Nỗi lo tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống ở Cao Bằng
Một buổi truyền thông nâng cao nhận thức cho học sinh DTTS về giảm hủ tục trong hôn nhân ở tỉnh Cao Bằng.
Những năm qua, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng vẫn diễn ra phổ biến. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều biện pháp nhằm giảm hạn chế hủ tục này.
Theo Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống diễn ra chủ yếu ở vùng đồng bào DTTS ở năm huyện: Nguyên Bình, Thông Nông, Hà Quảng, Bảo Lạc và Bảo Lâm. Phòng Dân tộc huyện Thông Nông cho biết, từ năm 2016 đến 2018, trong huyện có 98 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Còn tại huyện Nguyên Bình, mỗi năm cũng có 20 đến 30 trường hợp. Bên cạnh nguyên nhân do phong tục, tập quán lạc hậu, lấy vợ, lấy chồng sớm, còn do sự thiếu hiểu biết về pháp luật hôn nhân và gia đình của một bộ phận người dân. Họ muốn con cái kết hôn sớm để có thêm nhân lực lao động. Với quan niệm họ hàng lấy nhau thì của cải cứ “xoay vòng” trong dòng họ, không thất thoát ra ngoài, nhiều người chưa hiểu biết về hậu quả, tác hại của hôn nhân cận huyết thống. Trong khi đó, chính quyền một số địa phương còn bị động trong tuyên truyền, vận động, chưa xác định tầm quan trọng của việc ngăn chặn tình trạng này.
Nhiều trường hợp tảo hôn, sau khi tách hộ là hộ nghèo. Đến khi có con, thêm nhân khẩu, thiếu kinh nghiệm làm ăn, cái nghèo lại bủa vây. Tại xã Bình Lãng, huyện Thông Nông, trong năm 2017 có bốn cặp tảo hôn. Ở tuổi mà nhiều thanh niên còn lo học hành, vui chơi, thì các cặp vợ chồng trẻ con này đã phải tự lập, lo toan cuộc sống, kinh nghiệm sản xuất, vốn liếng làm ăn đều thiếu. Sau khi có con, gánh nặng cuộc sống lại càng đè nặng lên vai…
Để giảm hủ tục trong hôn nhân ở vùng đồng bào DTTS, tỉnh Cao Bằng tích cực triển khai thực hiện Quyết định số 498/QĐ – TTg (ngày 14-4-2015) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS giai đoạn 2015 -2025”. Những mục tiêu trọng tâm là tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của đồng bào DTTS về hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người uy tín, nhân dân để phát hiện, thuyết phục, giảm hủ tục này.
Tại huyện Thông Nông, xã Bình Lãng được chọn làm điểm triển khai các biện pháp giảm hủ tục trong hôn nhân, rút kinh nghiệm, nhân rộng thực hiện trong toàn tỉnh. Xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức. Thành viên các tổ tư vấn đến từng xóm, tuyên truyền quy định của pháp luật về hôn nhân, tác hại của hôn nhân cận huyết thống. Các tổ tư vấn tăng cường tuyên truyền, vận động, thuyết phục trường hợp có ý định tảo hôn hoãn cưới. Năm 2016, nhận được tin hai em Triệu Tòn Lỉu (18 tuổi) và Triệu Mùi Chây (17 tuổi) ở xóm Lan Hạ tổ chức lễ cưới, cán bộ tư pháp xã đã phối hợp đến vận động gia đình hoãn cưới. Lúc đầu bố mẹ các em không đồng ý, nhờ kiên trì tuyên truyền, giải thích Luật Hôn nhân và Gia đình, công tác vận động mới thành công. Năm nay, tại xã Bình Lãng có năm trường hợp có nguy cơ tảo hôn, các tổ tư vấn đã tuyên truyền, vận động hoãn cưới được bốn trường hợp.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thông Nông Vương Văn Thuận cho biết, xác định một trong những nguyên nhân khiến hủ tục trong hôn nhân vẫn diễn ra là do người vi phạm không nhận thức được đây là hành vi vi phạm pháp luật. Huyện Thông Nông đã tăng cường tuyên truyền nhằm thay đổi nhận thức của đồng bào DTTS; phát huy vai trò tuyên truyền của công chức xã, cán bộ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, người uy tín trong cộng đồng. Huyện tổ chức các buổi diễn kịch với hình thức sân khấu hóa, nêu bật tác hại, hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đến học sinh, đồng bào DTTS.
Đồng chí Vương Văn Thuận cho biết thêm, nhờ tuyên truyền hiệu quả, số vụ tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại huyện Thông Nông có chiều hướng giảm. Năm 2016 có 39 cặp (một cặp hôn nhân cận huyết thống), năm 2017 có 32 cặp, năm nay còn 27 cặp tảo hôn, không còn hôn nhân cận huyết thống. Sau khi đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, thời gian tới, huyện sẽ tiến hành xử phạt, để cộng đồng nâng cao nhận thức về quy định của pháp luật.
Mặc dù đã đạt được kết quả tích cực trong giảm tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, nhưng các hủ tục lạc hậu (giữ tài sản, cưới sớm để có thêm người lao động) vẫn tồn tại trong vùng đồng bào DTTS. Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng sẽ quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm hủ tục trong hôn nhân. Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng Bế Văn Hùng cho biết, để nâng cao hiệu quả công tác này, các địa phương cần kết hợp việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục, với xử phạt hành chính. Đối với những gia đình kiên quyết tổ chức tảo hôn, dù đã có sự vào cuộc, vận động của chính quyền cần xử phạt theo quy định của pháp luật.
Ý kiến ()