Nỗi lo mai một nghề thêu mũ truyền thống của người Dao ở Nà Xỏm
(LSO) – Thôn Nà Xỏm, xã Lợi Bác, huyện Lộc Bình nằm cách trung tâm xã hơn 20 km, có 44 hộ với 203 nhân khẩu đều là người dân tộc Dao. Người Dao ở đây lưu truyền từ đời này sang đời khác nghề truyền thống độc đáo, đó là nghề thêu mũ. Tuy nhiên, hiện nay, nghề này đang đối mặt với nguy cơ mai một.
Ngay từ khi còn nhỏ, bà Dương Thị Liêu đã được mẹ truyền dạy cách thêu mũ, đến năm 15 tuổi, bà đã có thể thêu thành thạo. Ngoài thêu những chiếc mũ cho bản thân và con cháu trong gia đình thì bà còn thêu mũ mang ra chợ bán. Năm nay, bà Liệu đã bước qua tuổi 60, do sức khỏe yếu, mắt kém nên bà không còn thêu được nhiều như trước.
Bà Liêu cho biết: Chiếc mũ thêu truyền thống làm tôn lên vẻ đẹp của người phụ nữ Dao trong cuộc sống thường ngày cũng như trong các ngày lễ, tết hay cưới hỏi. Trong thôn, từ những người phụ nữ lớn tuổi đến các thiếu nữ trẻ đều có từ 2-3 chiếc mũ thêu truyền thống.
Những chiếc mũ thêu truyền thống được người Dao ở thôn Nà Xỏm mang ra chợ phiên bán
Để làm được một chiếc mũ trước tiên phải ra chợ phiên mua những cuộn chỉ màu và vài tấm vải thô về làm khung mũ. Việc làm khung và thêu những họa tiết lên mũ luôn là công đoạn chiếm nhiều thời gian nhất vì nó quyết định sự bền chắc của sản phẩm. Chiếc mũ truyền thống của người Dao có hình tựa chữ A, với màu đỏ, xanh, đen, vàng làm chủ đạo. Họa tiết là các hình bông hoa, hình quả trám, hình zíc zắc, hình cây… Tất cả các hình họa này đều được thêu bằng trí nhớ và sự tưởng tượng của người thêu, hoàn toàn không có bản vẽ, không có mẫu để làm theo.
Bà Triệu Thị Sí, 50 tuổi, cũng là một người thêu mũ có tiếng ở trong thôn Nà Xỏm chia sẻ: Mọi nguyên liệu vải, chỉ đều mua được dễ dàng ngoài chợ, nhưng để có thể thêu mũ thành thạo, người học nhanh cũng phải mất 2 năm. Người có tuổi, mắt kém, tay chậm như tôi mỗi tháng thêu được 5-6 chiếc, với giá 950 nghìn đồng/1 chiếc, tính ra thu nhập cũng khá, nhưng hiện nay, người trẻ không muốn học, không muốn làm cái nghề tỉ mẩn này, họ chỉ muốn đi làm công ty hay làm việc gì đó ra tiền ngay.
Điều mong muốn lớn nhất của bà Liêu, bà Sí cũng như những người lớn tuổi trong thôn Nà Xỏm lúc này là làm sao để khơi dậy được niềm đam mê, giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình cho lớp trẻ hiện nay.
Ông Ma Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Lợi Bác cho biết: Nghề thêu mũ của bà con người Dao ở thôn Nà Xỏm đã có từ lâu đời. Tuy nhiên, việc gìn giữ và phát triển nghề thêu mũ truyền thống nơi đây còn gặp rất nhiều khó khăn bởi hiện nay, người biết thêu mũ ở thôn Nà Xỏm chỉ còn khoảng 15 người. Đa số họ đều đã ngoài 50 tuổi, nguy cơ mai một và mất dần nghề thêu mũ truyền thống ngày càng hiện hữu. Nguyên nhân là do thanh niên trẻ đi làm công ty hay làm việc khác kiếm được thu nhập cao hơn. Mỗi lần họp thôn, xã thường cử cán bộ phụ trách văn hóa xuống để tuyên truyền cho bà con, nhất là lớp trẻ cố gắng học và giữ gìn nghề thêu mũ truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời đề xuất với cấp trên hỗ trợ kinh phí để mở lớp học thêu mũ cho thanh niên trong thôn có đam mê cũng như những chính sách để hỗ trợ người dân về vốn, đầu ra để bà con yên tâm gắn bó với nghề.
Hy vọng trong tương lai gần, với sự quan tâm của các cấp, các ngành và sự nỗ lực của người dân trong thôn Nà Xỏm, nghề thêu mũ truyền thống của đồng bào người Dao nơi đây sẽ tiếp tục được duy trì; vừa giúp người dân có thu nhập ổn định vừa góp phần gìn giữ, bảo tồn những nét văn hoá truyền thống đặc sắc của dân tộc.
VĂN HƯƠNG
Ý kiến ()