Nỗi lo kháng thuốc tại Việt Nam
Việt Nam đang nằm trong số các nước có tỷ lệ kháng thuốc cao do lạm dụng, sử dụng không hợp lý thuốc kháng vi sinh vật, đặc biệt là thuốc kháng sinh. Hiệu thuốc bán thuốc kháng sinh mà không có đơn của bác sĩ và ngay cả nhiều bác sĩ cũng kê đơn thuốc kháng sinh không hợp lý. Trước tình trạng đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định phê duyệt “Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Những ca bệnh vô phương cứu chữa do kháng thuốc
Tại Hội nghị triển khai chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc do Bộ Y tế tổ chức mới đây, các chuyên gia cho biết, dự báo đến năm 2050, chi phí do kháng kháng sinh trên toàn cầu lên tới 100.000 tỷ USD và gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong mỗi năm. Thậm chí, hậu quả kinh tế của kháng kháng sinh được cho là nặng nề tương đương hậu quả khủng hoảng tài chính. Còn tại Việt Nam, theo GS, TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế: “Kháng thuốc vẫn đang là mối lo ngại ở Việt Nam bất chấp những tiến bộ khoa học đã đạt được trong 10 năm qua. Báo cáo gần đây của chúng tôi cho thấy, xu hướng kháng kháng sinh ngày càng tăng tại Việt Nam trong thập kỷ qua. Nhiều thách thức vẫn còn tồn tại, bao gồm năng lực hạn chế của các phòng xét nghiệm trong việc tiến hành giám sát và phân tích dữ liệu, kê đơn thuốc kháng sinh không phù hợp và thiếu việc thực thi các quy định về bán thuốc kháng sinh”.
Trực tiếp chứng kiến sự phức tạp của tình trạng kháng thuốc, PGS, TS Vũ Văn Giáp, Phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, chia sẻ: “Chúng tôi đã từng chứng kiến những ca bệnh nhiễm khuẩn vô phương cứu chữa, bởi bệnh nhân nhiễm vi khuẩn kháng gần hết kháng sinh, thậm chí tất cả kháng sinh trên thị trường”.
Kháng thuốc được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) công bố là một trong 10 vấn đề sức khỏe trọng điểm mà thế giới phải quan tâm. Trên thế giới đã xuất hiện các vi khuẩn kháng với hầu hết kháng sinh, còn gọi là vi khuẩn siêu kháng thuốc. Khi nhiễm trùng, người bệnh có thể không điều trị được bằng các thuốc kháng sinh, thay vào đó, phải sử dụng nhiều thuốc đắt tiền khác. Thời gian bệnh tật và điều trị kéo dài hơn, làm tăng chi phí chăm sóc sức khỏe cũng như gánh nặng kinh tế đối với gia đình và xã hội.
Kháng thuốc đang đưa thành tựu của y học hiện đại vào nguy cơ. Việc ghép mô, bộ phận cơ thể người, hóa trị và phẫu thuật trở nên nguy hiểm hơn nhiều nếu không có thuốc kháng sinh hiệu quả để phòng ngừa và điều trị nhiễm trùng. Kháng thuốc cũng đang đe dọa những thành quả mà thế giới đã đạt được trong các lĩnh vực chống lao, sốt rét, HIV và bệnh truyền nhiễm qua đường tình dục trong những năm qua. Kháng thuốc có thể là thách thức lớn với mục tiêu kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030. Theo ước tính của WHO, kháng thuốc ARV có thể gây ra thêm 135.000 ca tử vong, 105.000 ca nhiễm HIV mới tương ứng với 650 triệu USD trong vòng 5 năm tới trên toàn cầu.
Bác sĩ Bệnh viện Nội tiết Trung ương tư vấn cho người dân cách chăm sóc sức khỏe và dùng thuốc đúng chỉ dẫn. |
Do đó, “Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045” được ban hành để bảo vệ hiệu quả của thuốc kháng vi sinh vật, đồng thời giải quyết mối đe dọa phức tạp và ngày càng gia tăng của kháng thuốc tại Việt Nam.
Phòng, chống kháng thuốc cả trong y tế và chăn nuôi
Để đạt được việc sử dụng thuốc kháng sinh hợp lý, đòi hỏi nỗ lực thống nhất từ các nhà hoạch định chính sách, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, khu vực tư nhân, nông dân và quan trọng nhất là mỗi người dân ở Việt Nam.
Theo PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế): Chiến lược quốc gia về phòng, chống kháng thuốc tại Việt Nam giai đoạn 2023-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu chung là làm chậm sự tiến triển kháng thuốc và ngăn chặn, kiểm soát sự lây lan của các vi sinh vật kháng thuốc, bệnh truyền nhiễm. Đồng thời bảo đảm sự sẵn có, liên tục các thuốc kháng vi sinh vật và sử dụng thuốc kháng vi sinh vật hợp lý để điều trị hiệu quả các bệnh truyền nhiễm ở người, động vật… Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền địa phương, hiểu biết của nhân viên y tế, thú y và người dân về phòng, chống kháng thuốc. Tiếp đó là củng cố hệ thống giám sát kháng thuốc để cảnh báo kịp thời về sự xuất hiện, lan truyền, mức độ, xu hướng kháng thuốc của các vi sinh vật…
Để ngăn chặn tình trạng kháng kháng sinh, PGS, TS Vũ Văn Giáp cho rằng, cần những hành động quyết liệt. Bệnh viện Bạch Mai cam kết đào tạo chuyên môn hỗ trợ trong chuyên ngành để các cơ sở y tế trong phạm vi chỉ đạo tuyến, hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai thực hiện tốt chiến lược kháng thuốc.
Nói về giải pháp trong điều trị, bác sĩ Trịnh Xuân Long, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, các bác sĩ cần phải giữ gìn cho người bệnh an toàn, phòng, chống kháng thuốc, trong thực hành chuyên môn hằng ngày, kê đơn sử dụng kháng sinh đúng bệnh, đúng phác đồ điều trị, đúng liều dùng, đúng đường dùng. “Nước ta là nước khí hậu nhiệt đới nên phần lớn bệnh của trẻ em là nhiễm trùng hô hấp, trong đó phần nhiều là nhiễm virus, chúng tôi chỉ kê đơn có kháng sinh khi có dấu hiệu nhiễm khuẩn. Chúng tôi cũng thường xuyên trao đổi, chia sẻ với người bệnh, gia đình người bệnh về cách uống kháng sinh, những tác dụng không mong muốn của kháng sinh cũng như nguy cơ đối với người bệnh khi vi khuẩn kháng kháng sinh, cũng cho người bệnh thấy rằng không nên dùng kháng sinh khi chưa có kê đơn của bác sĩ…”, bác sĩ Trịnh Xuân Long chia sẻ.
Chiến lược kháng thuốc cũng đề cập đến vấn đề sức khỏe động vật. Theo đồng chí Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Việt Nam đã cấm sử dụng kháng sinh kích thích tăng trưởng từ năm 2018, ban hành thông tư yêu cầu kê đơn đối với tất cả các loại kháng sinh sử dụng trên động vật kể từ năm 2020 và sẽ loại bỏ dần việc sử dụng kháng sinh điều trị dự phòng trong ngành chăn nuôi vào năm 2026. Đây là những nỗ lực cụ thể có thể giảm lượng sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi và giảm nguy cơ kháng kháng sinh ở cả động vật và con người. Nông dân có thể thúc đẩy các biện pháp phòng, chống dịch bệnh để giảm thiểu nhu cầu sử dụng kháng sinh bao gồm quy trình chăn nuôi, quản lý chuồng trại, thức ăn và nước uống phù hợp; thực hiện an toàn sinh học hiệu quả và sử dụng vaccine tối ưu, phù hợp”.
Việc lạm dụng và sử dụng không hợp lý kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản không chỉ gây ra tình trạng kháng kháng sinh cho người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng đến những sản phẩm được xuất khẩu sang các thị trường quốc tế. Do đó, để góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và đáp ứng yêu cầu của các thị trường trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về tác hại của việc lạm dụng hóa chất, kháng sinh để tạo nên sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng, an toàn, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/y-te/cac-van-de/noi-lo-khang-thuoc-tai-viet-nam-754798
Ý kiến ()