Nỗi lo đầu năm học
Các em học sinh Trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.Hồ Chí Minh – Ảnh: TTO |
Năm học 2013 – 2014 vừa qua là năm học đầu tiên thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Có rất nhiều vấn đề mới chỉ bàn ở năm học trước, nhưng sẽ phải quyết định trong năm học này về chất lượng dạy và học, về đổi mới thi cử, về sách giáo khoa, chính sách đãi ngộ với đội ngũ giáo viên… Nhiệm vụ của năm học 2014 – 2015 đang trở thành gánh nặng với ngành giáo dục và toàn xã hội, bởi lẽ đang có nhiều vấn đề bức xúc về giáo dục, nhiều trăn trở, nhiều câu hỏi lớn mà vẫn chưa tìm được lời giải đáp thỏa đáng dù năm học mới đã cận kề. Mới đây nhất, sau khi nhận được thông tin về các phương án đổi mới thi cử từ năm 2015, nhiều phụ huynh, giáo viên và học sinh không khỏi băn khoăn về cấu trúc và mẫu đề thi đổi mới, dự kiến sẽ được công bố trước ngày khai trường mà đến nay vẫn chưa có. Nghị quyết 29 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng yêu cầu giáo dục phổ thông sẽ tích hợp cao ở lớp học dưới, phân hóa mạnh kết hợp với tự chọn ở lớp học trên. Giai đoạn giáo dục toàn diện kết thúc khi hết bậc trung học cơ sở. Sang giáo dục trung học phổ thông chuyển mạnh sang định hướng nghề nghiệp. Để triển khai định hướng này là vô số việc phải làm. Đó là chưa kể đến các “căn bệnh nan y” của ngành giáo dục bấy lâu nay như “chạy trường”, “chạy lớp”, “chạy điểm”, “lạm thu”, “dạy thêm, học thêm”… mà vẫn chưa tìm ra đơn thuốc điều trị hữu hiệu.
Đối với từng gia đình, gánh nặng năm học đang đặt trên vai những bậc phụ huynh, trong đó có không ít gia đình nghèo không biết xoay xở ở đâu các khoản đóng góp cho con nhân dịp đầu năm học, kể cả việc đóng góp chính thức và những khoản đóng góp được mang tên là “tự nguyện”, là “thỏa thuận” nhưng thực chất rất ít phụ huynh dám chối từ…
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xác định nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành trong năm học 2014 – 2015 là triển khai nội dung đổi mới căn bản, toàn diện, mà trọng điểm là đổi mới phương pháp dạy và học, kiểm tra, đánh giá. Âm hưởng chính của đổi mới căn bản, toàn diện là phải chuyển từ nền giáo dục đào tạo đang chú trọng truyền thụ kiến thức một chiều sang nền giáo dục phát triển năng lực, phẩm chất người học, tạo nên những kỹ năng, phẩm chất của con người lao động Việt Nam mới, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Mục tiêu của năm học mới rất lớn, nỗi lo cho năm học mới rất nhiều. Gánh nặng năm học mới khá nặng nề, nhưng nếu toàn xã hội cùng chung nhau gánh vác thì sức nặng trên đôi vai của ngành giáo dục, các thầy giáo, cô giáo và các gia đình nghèo có con đi học sẽ giảm đi rất nhiều.
Hãy chăm lo đến sự nghiệp giáo dục bằng mọi giải pháp có thể thực hiện được. Với những người trong ngành, hãy mạnh dạn đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá học sinh; việc gì đã đúng, đã rõ cần triển khai ngay, không nên chờ đợi.
Với những người ngoài ngành giáo dục, sự lo lắng trước thực trạng nền giáo dục nước nhà là hoàn toàn chính đáng, nhưng trước hết là cần cái nhìn khách quan, toàn diện hơn đối với ngành giáo dục.
Ngành giáo dục Việt Nam đã được cả thế giới ngưỡng mộ qua các phong trào “bình dân học vụ”, “thi đua hai tốt”, “cuộc vận động hai không”… chắc chắn sẽ tiếp tục gặt hái được thắng lợi khi quyết tâm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà. Điều quan trọng là mỗi người Việt Nam hãy thay việc bày tỏ nỗi lo của mình trước thềm năm học mới bằng hành động ủng hộ sự nghiệp giáo dục.
Ý kiến ()