Nỗi lo về tương lai của Áp-ga-ni-xtan
Hiện trường một vụ đánh bom liều chết ở TP Hê-rát, phía tây-bắc Áp-ga-ni-xtan. Ảnh AFP Hội nghị toàn cầu về tương lai của Áp-ga-ni-xtan diễn ra tại Thủ đô I-xtan-bun (Thổ Nhĩ Kỳ), với sự tham dự của đại diện đến từ 20 nước và nhiều cơ quan cứu trợ trên thế giới, đã thông qua Tuyên bố I-xtan-bun tái khẳng định cam kết hỗ trợ "xây dựng một nước Áp-ga-ni-xtan an ninh, ổn định và thịnh vượng trong một khu vực an ninh và ổn định ở trung tâm châu Á". Tuy nhiên, con đường thực hiện mục tiêu nêu trên còn rất nhiều trắc trở.Phát biểu ý kiến sau hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà A.Đa-vu-tô-glu nhận định, "hội nghị là một thành công lớn", đã có những bước đi cụ thể và đạt cam kết lớn vì hòa bình và ổn định lâu dài của Áp-ga-ni-xtan. Tuyên bố I-xtan-bun nêu các nguyên tắc đối với các quốc gia khu vực chung quanh Áp-ga-ni-xtan, trong đó có nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nước khác, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước, ủng hộ hòa bình và...
|
Phát biểu ý kiến sau hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà A.Đa-vu-tô-glu nhận định, “hội nghị là một thành công lớn”, đã có những bước đi cụ thể và đạt cam kết lớn vì hòa bình và ổn định lâu dài của Áp-ga-ni-xtan. Tuyên bố I-xtan-bun nêu các nguyên tắc đối với các quốc gia khu vực chung quanh Áp-ga-ni-xtan, trong đó có nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ của nước khác, tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước, ủng hộ hòa bình và ổn định tại châu Á cũng như tôn trọng chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Áp-ga-ni-xtan. Tuyên bố cũng nêu rõ, sự hợp tác với Áp-ga-ni-xtan sẽ được tăng cường không chỉ ở cấp khu vực, mà cả đối với cộng đồng thế giới và các tổ chức quốc tế. Bộ trưởng Ngoại giao Áp-ga-ni-xtan D.Rát-sâu nhấn mạnh, Tuyên bố I-xtan-bun tạo môi trường không tồn tại các mối đe dọa khủng bố và bảo đảm không can thiệp công việc nội bộ của Áp-ga-ni-xtan.
Trong khi bày tỏ ủng hộ đối với tiến trình rút quân đội nước ngoài và chuyển giao quyền kiểm soát an ninh ở Áp-ga-ni-xtan cho chính quyền nước sở tại vào năm 2014, nhưng các nước, gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ, Ca-dắc-xtan, Cư-rơ-gư-xtan, A-rập Xê-út, Tát-gi-ki-xtan, Tuốc-mê-ni-xtan và Các Tiểu vương quốc A-rập thống nhất cũng lo ngại trước tình hình bạo lực leo thang tại Áp-ga-ni-xtan. Một lần nữa, vai trò của Pa-ki-xtan đối với tiến trình hòa bình ở Áp-ga-ni-xtan lại được nhấn mạnh. Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai cho rằng, các mạng lưới khủng bố vẫn là mối đe dọa lớn đối với an ninh của Áp-ga-ni-xtan và rằng Áp-ga-ni-xtan sẽ không thể có được hòa bình nếu không có sự hỗ trợ của các nước láng giềng trong cuộc chiến chống khủng bố. Ông kêu gọi Pa-ki-xtan giúp Áp-ga-ni-xtan đàm thảo với giới lãnh đạo của Ta-li-ban để nội bộ Áp-ga-ni-xtan đi tới hòa giải. Chỉ khi có được sự hỗ trợ của I-xla-ma-bát, Ca-bun mới tin tưởng rằng tiến trình hòa bình của Áp-ga-ni-xtan sẽ đạt được những tiến triển tích cực.
Hội nghị toàn cầu về tương lai của Áp-ga-ni-xtan diễn ra một ngày sau cuộc gặp giữa Tổng thống Áp-ga-ni-xtan H.Ca-dai và người đồng cấp Pa-ki-xtan A.Da-đa-ri, do Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ A.Gun chủ trì, nhằm thu hẹp bất đồng và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước láng giềng Nam Á. Đúng như nhận định của Tổng thống nước chủ nhà Gun, đoàn kết là yếu tố bắt buộc để khôi phục an ninh ở Áp-ga-ni-xtan. Do vậy, việc hai bên ngừng chỉ trích lẫn nhau và cùng nhau ngồi vào bàn đàm phán được ghi nhận như một nỗ lực khôi phục lòng tin giữa hai nước. Kết quả quan trọng nhất của cuộc họp cấp cao này là việc hai bên đã nhất trí thiết lập một cơ chế chung để điều tra về vụ ám sát Chủ tịch Hội đồng hòa bình tối cao Áp-ga-ni-xtan B.Ráp-ba-ni hôm 20-9 vừa qua. Tổng thống Ca-dai nêu rõ, cơ chế hai bên đạt được là “một thành công”, mở đường cho những cuộc đối thoại hiệu quả và có chiều sâu hơn giữa Áp-ga-ni-xtan và Pa-ki-xtan.
Cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ và phương Tây phát động trong gần mười năm qua tại Áp-ga-ni-xtan chuyển sang giai đoạn mới, với việc Lực lượng hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) do NATO chỉ huy đã và đang chuyển giao dần quyền kiểm soát an ninh cho các lực lượng Áp-ga-ni-xtan. Tháng 7 vừa qua, các lực lượng Áp-ga-ni-xtan đã tiếp quản trách nhiệm bảo đảm an ninh tại bảy tỉnh và khu vực, trong đó có Thủ đô Ca-bun. Giai đoạn chuyển giao tiếp theo bao gồm 17 tỉnh và khu vực. Cả NATO và Chính quyền Ca-bun đều hy vọng các lực lượng an ninh Áp-ga-ni-xtan sẽ đảm đương được an ninh sau khi toàn bộ 140 nghìn binh sĩ nước ngoài rút quân hoàn toàn khỏi nước này vào năm 2014. Tuy nhiên, bạo lực và các vụ đánh bom liên tiếp xảy ra tại Áp-ga-ni-xtan trong thời gian qua đã khiến cho vấn đề an ninh của nước này vẫn là một đề tài “nóng” đối với dư luận trong nước và quốc tế. Hiện, nhiều người Áp-ga-ni-xtan vẫn luôn phải đau đáu lo cho an toàn tính mạng của bản thân và gia đình cùng nỗi trăn trở về tương lai hòa bình của đất nước.
Theo Nhandan
Ý kiến ()