Nỗi lo giữ đường khi phát triển kinh tế cửa khẩu
Năm 2011, giao thương tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng tăng trưởng đột biến, đặc biệt mặt hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất đạt giá trị gấp gần năm lần so với năm trước. Hoạt động thương mại tại các cửa khẩu phát triển đã mang lại nguồn thu cho người dân địa phương hàng trăm tỷ đồng, tuy nhiên việc cả nghìn xe tải hạng nặng chạy rầm rầm mỗi ngày khiến những trục đường chính tại Cao Bằng xuống cấp nhanh Chóng.Đổi đời nhờ làm dịch vụNăm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu tại Cao Bằng tăng trưởng mạnh mẽ, riêng mặt hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất (chủ yếu là hải sản, thịt bò và chân gà) tính đến hết tháng 11 đã đạt 200 triệu USD, tăng gần gấp năm lần so với năm 2010 (44 triệu USD). Chỉ riêng tại hai cửa khẩu lớn là Tà Lùng và Hùng Quốc (nơi xe công-ten-nơ được chạy thẳng vào khu vực cửa khẩu mà không phải sang tải) đã có khoảng hơn 10 nghìn lượt xe công-ten-nơ hàng đông lạnh chủ yếu từ cảng biển Hải Phòng thông quan tại các...
Đổi đời nhờ làm dịch vụ
Năm 2011, kim ngạch xuất nhập khẩu tại Cao Bằng tăng trưởng mạnh mẽ, riêng mặt hàng đông lạnh tạm nhập tái xuất (chủ yếu là hải sản, thịt bò và chân gà) tính đến hết tháng 11 đã đạt 200 triệu USD, tăng gần gấp năm lần so với năm 2010 (44 triệu USD). Chỉ riêng tại hai cửa khẩu lớn là Tà Lùng và Hùng Quốc (nơi xe công-ten-nơ được chạy thẳng vào khu vực cửa khẩu mà không phải sang tải) đã có khoảng hơn 10 nghìn lượt xe công-ten-nơ hàng đông lạnh chủ yếu từ cảng biển Hải Phòng thông quan tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng sang Trung Quốc trong 11 tháng vừa qua. Trung bình, với mỗi công-ten-nơ hàng đông lạnh, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ phải trả tiền dịch vụ tại Việt Nam khoảng 48 triệu đồng, trong đó 13 triệu đồng tiền vận chuyển, số còn lại hầu như phát sinh trên địa bàn tỉnh Cao Bằng thông qua nhiều khoản thu vào ngân sách nhà nước và các hoạt động dịch vụ như bốc vác, vận chuyển thủ công qua biên giới, kho bãi, chi phí điện cho công-ten-nơ giữ lạnh…
Như vậy, riêng hoạt động dịch vụ này đã đóng góp vào ngân sách tỉnh Cao Bằng và người lao động trực tiếp khoảng 350 tỷ đồng. Bên cạnh đó, số lượng lớn hạt điều của Việt Nam, khoáng sản (trước ngày 15-10) cũng được xuất khẩu qua Cao Bằng sang Trung Quốc. Đổi lại, Việt Nam nhập khẩu phân bón (khoảng 300 nghìn tấn), than cốc, nông sản, máy móc thiết bị… từ phía Trung Quốc. Mỗi ngày, lượng xe hạng nặng hoạt động hai chiều khoảng 1.000 lượt vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu qua địa bàn tỉnh Cao Bằng và đều phát sinh các hoạt động dịch vụ mà theo tính toán sơ bộ có thể mang lại hơn 500 tỷ đồng cho người dân. Số tiền này còn lớn hơn cả tiền Chính phủ tài trợ cho người nghèo tại Cao Bằng năm 2011 là khoảng 375 tỷ đồng.
Năm nay, cửa khẩu Tà Lùng tiếp tục được các đối tác bên phía Trung Quốc tin tưởng lựa chọn là điểm nhập khẩu hàng hóa số một. Nhờ có lượng hàng xuất, nhập khẩu lớn và ổn định, tại đây luôn có từ 12 đến 14 đội bốc xếp với khoảng 350 lao động bốc vác hằng ngày. Vào mùa vụ, ở khu vực cửa khẩu Tà Lùng có cả nghìn lao động Việt Nam tham gia vào hoạt động bốc xếp, vận chuyển thủ công hàng hóa qua biên giới. Với mức thu nhập cao có thể lên tới 800 nghìn đồng/ngày công cho nên thu nhập phổ biến đạt từ 8 đến 12 triệu đồng/người tháng, nhiều hộ gia đình có thu nhập 20 triệu đồng/tháng đã giúp hàng nghìn lao động phổ thông vốn là đồng bào dân tộc thiểu số gần các khu vực biên giới như Tà Lùng, Hùng Quốc, Sóc Giang… đổi đời. Anh Giàng Seo Máy, một công nhân đang tham gia bốc xếp tại cửa khẩu Tà Lùng đã đổi đời từ khi “xuống núi”. Qua câu chuyện anh kể với vốn tiếng Kinh còn chưa thật nhuần nhuyễn, được biết nhà anh ở trên núi cao, không có điện, nước sinh hoạt. Vợ chồng anh từng có một cặp bò nhưng đợt rét năm ngoái chết mất, sau đó được người quen đưa xuống đây làm bốc vác gần một năm hiện đã để có được mấy chục triệu đồng gửi ngân hàng.
Tại khu vực hai cửa khẩu Tà Lùng và Hùng Quốc, nhiều hộ gia đình làm nghề bốc vác đã có vài trăm triệu đồng gửi tiết kiệm hoặc xây được nhà to. Qua tìm hiểu, được biết một lô đất bám mặt đường quốc lộ gần khu vực cửa khẩu Tà Lùng rộng chừng 100 m2 hiện nay giá từ 80 đến 120 triệu đồng không phải là quá cao đối với người lao động ở đây. Lượng hàng xuất nhập khẩu tăng lên cũng giúp tiền thuế thu được đáng kể. Chi Cục trưởng Hải quan cửa khẩu Tà Lùng Phạm Anh Tùng, cho biết: “Đến hết tháng 11, chúng tôi đã thu được hơn 100 tỷ đồng tiền thuế, tăng hơn gấp hai lần so với chỉ tiêu mà trên giao cho”. Còn ở cửa khẩu lớn thứ hai tại Cao Bằng là Hùng Quốc số tiền thuế thu được đến hết tháng 11 là 40 tỷ đồng cũng gấp hai lần chỉ tiêu.
Nói về hoạt động thương mại tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng khẳng định: Đối với Cao Bằng, kinh tế nông nghiệp vẫn là hàng đầu, nếu khai thác được nguồn lực về khoáng sản cũng sẽ là thế mạnh, sau đó mới đến hoạt động dịch vụ bao gồm kinh tế cửa khẩu và du lịch. Hiện nay, Trung Quốc đang đầu tư xây dựng đường cao tốc tới hai cửa khẩu tiếp giáp Việt Nam là Tà Lùng và Hùng Quốc, cho nên nhu cầu nhập khẩu hàng hóa qua Việt Nam sẽ tăng lên. Chúng ta phải đánh giá, cửa khẩu Cao Bằng không chỉ để phục vụ cho Cao Bằng và mấy thành phố bên kia biên giới như Sùng Tả, Bách Sắc của tỉnh Quảng Tây mà cần đặt vai trò là trung tâm giao lưu hàng hóa quốc tế của tỉnh Quảng Tây cũng như các tỉnh, thành phố phía tây nam Trung Quốc như Quý Châu, Tứ Xuyên, Trùng Khánh với Việt Nam và các nước Đông-Nam Á thông qua đường Hồ Chí Minh và đường xuyên Á. Hiện nay, với lưu lượng trung bình khoảng 500 xe/ngày, Cao Bằng thu được cả trăm tỷ đồng tiền thuế mỗi năm, bên cạnh đó người dân làm dịch vụ tại các cửa khẩu sơ bộ cũng thu được 500 đến 700 tỷ đồng. Nếu Cao Bằng được đầu tư nâng cấp giao thông như các tỉnh trung bình trong cả nước thì lưu lượng hàng hóa qua tỉnh Cao Bằng có thể tăng lên từ 1.000 đến 3.000 lượt xe/ngày.
Nỗi lo giữ đường
Cao Bằng là một tỉnh miền núi, giao thông còn nhiều khó khăn. Ngay như quốc lộ 3 đi qua địa phận tỉnh Cao Bằng cũng chỉ là đường cấp bốn miền núi. Do đường hẹp, chất lượng chưa cao cho nên khi có mật độ giao thông lớn với nhiều xe tải hạng nặng chạy qua đã nhanh chóng xuống cấp. Nhiều đoạn đường vừa làm đã lún, sụt gây khó khăn cho người tham gia giao thông. Là tỉnh nghèo, toàn bộ kinh phí làm đường tại Cao Bằng đều dựa vào ngân sách T.Ư. Người Cao Bằng hiểu rõ giá trị của những con đường ấy cho nên rất đau xót khi chúng nhanh chóng xuống cấp. Trên cung đường từ Cao Bằng đi Tà Lùng dài chừng 70 km đường khá đẹp nhưng chỉ có khoảng vài trăm mét khu vực cầu Nậm Pạng vì thiếu kinh phí mà đã sáu tháng nay mặt cầu không được hoàn thiện, chừng 200 m đường dẫn hai đầu cầu vẫn đầy… ổ voi và bụi mù mỗi khi có xe đi qua gây khó khăn, thậm chí nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Một số dự án về giao thông tại Cao Bằng cũng đang dang dở vì thiếu kinh phí, khiến người dân càng lo lắng cho những cung đường đang xuống cấp từng ngày. Việc tăng đột biến lượng xe tải còn gây ra cảnh tắc đường thường xuyên trên quốc lộ 3. Tại một số thị trấn miền núi, xe công-ten-nơ chiếm quá nhiều diện tích mặt đường và nhiều xe tải nhỏ tham gia sang tải khiến người tham gia giao thông gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó là những tệ nạn mà một bộ phận lái xe đường dài “chở theo”, gây bức xúc trong cộng đồng. Nhằm hạn chế sự xuống cấp của đường giao thông, hạn chế nạn tắc đường, UBND tỉnh Cao Bằng cho biết đang sắp xếp lại các hoạt động giao thông như quy định tuyến đường, chiều xe chạy… đồng thời tăng cường kinh phí để duy tu, bảo dưỡng đường bộ. Tỉnh cũng đang huy động nhiều nguồn lực để xây dựng hệ thống kho bãi tại các khu vực cửa khẩu. Sau khi tăng khoản thu lên hai triệu đồng/xe công-ten-nơ, dự kiến tỉnh Cao Bằng sẽ tiếp tục tăng phí để tạo thêm nguồn thu nâng cấp đường.
Kinh tế cửa khẩu đang mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách tỉnh Cao Bằng cũng như người dân tại các khu vực cửa khẩu. Nếu được đầu tư đường giao thông tốt hơn, giống như Quảng Ninh, Lạng Sơn… kinh tế Cao Bằng sẽ phát triển mạnh mẽ, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần đáng kể trong việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam, thường bị tắc nghẽn tại Lạng Sơn, mỗi khi đến vụ mùa thu hoạch rộ, như vải thiều, dưa hấu…
Theo Nhandan
Ý kiến ()