm Chỉ huy trưởng Đội Cứu quốc quân, trong ngày thành lập 14/2/1941 tại căn cứ Khuổi Nọi, xã Vũ Lễ. Cùng với đó là một số đồ dùng sinh hoạt liên quan đến đồng chí Lương Văn Tri và các chiến sĩ cứu quốc quân gồm: ấm nước đồng chí Lương Văn Tri đã dùng thời kỳ gây dựng và phát triển phong trào cách mạng ở Bắc Sơn (1938 – 1940); bát, đĩa các chiến sĩ cứu quốc quân đã sử dụng hằng ngày; thuổng các chiến sĩ cứu quốc quân đã dùng để làm lán trại ở căn cứ Khuổi Nọi; chõ Nhân dân Bắc Sơn đã sử dụng để đồ xôi tiếp tế cho Đội Cứu quốc quân 1… Một số hiện vật là phương tiện, vũ khí chiến đấu và tự vệ của các chiến sĩ cứu quốc như: súng kíp, bao đựng kiếm, chai đựng dầu lau súng, vỏ trai dùng để chế thuốc súng… Bên cạnh đó còn có các tài liệu như: sổ tay ghi chép chương trình hành động của Việt Minh, tài liệu công tác chính trị dùng để tuyên truyền cách mạng ở Bắc Sơn…
Một số tư trang, đồ dùng cá nhân của đồng chí Lương Văn Tri thời kỳ đi học và hoạt động cách mạng tại Lạng Sơn
Ở các bảo tàng khác, nhất là Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, hiện vật về du kích Bắc Sơn – Cứu quốc quân rất phong phú, đa dạng. Phần lớn là các hiện vật Đội Cứu quốc quân 1 đã dùng trong sinh hoạt và chiến đấu. Đặc biệt, ở Bảo tàng Lịch sử Quân sự hiện đang lưu giữ một khẩu súng ngắn của đồng chí Lương Văn Tri. Đồng chí đã sử dụng khẩu súng này trong quá trình hoạt động cách mạng từ năm 1936 đến năm 1939.
Những kỷ vật về đồng chí Lương Văn Tri và Đội Cứu quốc quân 1 là những di vật lịch sử chân thực phản ánh quá trình hoạt động, những cống hiến, đóng góp lớn lao của đồng chí Lương Văn Tri cùng đồng đội đối với cách mạng Việt Nam nói chung và phong trào cách mạng Lạng Sơn nói riêng, có ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước, khơi gợi lòng tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường, bất khuất của quê hương, đất nước cho mọi tầng lớp Nhân dân.
Ý kiến ()