Nỗi lo của người lao động
LSO-Tuy đã được kéo dài thời gian nghỉ thai sản từ 4 lên 6 tháng nhưng việc trông giữ trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi vẫn đang là một vấn đề mà công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) rất lo lắng, loay hoay tìm lời giải.
Chăm sóc trẻ em dưới 24 tháng tuổi tại nhóm trẻ “Ngôi nhà trẻ thơ” phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn |
Bắt đầu trở lại làm việc sau 6 tháng nghỉ thai sản, chị Hoàng Thị Loan (công nhân Công ty TNHH Thành Long) phải nhờ bà nội trông con trong thời gian chị đi làm. Chị Loan tâm sự: Cũng may mắn vì có bà nội ở cùng, trông giữ con. Nếu không thì phải thuê người giúp việc, vừa không yên tâm lại vừa tốn kém vì lương mình được hơn 3 triệu/tháng không đủ khả năng thuê người trông trẻ.
Không có ông, bà trông giúp như chị Loan, chị Dương Thị Hường, nhân viên Trạm Khí tượng Thủy văn huyện Bắc Sơn phải mang theo con đến trạm mỗi khi đi làm. Do đặc thù công việc làm theo ca, lại được lãnh đạo tạo điều kiện, đồng nghiệp giúp đỡ nên chị Hường vẫn có thể vừa trông con nhỏ mới 6 tháng tuổi, vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Không phải ai cũng may mắn như chị Loan, chị Hường, phần lớn CNVCLĐ phải thuê người giúp việc để trông giữ trẻ hoặc phải mang con đi gửi ở các gia đình, các nhóm, nhà trẻ tư nhân. Chị Nguyễn Hồng D. (Ban Quản lý Dự án Phú Lộc I) cho biết: Hai bên nội, ngoại ở xa, vợ chồng tôi phải thuê người giúp việc đến ở cùng nhà để trông trẻ. Thế nhưng được 1, 2 tháng thì họ lại có việc bận, xin nghỉ làm. Đến giờ tôi phải tìm đến người giúp việc thứ ba rồi nhưng không biết có được lâu không nữa. Chỉ khổ con bé, mãi mới quen người lạ bế thì lại phải thay người khác.
Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội tỉnh, trong năm 2015, toàn tỉnh có 2.937 trường hợp CNVCLĐ được hưởng chế độ thai sản. Điều này đồng nghĩa với việc, gần 3.000 CNVCLĐ có con trong độ tuổi từ 6 đến 24 tháng tuổi. Hiện nay, các trường công lập không nhận giữ trẻ trong độ tuổi này. Trong khi đó, lao động nữ chỉ được nghỉ chế độ thai sản 6 tháng. Còn các trường mầm non công lập chỉ nhận trông giữ trẻ khi đủ 24 tháng tuổi. Vì thế, phần lớn CNVCLĐ có con trong độ tuổi này phải loay hoay nhờ cậy người thân bên nội bên ngoại, thuê người trông trẻ hoặc gửi trẻ tại các nhóm trẻ gia đình. Có người còn bỏ công tìm những người già, ở gần đáng tin cậy, nhà cửa sạch sẽ, mang con qua đó gửi để được trông nom cẩn thận hơn. Và tiền công của tất cả những loại hình trông giữ trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi này dao động từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Đối với những CNVCLĐ mới ra trường hoặc người có thu nhập thấp thì khoản chi này là cả một vấn đề cần phải tính toán.
Theo thống kê mới nhất của Sở Giáo dục và Đào tạo, toàn tỉnh hiện có 5 trường mầm non tư thục, 26 cơ sở, 84 lớp, nhóm trẻ. Các cơ sở này được thành lập đã đáp ứng phần nào nhu cầu trông giữ trẻ từ 6 đến 24 tháng tuổi để phụ huynh trong đó có cán bộ, CNVCLĐ yên tâm làm việc. Bà Hoàng Thị Cúc, Trưởng Ban Nữ công Liên đoàn Lao động tỉnh cho biết: Trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản 6 tháng, việc trông giữ trẻ trở thành nỗi lo của nhiều CNVCLĐ, đặc biệt là chị em phụ nữ. Để trẻ em được phát triển tốt nhất, các cấp công đoàn thường xuyên chỉ đạo các công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền đồng cấp quan tâm đảm bảo các chế độ chính sách cho lao động nữ theo đúng quy định của Bộ luật Lao động, như: người sử dụng lao động không được sử dụng lao động nữ làm việc ban đêm, làm thêm giờ và đi công tác xa đối với các trường hợp mang thai từ tháng thứ 7 trở đi hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi; trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi, được nghỉ mỗi ngày 60 phút vẫn được hưởng đủ lương…
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()