Nơi lan tỏa tình yêu thương
(LSO) – Đến với Cơ sở Bảo trợ xã hội tổng hợp (BTXHTH) tỉnh, mỗi người có một hoàn cảnh, số phận khác nhau nhưng điểm chung giữa họ là nỗi khát khao có một mái ấm thực sự. Nơi đây, chính những cán bộ, nhân viên đã mang đến cho những người già neo đơn không nơi nương tựa, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… một mái ấm tình thương bằng những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực.
Trong lúc tập các động tác phục hồi chức năng cho các hệ vận động, trò chuyện với chung tôi, ông Dương Công Tuyên (52 tuổi), xã Hưng Vũ, huyện Bắc Sơn đang được nuôi dưỡng ở Cơ sở BTXHTH tỉnh cho biết: Ngay từ nhỏ, căn bệnh viêm đa khớp teo cơ khiến cơ thể tôi trở nên gầy gò, ốm yếu, chân tay bị teo cơ, mất hoàn toàn khả năng lao động. Năm nay là năm thứ ba tôi được Cơ sở BTXHTH tỉnh tiếp nhận chăm sóc và nuôi dưỡng. Tại đây, tôi được cán bộ, nhân viên cơ sở thăm hỏi, động viên tinh thần và được chăm sóc tận tình chu đáo. Nhờ đó, sức khỏe của tôi đã dần ổn định, tinh thần lạc quan hơn.
Cán bộ Cơ sở BTXHTH tỉnh chăm sóc trẻ em đang nuôi dưỡng tại đơn vị
Giống như ông Tuyên, rất nhiều trường hợp là người khuyết tật, người già neo đơn, trẻ mồ côi được tiếp nhận vào Cơ sở BTXHTH tỉnh đã có cuộc sống tốt hơn. Trung bình mỗi năm, cơ sở tiếp nhận từ 80 đến 120 người là đối tượng yếu thế trong xã hội để nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe ban đầu, tư vấn ổn định tâm lý và giải quyết chế độ, hỗ trợ đảm bảo đúng quy định để các đối tượng yên tâm hòa nhập cộng đồng.
Ông Nguyễn Văn Giang, Giám đốc Cơ sở BTXHTH tỉnh cho biết: Từ năm 2015 đến nay, cơ sở đã tiếp nhận 125 đối tượng (người cao tuổi, người khuyết tật, thiểu năng trí tuệ, trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người nhiễm HIV) vào nuôi dưỡng và 1.512 đối tượng xuất nhập cảnh trái phép do Trung Quốc trao trả, 81 nạn nhân bị mua bán. Do cơ sở có nhiều đối tượng, độ tuổi khác nhau, trong khi số cán bộ, nhân viên tại cơ sở ít nên công tác quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng gặp nhiều khó khăn. Đơn cử hiện tại, cơ sở đang chăm sóc, nuôi dưỡng 90 đối tượng nhưng chỉ có 32 cán bộ, nhân viên. Mỗi ngày, chúng tôi phải chia theo 3 ca làm việc, mỗi ca làm có tối đa 5 cán bộ, nhân viên phải đảm nhiệm hết các công việc từ chăm sóc, hướng dẫn vệ sinh thân thể, hướng dẫn tập luyện phục hồi chức năng, nấu ăn, giặt giũ quần áo cho tất cả các đối tượng tại đây.
Mặc dù phải làm nhiều việc nhưng mỗi cán bộ, nhân viên tại cơ sở đều thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Để làm được điều đó, ngoài trách nhiệm công việc thì mỗi người đều có tình yêu thương rất lớn với những đối tượng tại cơ sở. Vì thế, trong mái ấm đặc biệt ấy, mỗi ngày đều có tiếng hát, tiếng nói cười của các em nhỏ. Người cao tuổi thì thong thả đi bộ dưới tán cây hoặc trò chuyện vui vẻ cùng nhau… Sự gắn kết được vun đắp mỗi ngày. Gạt đi những vất vả lo toan thường ngày, sự động viên, khích lệ với các cán bộ, nhân viên nơi đây chính là sức khỏe, sự trưởng thành và niềm vui của mỗi đối tượng.
Ông Vy Văn Vọng (59 tuổi), người có 27 năm công tác tại Cơ sở BTXHTH tỉnh cho biết: Hằng tuần, chúng tôi thay phiên nhau trực đêm nhưng ít khi chúng tôi được ngủ ngon giấc bởi các cụ già hay trẻ nhỏ ở đây đều sức yếu hoặc thần kinh không ổn định. Nhiều khi nửa đêm có trường hợp đau ốm chúng tôi lại phải đưa đi viện… Vất vả là thế nhưng nghĩ đến mỗi số phận đến đây đã quá bất hạnh thì chúng tôi lại luôn cố gắng để bù đắp thiệt thòi cho họ. Làm lâu năm, thường xuyên gặp gỡ, trò chuyện chăm sóc họ, chúng tôi lại trở thành thân thiết, coi nhau như người thân.
Bằng tình thương, trách nhiệm và sự nỗ lực, cố gắng của toàn thể cán bộ, người lao động của đơn vị, trong nhiều năm qua, Cơ sở BTXHTH tỉnh luôn là tập thể lao động xuất sắc và được nhận nhiều bằng khen, giấy khen của UBND tỉnh, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội. Hiện tại, đơn vị được Ban Thi đua – Khen thưởng tỉnh đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen tại Đại hội Thi đua yêu nước của tỉnh sắp tới.
Ý kiến ()