Nơi lưu giữ lịch sử báo chí Việt Nam
Các nhà báo lão thành thăm Bảo tàng Báo chí Việt Nam.
Xây dựng Bảo tàng Báo chí Việt Nam là tâm huyết, là nguyện vọng tha thiết của nhiều thế hệ làm báo và của nhiều nhiệm kỳ Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam. Ðáp ứng nguyện vọng đó, ngày 28-7-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Bảo tàng Báo chí Việt Nam. Từ đó đến nay, Hội Nhà báo Việt Nam và các cán bộ, nhân viên bảo tàng đã trải qua hơn 1.000 ngày tích cực, bền bỉ với những công việc mới; sưu tầm được hơn 20 nghìn hiện vật quý ở khắp mọi vùng miền, mọi thế hệ, mọi loại hình báo chí…, ghi dấu những chặng đường lịch sử báo chí Việt Nam.
Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam Trần Kim Hoa cho biết: “Khi nhận nhiệm vụ quản lý, bản thân tôi cũng chưa hình dung được hết những thách thức mình phải đối mặt. Có lẽ, vì là một nhà báo, nên tôi đã tự động viên mình bằng những ý tưởng và quyết tâm trong việc tổ chức thực hiện. Rất may, tôi đã bị cuốn hút ngay từ khi vào cuộc, tiếp xúc với các nhà báo, với các hiện vật, tài liệu. Vì đó chính là những câu chuyện lịch sử, những số phận, những nghiệt ngã, khó khăn, vất vả, mồ hôi, nước mắt trong lao động và sáng tạo; là những cống hiến và sự hy sinh máu xương của các thế hệ nhà báo đi trước… Cứ thế, vừa học vừa làm, tôi và các cộng sự của mình luôn đặt phía trước một mục tiêu là luôn cố gắng làm hết sức mình”. Ban lãnh đạo bảo tàng đang triển khai nhiều công việc sau ngày khai trương với định hướng đưa các hoạt động bảo tàng đến với công chúng, để nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn, được khách du lịch biết đến. Tuy lực lượng cán bộ hạn chế, nhưng bảo tàng đang cố gắng tổ chức các hoạt động có chiều sâu, với nhiều sự kiện, triển lãm, trưng bày theo chuyên đề, giới thiệu những di sản và thành tựu của báo chí Việt Nam từ xưa đến nay và theo kịp dòng chảy báo chí đương đại.
Bảo tàng hiện trưng bày hơn 700 hiện vật tiêu biểu, thể hiện tiến trình lịch sử báo chí Việt Nam, sự đồng hành của báo chí với lịch sử dân tộc. Nội dung trưng bày gồm năm phần: Báo chí Việt Nam giai đoạn 1865 – 1925; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1925 – 1945; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1945 – 1954; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1954 – 1975; Báo chí Việt Nam giai đoạn 1975 đến nay. Các không gian trưng bày được bố trí trên diện tích gần 1.500 m2 và được khai thác triệt để trên các diện trưng bày khác nhau: trưng bày bằng giải pháp đồ họa trên đai vách; bằng hiện vật, tư liệu gốc và phục chế trong tủ, bục, giá, kệ, trục quay…; thông qua các giải pháp công nghệ phát thanh – truyền hình – số hóa để phục vụ tối đa nhu cầu tham quan. Với khối lượng tư liệu đồ sộ và không gian trải nghiệm sinh động, bảo tàng còn là địa điểm thuận lợi cho các sinh viên theo học ngành báo chí và yêu thích báo chí có thể thực tập sản xuất, hoàn thiện một sản phẩm báo chí từ báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử. Chính vì vậy, ngay khi đưa vào khai trương, Bảo tàng Báo chí Việt Nam cùng Học viện Báo chí Tuyên truyền, Viện đào tạo Báo chí và Truyền thông Ðại học quốc gia Hà Nội đã ký cam kết hợp tác đào tạo báo chí, đưa sinh viên đến gần với bảo tàng, biến bảo tàng thành trường học thứ hai.
Trong ngày khai trương bảo tàng, đã có nhiều thế hệ những người làm báo cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ đến tham quan như để trở lại một thời ký ức sôi động của cuộc đời, trong đó có nhiều nhà báo cao tuổi. Họ cũng chính là những nhân chứng sống động để các thế hệ làm báo trẻ hôm nay tìm hiểu, phỏng vấn. Nhà báo Nguyễn Thanh Bền, phóng viên Thông tấn xã Giải phóng thời chiến tranh chống Mỹ, cứu nước, người năm 1967 đã ngồi dưới hầm sao tỉ mỉ tấm bản đồ Sài Gòn – Gia Ðịnh phục vụ quân ta tiến vào Sài Gòn và có chùm ảnh đặc sắc về Ngày chiến thắng 30-4, nói: “Hơn 20 năm nay tôi mới ra Hà Nội. Tôi ra lần này để dự khai trương bảo tàng báo chí. Tôi rất xúc động và thấy đây là một ngôi nhà chung của các nhà báo, của riêng tôi, có một phần tôi trong đó”.
Bảo tàng Báo chí Việt Nam đã nhận được nhiều quan tâm của các cấp lãnh đạo Ðảng và Nhà nước, các ban, ngành cũng như sự chỉ đạo quyết liệt, tạo điều kiện thuận lợi của lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam. Bên cạnh đó là sự động viên, khích lệ và sự góp sức cụ thể bằng tư liệu, hiện vật, thông tin của các nhà báo, gia đình nhà báo, cộng tác viên báo chí, sự tiếp sức từ các bảo tàng, thư viện, khu di tích và đặc biệt là của các chuyên gia, cố vấn khoa học, đội ngũ tư vấn, thiết kế, thi công. Với sự chung tay góp sức ấy, ngôi nhà chung lưu giữ lịch sử của những người làm báo Việt Nam đã được khai trương đúng vào dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam mang lại niềm vui vô bờ bến cho những người làm báo nước nhà.
Ý kiến ()