Nới lỏng chính sách tài khóa để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có dấu hiệu giảm tốc phát triển, bên cạnh chính sách tiền tệ, việc nới lỏng chính sách tài khóa (chính sách miễn, giảm, giãn thuế, phí và chính sách đẩy mạnh chi tiêu từ ngân sách nhà nước) đang được tích cực triển khai để kích thích kinh tế tăng trưởng nhanh hơn…
Năm 2023 sẽ miễn, giảm, giãn khoảng 200.000 tỷ đồng tiền thuế
Chính sách tài khóa là hệ thống các chính sách kinh tế vĩ mô nhằm tác động vào nền kinh tế để đạt được các mục tiêu tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, bình ổn giá tiêu dùng… Chính sách tài khóa chủ yếu được thực hiện thông qua công cụ thuế, chính sách chi tiêu từ ngân sách nhà nước, trong đó có chính sách đầu tư công. Trong bối cảnh kinh tế đang ở tình trạng suy thoái, Nhà nước sẽ giảm thuế, tăng chi tiêu đầu tư công để kích thích kinh tế tăng trưởng, gọi là nới lỏng chính sách tài khóa. Ngược lại, khi nền kinh tế đang ở tình trạng lạm phát, Nhà nước sẽ tăng thuế, giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát, gọi là thắt chặt chính sách tài khóa.
Thi công dự án Thủy điện Hòa Bình mở rộng. Ảnh: Đình Huy |
Nền kinh tế nước ta trong giai đoạn vừa qua đang gặp nhiều khó khăn do tác động đa chiều của cả thị trường quốc tế, sự đứt gãy các chuỗi cung ứng truyền thống và của dòng vốn đầu tư, cộng với phát tác từ những yếu kém nội tại của nền kinh tế trong nước. Vì thế, tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta những tháng đầu năm bị ảnh hưởng tiêu cực, thấp hơn mức tăng cùng kỳ của nhiều năm gần đây. Trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới, nhiều nước tiếp tục rơi vào tình trạng đình lạm (tăng trưởng đình đốn, lạm phát tăng cao), mức tăng trưởng của Việt Nam vẫn được coi là tích cực, được ví là tông màu sáng hiếm hoi trong bức tranh chung của kinh tế thế giới có tông màu xám là chủ đạo. Tuy nhiên, mức tăng trưởng thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra trong nửa đầu năm 2023 cũng tạo ra những khó khăn rất lớn trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng của cả năm và cho cả giai đoạn 5 năm.
Thực tế giai đoạn “hậu Covid-19”, nước ta đã tung ra gói chính sách tài khóa lớn chưa từng có. Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, quy mô hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của nước ta sau đại dịch Covid-19 rất lớn, đạt khoảng 8,3% GDP và cao hơn nhiều so với mức hỗ trợ của các nước có cùng trình độ phát triển kinh tế (trung bình chỉ đạt khoảng 4% GDP). Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng cho biết, chỉ tính riêng trong 3 năm, từ năm 2021 đến nay, nước ta đã miễn, giảm, giãn khoảng 530.000 tỷ đồng tiền thuế, phí và các khoản thu ngân sách nhà nước. Riêng trong năm 2023, tổng số thuế miễn, giảm, giãn là khoảng 200.000 tỷ đồng. Số thuế thực tế đã thực hiện miễn, giảm, giãn trong năm 2023 đến nay đã đạt khoảng 130.000 tỷ đồng. Cùng với đó, nước ta đã thực hiện các hoạt động tăng chi để kích cầu trong năm 2023, trong đó, đã thực hiện tăng lương cho khu vực công và tăng trợ cấp người có công, lương hưu, trợ cấp xã hội với tổng số tiền gần 80.000 tỷ đồng. “Thời gian qua, cùng với chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa thực hiện các biện pháp nới lỏng có trọng tâm, trọng điểm đã tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp và giúp tăng trưởng kinh tế của nước ta không bị tác động quá mạnh. Việt Nam vẫn được đánh giá là một trong những điểm sáng trong khu vực và trên thế giới”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng nói.
Giải ngân 95% đầu tư công, kinh tế sẽ tăng thêm 2 điểm %
Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2023 đến ngày 31-8-2023, nước ta mới giải ngân được 299.447,4 tỷ đồng vốn đầu tư công, đạt 39,6% kế hoạch và đạt 42,3% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Lũy kế thanh toán nguồn vốn đầu tư công các năm trước chuyển sang năm 2023 đến ngày 31-8-2023 là 20.538 tỷ đồng, đạt 37,53% kế hoạch.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khi phát biểu khai mạc Diễn đàn KT-XH Việt Nam thường niên năm 2023 đã nhấn mạnh rằng, đầu tư công được coi là động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế trong năm 2023. Thời gian qua, Quốc hội đã ban hành nhiều chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Tuy nhiên, đến nay giải ngân vốn đầu tư công dù có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng, chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân, chưa thể hiện vai trò nòng cốt trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Một số cơ quan Trung ương, địa phương giải ngân vốn còn thấp so với mặt bằng chung, các vướng mắc được phản ánh nhiều nhất là về thủ tục pháp lý liên quan tới đất đai, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất nông nghiệp, thủ tục hành chính chậm trễ do cán bộ, công chức, viên chức né tránh, đùn đẩy trách nhiệm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, năm 2023, tổng vốn đầu tư công là khoảng 713.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với những năm bình thường trong nỗ lực hỗ trợ phục hồi và phát triển KT-XH. Theo TS Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV): Theo tính toán của nhóm nghiên cứu, nếu giải ngân được 95% trong tổng vốn 713.000 tỷ đồng đầu tư công ấy sẽ đóng góp 2 điểm % cho tăng trưởng GDP năm 2023. Để đạt mục tiêu đề ra, nhóm nghiên cứu đến từ Ngân hàng BIDV kiến nghị các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, các chương trình mục tiêu quốc gia và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, đầu tư cơ sở hạ tầng; đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giải phóng mặt bằng, điều chuyển vốn, kịp thời tháo gỡ vướng mắc trong triển khai…
Chuyên gia kinh tế, TS Vũ Đình Ánh thì nhắc tới 6 tổ công tác do Thủ tướng Chính phủ thành lập năm 2022 để trực tiếp cùng các chủ đầu tư tháo gỡ vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ đầu tư công. Tuy nhiên, vấn đề quyết định thành bại của các tổ công tác này là mỗi tổ công tác cũng như mỗi thành viên cần có đủ quyền hạn, trách nhiệm để xử lý kịp thời, dứt điểm các vướng mắc làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo nguyên tắc “tiền trảm hậu tấu”, tránh quy trình thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp. Thành viên mỗi tổ công tác cần hội tụ đủ năng lực, trình độ chuyên môn cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp và phẩm chất đạo đức tốt, đồng thời có đường dây nóng trực tiếp báo cáo với Thủ tướng hoặc Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực những vấn đề vượt thẩm quyền để xử lý kịp thời, dứt điểm. Chỉ như vậy, tiến độ giải ngân mới được đẩy nhanh.
Chính sách tài khóa đang được các cơ quan hữu quan tích cực sử dụng như một đòn bẩy hữu hiệu đưa nền kinh tế nước ta trở lại quỹ đạo tăng trưởng theo đúng mục tiêu ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Hy vọng, việc triển khai thực hiện sẽ quyết liệt và hiệu quả hơn nữa, nhất là trong giải ngân vốn đầu tư công, để “điểm rơi chính sách” vào đúng “điểm vàng” kích thích phát triển kinh tế.
Theo qdnd.vn
Ý kiến ()