Nỗi lo xung đột và chia cắt ở Li-bi
Người dân Li-bi biểu tình phản đối yêu cầu thành lập chế độ liên bang. Hơn một năm kể từ sau khi "Mùa xuân A-rập" tràn vào Li-bi và nhiều tháng sau khi cuộc chiến ở Li-bi kết thúc, đất nước Bắc Phi này lại rơi vào các cuộc xung đột bộ tộc làm hàng trăm người chết. Dù chính phủ lâm thời Li-bi nỗ lực xây dựng một nhà nước phân quyền, song việc một số bộ tộc đòi tự trị và xung đột sắc tộc khiến Li-bi đứng trước nguy cơ đất nước bị chia cắt và bất ổn kéo dài.Trong gần hai tháng qua đã liên tục xảy ra các cuộc đụng độ giữa người bộ lạc Tu-bu với người dân TP Xa-ba, bộ lạc Da-uy-a, bộ tộc Doai và một số nhóm sắc tộc khác ở Cu-phra. Tu-bu là bộ tộc của những người da đen, hiện sinh sống ở miền đông nam Li-bi và một số vùng thuộc các nước Sát, Xu-đăng và Ni-giê. Họ từng là nạn nhân của sự phân biệt đối xử dưới chế độ của cố Tổng thống Li-bi M.Ca-đa-phi. Mối bất đồng sâu sắc từ lâu giữa bộ tộc...
Người dân Li-bi biểu tình phản đối yêu cầu thành lập chế độ liên bang. |
Trong gần hai tháng qua đã liên tục xảy ra các cuộc đụng độ giữa người bộ lạc Tu-bu với người dân TP Xa-ba, bộ lạc Da-uy-a, bộ tộc Doai và một số nhóm sắc tộc khác ở Cu-phra. Tu-bu là bộ tộc của những người da đen, hiện sinh sống ở miền đông nam Li-bi và một số vùng thuộc các nước Sát, Xu-đăng và Ni-giê. Họ từng là nạn nhân của sự phân biệt đối xử dưới chế độ của cố Tổng thống Li-bi M.Ca-đa-phi. Mối bất đồng sâu sắc từ lâu giữa bộ tộc Tu-bu và các tộc người khác khiến thủ lĩnh bộ lạc Tu-bu I.M.Man-xơ cho rằng, các cuộc xung đột mới đây là một kế hoạch “thanh trừng sắc tộc” đối với bộ tộc này, đồng thời đe dọa ly khai. Ông Man-xơ tuyên bố tái thiết lập Mặt trận Cứu quốc Tu-bu (TFSL – một nhóm đối lập hoạt động dưới chế độ cũ) để bảo vệ người dân bộ tộc khỏi bị “thanh trừng”. Thủ lĩnh bộ lạc Tu-bu còn cảnh báo nếu cần thiết sẽ yêu cầu quốc tế can thiệp để tiến tới thành lập một nhà nước giống như ở Nam Xu-đăng.
Li-bi đứng trước nguy cơ chia cắt đất nước khi các thủ lĩnh chính trị và bộ lạc tại miền đông nước này còn tuyên bố thành lập khu tự trị Xi-rê-nai-ca với kế hoạch sẽ lấy TP Ben-ga-di làm thủ phủ và yêu cầu đưa Li-bi trở lại chế độ liên bang như trước kia. Trước đây, trong thời gian từ năm 1951 – 1963, Li-bi từng có thời gian hoạt động theo mô hình nhà nước liên bang với ba bang bán tự trị là Xi-rê-nai-ca, Tơ-ri-pô-li-ta-ni-a và Phê-dan. Người đứng đầu Hội đồng khu vực tự trị mới thành lập Xi-rê-nai-ca, ông A.D.An-Xe-nu-xi tuyên bố, Hội đồng tự trị này công nhận Hội đồng Dân tộc chuyển tiếp (NTC) là cơ quan đại diện hợp pháp duy nhất của người dân Li-bi, nhưng chỉ công nhận hiến pháp năm 1951. Ông Xe-nu-xi cho rằng, chính phủ lâm thời Li-bi nên quan tâm đề nghị thành lập nhà nước liên bang, thay vì chỉ coi đây là một hành động “tạo phản”. Những người ủng hộ quay lại chế độ liên bang cho rằng, thể chế này sẽ giúp ngăn miền đông không bị gạt ra bên lề như dưới chế độ của ông Ca-đa-phi. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, những thay đổi chính trị tại Xi-rê-nai-ca sẽ làm suy giảm đáng kể quyền lực của chính phủ tạm quyền, vì miền đông là khu vực giàu dầu mỏ nhất của Li-bi, trong khi TP Ben-ga-di là nơi đặt trụ sở của công ty dầu khí lớn nhất nước này. Riêng khu vực Xi-rê-nai-ca, nằm trải dài từ thành phố duyên hải miền trung Xơ-tê tới biên giới phía đông giáp Ai Cập, chiếm tới ba phần tư trữ lượng dầu mỏ của Li-bi.
Trong nỗ lực hòa giải dân tộc và ổn định tình hình đất nước, Chủ tịch NTC M.Gia-lin khẳng định sẽ sử dụng pháp quyền để bảo đảm sự thống nhất dân tộc của Li-bi. Thủ tướng Li-bi A.En Kê-íp khẳng định, chính phủ nước này đang xúc tiến các hoạt động hướng tới xây dựng một nhà nước phân quyền, chứ không theo mô hình nhà nước liên bang như đề xuất của một số chính trị gia và thủ lĩnh bộ lạc. Chính phủ sẽ không bao giờ đồng ý với việc chia tách Li-bi, đồng thời sẽ sớm đệ trình một bản đề xuất lên NTC trước khi đưa ra trưng cầu ý dân. Theo ông, với cơ chế này, người dân Li-bi sẽ không còn phải mệt mỏi di chuyển những quãng đường dài đến Thủ đô Tơ-ri-pô-li để làm các thủ tục hành chính. Chính quyền Tơ-ri-pô-li đề xuất một chương trình phi tập trung hóa, nhằm trao thêm quyền quyết định cho hơn 50 hội đồng địa phương và quyền sử dụng ngân sách.
Các cuộc không kích của NATO đã giúp lật đổ chế độ ở Li-bi, thành lập một nước Li-bi mới. Tuy nhiên, sau khi kết thúc cuộc chiến, đất nước Bắc Phi này lại đối mặt các thách thức không thể lường trước bởi hàng loạt vấn đề như kinh tế khó khăn, bạo lực, mâu thuẫn sắc tộc và nhất là nguy cơ đất nước bị chia cắt. Chính Cựu Thủ tướng Li-bi M.Gi-brin cũng nói rằng, sau khi can thiệp quân sự nước này, phương Tây đã “bỏ rơi” Li-bi với chồng chất khó khăn của công cuộc tái thiết.
Theo Nhandan
Ý kiến ()