Thứ 4, 25/12/2024 13:19 [(GMT +7)]
Nỗi lòng thầy cô nơi vùng núi Yên Sơn
Chủ nhật, 30/01/2011 | 16:23:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng là địa phương còn khó khăn, vất vả bởi những dãy núi cao, hiểm trở, cuộc sống người dân còn bộn bề, lo toan…Song với những thầy cô giáo nơi đây cái tâm với nghề, tình thương dành cho các em học sinh (HS) vùng núi nhiều thiệt thòi đã khiến họ sẵn sàng chấp nhận nỗi cơ cực để đổi lấy một tương lai tươi sáng hơn cho các em. Còn HS thì vẫn tiếp tục vượt núi, qua sông kiên trì trên con đường tìm chữ lắm chông gai.
Học sinh Trường THCS xã Yên Sơn chơi bắn bi |
Được tách từ năm 2007 song đến nay Trường THCS xã Yên Sơn vẫn còn chung cơ sở vật chất với trường tiểu học. Được đầu tư phòng học, nhà công vụ cho giáo viên từ chương trình 135, còn hầu hết các phòng chức năng, bãi tập đều trong tình trạng thiếu và xuống cấp. Nhiều dãy lớp đã trở nên cũ kĩ, tối và thấp, sân trường lởm chởm những đất, đá và bụi, HS thì vẫn phải học và chơi trong môi trường thiếu thốn ấy. Rất nhiều khó khăn cộng lại, nên nhiều hoạt động của trường còn hạn chế, ảnh hưởng phần nào đến việc thực hiện nhiệm vụ năm học, nhất là thực hiện tốt phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Nhà trường đã khó, các HS ở đây còn khó khăn hơn và phải nỗ lực rất nhiều trên con đường đến trường. Đa phần các em vẫn phải đi về trong ngày, chỉ số ít nhà quá xa thì ở trọ các gia đình cạnh trường. Có những HS nhà cách trường 3 cây số nhưng đường đi lại rất khó khăn, bởi các em phải trèo qua một quả núi mới đến được trường, đành ngậm ngùi vào lớp khi các bạn vừa học qua tiết 2. Thế nên mới có chuyện mùa khô đi lại tương đối dễ dàng, mùa mưa thì việc dạy và học của thầy và trò ở đây khó khăn gấp bội. Nước lên cao, những HS nhà bên kia sông phải nghỉ dài ngày, kế hoạch giảng dạy của nhà trường lại phải thay đổi cho phù hợp và bố trí dạy bù ngay khi có thể, để các em kịp theo được chương trình. Dưới ngôi trường này, sự “hy sinh” của các thầy cô khó có thể đếm được, ngay cả hạnh phúc riêng tư cũng chẳng mấy khi nghĩ tới. Đó là trường hợp thầy Phạm Đình Dương, hơn 30 tuổi, cao dáo, hiền lành nhưng thầy vẫn chưa tìm được một nửa của riêng mình. Đó là những “thầm lặng”, “lo âu” mỗi khi đợi HS đến lớp, là những lúc chở các em về khi bầu trời sầm sập tối, hay những lần cõng từng HS qua sông khi nước lên cao và cả những khi làm “phó nháy” đến tận thôn bản chụp ảnh cho các em làm thẻ dự thi tốt nghiệp… Mặc cho nhịp sống lặng lẽ và những cơn gió núi rừng lạnh lẽo, những người giáo viên như thầy Dương vẫn sống và làm việc bằng tất cả tình yêu nghề và tình cảm thầy trò dành cho lớp lớp HS nghèo khó nơi đây. Mà không chỉ riêng dạy chữ, thầy cô giáo ở đây còn là những người cha, người mẹ của các em. Nào là nhắc các em tự giác học bài, gần gũi, động viên các em có hoàn cảnh khó khăn an tâm học tập, không bỏ lớp, bỏ trường… Cô giáo Trần Thị Hiền, giáo viên dạy Hát nhạc tâm sự: nhiều khi trở trời, HS đến trường rất muộn, lo lắng quá, các thầy cô phải xuống tận chân đèo để đón các em. Có những em đi học từ 5 giờ sáng, mùa đông phải đốt đuốc nên cũng được quan tâm hơn như mua cơm trưa, mượn hoặc mua sách vở cho các em lên lớp…Tất cả đều xuất phát từ cái tâm và sự nhiệt tình nên dường như các thầy cô đều vượt qua mệt mỏi, khó nhọc để mang tình yêu thương đến cho các em. Tuy vậy, nhưng nhà trường cũng đã có nhiều kết quả đáng ghi nhận. Năm học 2009-2010, trường tiếp tục được công nhận duy trì phổ cập giáo dục THCS; HS hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 đạt 100%; tỷ lệ HS khá, giỏi đạt gần 45%; học kỳ I năm học 2010-2011, nhà trường có 111 HS, trong đó 37 HS khá, giỏi và 99 HS hạnh kiểm khá, tốt.
Một học kỳ nữa đã qua, mùa xuân lại tràn về mang theo nhiều ước mơ, hi vọng. Và c ùng với đất trời giao hòa trong tiết xuân, trăn trở lớn nhất của thầy cô giáo Trường THCS Yên Sơn bây giờ là có một ngôi trường học tập riêng. Được biết, nhà trường đã có kế hoạch trình UBND xã Yên Sơn về quy hoạch đất, mặt bằng để xây dựng trường giai đoạn 2010-2015, được Hội đồng nhân dân xã đưa vào nghị quyết. Đó cũng là một tín hiệu mừng cho thầy trò nơi đây. Thầy giáo Nguyễn Văn Hải, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nếu có cơ sở vật chất riêng biệt, nhà trường sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng dạy và học, tạo môi trường học tập, vui chơi gần gũi, thân thiện. Từ đó, HS sẽ có động lực vượt qua khó khăn để cố gắng đến lớp, đến trường đầy đủ, nỗ lực học tập để trưởng thành cả về đức, trí, thể, mĩ.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()