Nỗi lo mất an toàn giao thông mang tên “xe đạp điện”
LSO-Dù xe đạp điện được trang bị khá đầy đủ các thiết bị hỗ trợ cơ bản như: còi, đèn, xi-nhan nhưng thường ít được sử dụng đến. Hơn nữa, đối tượng sử dụng phương tiện xe đạp điện hầu hết tập trung ở lứa tuổi học sinh, hạn chế trong kỹ năng xử lý tình huống, hiểu biết và ý thức tham gia giao thông còn kém nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.
Điều khiển xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm lưu thông trên đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn |
Với các ưu điểm gọn nhẹ, không cần bằng lái, không tốn tiền mua xăng, phù hợp với người già và các em học sinh THCS, THPT… là những lý do khiến xe đạp điện được ưa chuộng hiện nay. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông của người điều khiển loại phương tiện này khá phổ biến với các hành vi như: không đội mũ bảo hiểm, chở người không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang, lạng lách, đánh võng… đến nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông.
Anh Nông Văn Chanh, nhân viên kinh doanh, đại lý xe ĐK Bike, đường Minh Khai, thành phố Lạng Sơn cho biết: Mấy năm gần đây, nhu cầu sử dụng xe đạp điện của người dân rất cao, có tháng cao điểm đại lý của tôi bán được 20 chiếc xe đạp điện, người đến mua xe đạp điện chủ yếu là phụ huynh của các em học sinh cấp 2, cấp 3; mặc dù đại lý thường xuyên có chương trình mua xe tặng mũ bảo hiểm nhưng dường như ý thức của người điều khiển về việc đội mũ bảo hiểm khi đi xe đạp điện vẫn chưa được nâng cao, nhất là các em học sinh.
Chị Mã Minh Thuận, đường Nhị Thanh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn cho biết: Hằng ngày, đi trên đường, tôi bắt gặp rất nhiều học sinh cấp 2, cấp 3 đến trường bằng xe đạp điện. Ý thức tham gia giao thông của các em rất kém, không đội mũ bảo hiểm, đi không đúng phần đường của mình. Dù xe được trang bị đầy đủ còi, đèn xi – nhan nhưng thường ít sử dụng, khi sang đường, các em không chú ý quan sát và có nhiều trường hợp bất ngờ tạt ngang đầu các phương tiện khác, rất nguy hiểm.
Có mặt tại một số cổng trường THCS, THPT trên địa bàn thành phố Lạng Sơn vào giờ tan học, chúng tôi thấy phương tiện được các em sử dụng để đi học phần lớn là xe đạp điện. Không khó để bắt gặp những hình ảnh các em sử dụng xe đạp điện mà không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai, đi dàn hàng, trêu đùa nhau… gây mất trật tự và tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cho người khác.
Em Phạm Quốc Duy, lớp 9A1, Trường THCS Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho biết: Ngay từ đầu năm học, Ban giám hiệu nhà trường đã quán triệt học sinh đi xe đạp điện đến trường phải đội mũ bảo hiểm có cài quai nhưng vẫn còn nhiều bạn không chấp hành nghiêm túc, trên đường thì đi dàn hàng hai hàng ba, đi sai phần đường…
Thiếu tá Lăng Văn Hiến, Phó đội trưởng Đội Cảnh sát trật tự – Cơ động, Công an thành phố Lạng Sơn cho biết: Thành phố là một trong những địa bàn có nhiều xe đạp điện lưu thông. Đội đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý những trường hợp xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB); tăng cường lực lượng cắm chốt trực tại các nút giao thông như: ngã ba, ngã tư, nơi có đèn tín hiệu giao thông vào giờ cao điểm để nhắc nhở các trường hợp không tuân thủ Luật GTĐB và gửi thông báo đến các trường học. Từ đầu năm 2017 đến nay, Đội đã phối hợp với phụ huynh học sinh và nhà trường nhắc nhở 164 trường hợp học sinh điều khiển xe đạp điện vi phạm Luật GTĐB.
Tuy chưa có số liệu thống kê về các vụ tai nạn, va chạm giao thông liên quan đến xe đạp điện, nhưng trên thực tế, các vụ va chạm liên quan đến xe đạp điện vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng ở mức độ nhẹ, các bên tự giải quyết. Để không còn nỗi lo mất an toàn giao thông mang tên “xe đạp điện”; cùng với việc lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, xử phạt thì điều cần thiết là gia đình, nhà trường, các đoàn thể tăng cường giáo dục học sinh, con em chấp hành nghiêm Luật GTĐB.
TUẤN ANH
Ý kiến ()